Nhận diện trầm cảm ở trẻ em
Thứ Năm, ngày 29/06/2023 21:37
ASXHPortalView

Nhận diện trầm cảm ở trẻ em

Shared facebook
Thứ Sáu, ngày 15/04/2022 10:41

Trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở mọi lứa tuổi. Trẻ em có ý tưởng tự sát thường có một số tín hiệu cảnh báo mà các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm...

BS.Nguyễn Hoàng Yến- Phòng Trẻ em và thanh thiếu niên (Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai) cho biết, trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở mọi lứa tuổi. Trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy buồn chán, đau khổ, không có động lực và hứng thú trong cuộc sống. Trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như: Sự giảm sút học hành, giảm quan tâm về ngoại hình, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội hoặc các hành vi mang tính chống đối: bỏ học, sử dụng chất kích thích…

BS.Yến cũng lưu ý một thực tế vô cùng quan ngại, đó là khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, về chán sống, thì nhiều bậc cha mẹ lại gạt đi và cho rằng không nên nghĩ đến những điều tiêu cực. “Đây là tín hiệu cảnh báo mà các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm. Khi trẻ bày tỏ cảm xúc thì đó là lúc con rất cần sự đồng cảm, sự chia sẻ, lắng nghe… Các bậc cha mẹ, người thân khi bắt được tín hiệu này nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra những bất an, sự đau khổ, tuyệt vọng của mình”- BS.Yến nói.

Tại Việt Nam, việc quan tâm, chăm sóc con cái phần lớn thuộc về các bà mẹ. Tuy nhiên, với một đứa trẻ thì sự quan tâm của cả gia đình là điều vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, tư duy, cách quan tâm, cách hỏi han của ông bà, cha mẹ đến với đứa trẻ là khác nhau. Nếu chỉ một mình mẹ hỏi han, quan tâm thì không chắc đã bao quát được hết và đáp ứng đúng điều trẻ cần. Vì vậy, hãy xem việc quan tâm con cái là công việc, phân chia đồng đều, đừng để đến lúc sự đã rồi mới tìm giải pháp khắc phục thì vô cùng khó.

Nhấn mạnh trách nhiệm của toàn xã hội về thực trạng này, PGS-TS.Nguyễn Văn Tuấn- Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) cũng cho rằng, không chỉ bác sĩ, chuyên gia, mà các bậc phụ huynh và giáo viên cũng cần có kiến thức nhận biết các yếu tố nguy cơ, từ đó tham gia tư vấn, hỗ trợ tâm lý, ngăn chặn hành vi tự sát của trẻ. “Nhận diện các dấu hiệu bất thường ở trẻ là chìa khóa giúp trẻ vượt qua những vấn đề về tâm lý”- PGS.Tuấn nói.

Thông thường những biểu hiện của trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý bao gồm: Giảm các mối quan hệ tương tác với bạn bè, gia đình; giảm tham gia các hoạt động xã hội; giảm sút học tập, không quan tâm đến vẻ ngoài, dễ cáu gắt, giận dữ… 90% trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần đều có bộc lộ ít nhất một biểu hiện ra ngoài. Do vậy, các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ cùng con cái như những người bạn.

Thái An


Viết bình luận


ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalFooter
Phần mềm CMS liên hệ 0903234444