Print

Phát triển BHXH tự nguyện: Khéo vận động để vượt thách thức

Thứ Năm, 31 /03/2022 17:10

Hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia mà còn trực tiếp “đánh thủng” túi tiền người dân, NLĐ, đặc biệt là NLĐ ở khu vực phi chính thức. Cuộc mưu sinh của người dân trong và sau dịch COVID-19 trở nên khó khăn hơn, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội trước mắt mà cả lâu dài.

Xã Thiện Mỹ (tỉnh Vĩnh Long), trong tháng 1/2022 có hơn 1.300 người tham gia BHXH tự nguyện đến thời điểm tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 1, chỉ hơn 800 người tái tục BHXH tự nguyện. Theo đại lý thu BHXH, BHYT địa phương này, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng lao động phi chính thức “rời lưới an sinh” nơi đây là tài chính hộ gia đình cạn kiệt và mức đóng tăng.

Anh N.V.L (trú ấp Mỹ Phó, xã Thiện Mỹ) là một người rất ủng hộ chính sách BHXH tự nguyện vì giúp ai cũng có lương hưu khi về già. Vì vậy, dù mưu sinh bằng nghề gom rác, thuộc hộ nghèo, song anh vẫn tằn tiện thu nhập ít ỏi để tham gia BHXH tự nguyện (mức tham gia thấp nhất là 700.000 đồng, mức đóng 107.800 đồng/tháng sau khi đã trừ hết các khoản hỗ trợ từ ngân sách). Nhưng mới đây, anh phải nhờ đại lý thu BHXH, BHYT tạm chốt sổ để dốc toàn bộ thu nhập lo cơm gạo gia đình, cùng học phí cho 2 con đang tuổi đến trường. Trải lòng với nhân viên đại lý thu, anh L. nói, thời gian trước cả 2 vợ chồng đều có thu nhập, nên ngoài chuyện cơm gạo trong nhà và con cái đi học, vẫn dành dụm được khoản nhỏ tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng nay, chỉ còn mình anh giữ được thu nhập, nên phải ưu tiên đời sống trước mắt, khi nào hết khó thì mới có thể tiếp tục tham gia.

Với anh P.V.Đ (ấp Cây Điệp, xã Thiện Mỹ), trước đó anh cũng hào hứng với viễn cảnh vợ chồng đều có lương hưu khi hết tuổi lao động, nên đã tham gia BHXH tự nguyện. Thường nhật, vợ chồng anh Đ. làm phụ hồ ở các công trình xây dựng dân dụng để mưu sinh. Để tham gia BHXH tự nguyện, cũng với mức thấp nhất tương tự anh L., vợ chồng anh Đ. phải dè xẻn chi tiêu, liệu cơm gắp mắm mới tròn trịa cuộc sống gia đình. Song, ngoài câu chuyện khó về việc làm ở thời điểm này, thì mức chuẩn hộ nghèo năm nay đã tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng, khiến mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng cũng tăng từ 135.000 đồng/người lên 297.000 đồng/người/tháng. Đuối quá nên vợ chồng anh Đ. cũng nhờ đại lý thu BHXH, BHYT tạm chốt sổ, dừng đóng, chờ thời gian tới thư thả túi tiền rồi tính tiếp.

Việc nhiều NLĐ khu vực phi chính thức rời lưới an sinh, tạm dừng đóng, chốt sổ BHXH tự nguyện không chỉ xảy ra riêng lẻ tại xã Thiện Mỹ. Qua ghi nhận từ một số địa phương khác cho thấy, tình trạng này đang diễn ra, mà “tâm sóng” chính là hệ lụy từ COVID-19 và mức đóng BHXH tự nguyện gia tăng. Theo phản ánh từ một số nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT ở các địa phương, qua phân tích thiệt hơn về việc mức tham gia nhiều hơn khi thụ hưởng lương hưu sẽ cao hơn, hầu hết người tham gia đều hiểu và đồng tình. Vì vậy, với người còn ổn định, giữ được mức thu nhập sau cao điểm dịch bệnh COVID-19, ở thời điểm này vẫn có thể tái tục. Riêng với người bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề, dù rất hiểu, rất đồng tình, nhưng “lực bất tòng tâm”, họ đành phải tạm dừng đóng. Bởi vậy, tình trạng tạm chốt sổ BHXH tự nguyện để “nín thở qua sông” trong thời điểm khó khăn này là phổ biến. “Hầu hết NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện ở mức thấp nhất trước đó lấy căn cứ đóng là 700.000 đồng. Vì vậy, khi mức tham gia tăng lên, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó chồng khó, sụt giảm thu nhập gia đình, dù mức hỗ trợ có tăng...”- một nhân viên đại lý thu chia sẻ.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, hàng loạt hình thức truyền thông từ vận động nhóm lớn, đến nhóm nhỏ, đến cả từng hộ gia đình, qua sự vào cuộc của ngành BHXH Việt Nam, Bưu điện và mạng lưới chính quyền cấp cơ sở gần dân nhất, đã giúp người dân rõ hơn tầm quan trọng của lương hưu và thẻ BHYT khi hết tuổi lao động.

Do nỗ lực truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện, nên cộng đồng dân cư đã biết rõ cá nhân mình, người thân của mình, dù không làm Nhà nước, cơ quan, công ty, xí nghiệp... vẫn có thể hưởng lương hưu và có thẻ BHYT lúc về già. “Bởi vậy, không nhiều người chốt sổ để nhận lại tiền tham gia BHXH tự nguyện lâu nay, mà chỉ tạm dừng, chốt lại để chờ có cơ hội sẽ tái tục tham gia trong thời gian tới. Rõ ràng là người dân đã và hết sức kỳ vọng tuổi già có lương hưu. Nhìn thấy người dân phải tạm dừng vì khó khăn, thương quá anh ạ!”- một nhân viên đại lý thu ở xã Thiện Mỹ chia sẻ với PV Tạp chí BHXH.

Nỗ lực dệt lưới an sinh qua hình thức BHXH tự nguyện của ngành BHXH Việt Nam và cả hệ thống chính trị đã gặt hái kết quả vượt bậc so với nhiều năm trước. Song, khi nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 thì mọi mặt của đời sống xã hội đều bị tác động. Công tác an sinh xã hội quốc gia với 2 trụ cột chính là BHXH, BHYT, vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế, cũng bị “lung lay, chao đảo” khi dịch bệnh COVID-19 tung hoành. Trong giai đoạn hiện nay, cao điểm dịch bệnh đã trôi qua, các gói hỗ trợ tài chính giúp hồi phục kinh tế đang được Chính phủ triển khai chính là cách “khoan sức dân”.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn tất việc triển khai hỗ trợ DN giảm mức đóng BH thất nghiệp cho NLĐ cũng là cách “khoan sức dân”. Lâu nay, ngân sách đã bố trí những khoản giảm trừ giúp người dân đóng tiền ít hơn khi tham gia BHXH tự nguyện. Đây là hình thức khuyến khích, động viên cộng đồng tham gia, chung tay thiết lập nền an sinh xã hội nước nhà. Ở thời điểm hiện nay, trước thực trạng rời lưới an sinh khi thu nhập sụt giảm, mức đóng gia tăng, việc tăng mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện cũng là cách “khoan sức dân” thiết thực, hạn chế tối đa người đang tham gia BHXH tự nguyện phải tạm dừng.

Về lâu về dài, các cơ quan hoạch định chính sách cần thúc đẩy nhanh hơn nữa sự đa dạng hình thức tham gia BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng, cốt lõi là giảm điều kiện thời gian tham gia để được hưởng lương hưu cũng như bổ sung thêm quyền lợi. Càng sớm đưa những thay đổi về BHXH theo hướng tích cực hơn vào đời sống xã hội, công tác dệt lưới an sinh sẽ càng nhanh đạt các mục tiêu mà Trung ương đề ra. Điều này cũng giúp nền an sinh xã hội nước nhà bền vững hơn trước tác động vẫn còn chực chờ của dịch bệnh COVID-19.

Bài: Đỗ Bá

Đồ họa: Quang Hùng