Print

Hóa giải thách thức cho lao động nữ

Thứ Năm, 31 /03/2022 17:13

Theo các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhu cầu về nhân lực trong các DN hiện nay và nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là lao động tri thức, kể cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà rô-bốt không thể làm thay. Từ đó cho thấy, thị trường Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Trần Anh Tuấn- Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực TP.HCM) cho biết: Những năm qua, thị trường lao động TP.HCM có sự biến động, trong đó lực lượng lao động nữ có xu hướng gia tăng về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và việc làm.

Năm 2014- 2019, nguồn lao động của TP.HCM có 7 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm 52,41%. Còn trong tổng số 5,5 triệu lao động đang làm việc, thì tỷ lệ lao động nữ cũng chiếm trên 50,30%. Khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ trong các DN cho thấy, trình độ năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống (dệt, may, dịch vụ, bán hàng...). Đa số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, làm việc bấp bênh, thu nhập thấp… 

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, dù chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động, nhưng lao động nữ chưa qua đào tạo là một trong những nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động và mang nhiều đặc trưng nhân khẩu- xã hội bất lợi. “Phần lớn lao động nữ làm việc trong điều kiện chưa được cải thiện, thời gian lao động kéo dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao. Tỷ lệ nữ làm lao động giản đơn chiếm 53,6%, trong khu vực phi nông nghiệp chiếm 47,3%. Xu hướng đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được quan tâm nhiều như trẻ em trai, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực…”- ông Tuấn chia sẻ.

Tác động của đại dịch COVID-19 vô cùng nặng nề, tuy nhiên về lâu dài, thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu. Ngành nghề nào hiện tại đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì sẽ hồi phục và đi lên nhanh nhất, những ngành nghề gắn với kinh tế số và nghề đáp ứng được nhu cầu thực tế thì luôn có nhu cầu và thu nhập sẽ cao. Trong giai đoạn 2021- 2025 đến năm 2035, nhu cầu nhân lực qua đào tạo tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và TP.HCM chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp chiếm tỷ trọng bình quân trên 75% (có trình độ CĐ chiếm 20%, trung cấp chiếm 30% và sơ cấp 25%). Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn, với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ qua đào tạo nói chung và các hệ giáo dục nghề nghiệp.

Các nhóm ngành nghề phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ vào làm việc như: Công nghệ chế biến thực phẩm, giấy bao bì, công nghệ in, CNTT- điện tử, cơ khí- tự động hóa, công nghệ nhựa, sợi, dệt may, thiết kế thời trang- tạo mẫu, công nghệ cao chế biến nông sản, thủy hải sản... Kết hợp với những ngành nghề mới thay đổi kỹ thuật hiện đại sẽ giúp thu hút bình quân từ 55-60% lao động nữ và hầu như không còn ranh giới ngành nghề giữa nam và nữ trong xu hướng thị trường lao động hiện nay. “Như vậy, các chính sách của Nhà nước cần chú trọng vấn đề đào tạo nghề cho lao động nữ theo cách tiếp cận giới, đào tạo không chỉ phục vụ sinh kế, mà còn thúc đẩy bình đẳng giới, là mục tiêu căn cơ bền vững”- ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài: Khoa Đăng

Đồ họa: Quang Hùng