Print

An sinh xã hội- Xu hướng và thách thức

Thứ Sáu, 01 /04/2022 16:32

Năm 2021 với những biến động kinh tế- xã hội chưa từng có đối với thế giới và Việt Nam trước tác động của đại dịch COVID-19. Nhiều DN phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phản ánh tác động trực tiếp của đợt bùng phát dịch thứ 4 đến NLĐ khi mà trong 9 tháng năm 2021, cả nước có tới hơn 1,3 triệu NLĐ thất nghiệp, 1,3 triệu lao động đã phải về quê do không có việc làm và cuộc sống khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, khoảng 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã bị mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, hoặc giảm thu nhập...

Trong đại dịch, trước những khó khăn của nền kinh tế, “bà đỡ” lớn nhất đối với NLĐ chính là hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Toàn hệ thống đã “vào cuộc” tích cực và linh hoạt để hỗ trợ người dân, NLĐ và DN trước những “rủi ro” bất khả kháng. Riêng đối với BHXH, hệ thống này đã ứng phó một cách linh hoạt, kịp thời triển khai các giải pháp nhằm 2 mục tiêu kép, vừa giải quyết quyền lợi, chế độ của NLĐ, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, nhưng toàn Ngành vẫn hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021: Giải quyết khoảng 100.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; chi trả cho trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và BHXH một lần; trên 738.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 125,96 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú.

Những cố gắng này của ngành BHXH đã góp phần tạo niềm tin và lòng tin của người dân, của NLĐ và DN vào chính sách an sinh xã hội chung của quốc gia. Đặc biệt, trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, BHXH Việt Nam đã chủ động cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành các quyết sách hỗ trợ cho NLĐ và DN gặp khó khăn do dịch bệnh (như các Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP).

Với những cố gắng của toàn ngành BHXH Việt Nam, mặc dù gặp nhiều khó khăn về suy giảm thu nhập, nhưng số người tham gia BHXH vẫn tăng. Tính đến cuối năm 2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,54 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020, chiếm 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BH thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020; số tham gia BHYT hơn 88,83 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Đây là thành tựu, có thể coi là điểm sáng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có thể đạt được.

Theo một báo cáo mới công bố của The Economist Intelligence Unit (EIU), năm 2022, nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi về mức trước khi có đại dịch xảy ra, với sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia. COVID-19 có thể khiến hầu hết các nước G7 mất 4 năm để khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của EIU cũng chỉ rõ, đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng kép trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này đặc biệt nguy hiểm và không xác định đường biên giới. Bất kỳ một quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, đều khó có thể thoát khỏi đại dịch. Các đợt phong tỏa quy mô lớn trong lịch sử được áp dụng tại nhiều quốc gia, dẫn đến sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế chưa từng thấy trước đây và để lại hậu quả không sớm khắc phục được.

Theo dự báo của EIU, vào giữa năm 2022, các nước không tiêm đủ vắc-xin cho 60% dân số sẽ phải chịu tổn thất tương đương 2.000 tỷ euro (khoảng 2.348 tỷ USD) trong giai đoạn 2022- 2025. Đáng chú ý, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ phải gánh chịu khoảng 70% khoản thiệt hại trên, càng làm trì hoãn quá trình hội tụ kinh tế của họ với các nước phát triển hơn. Hệ quả của sự suy giảm này có thể gây ra sự phẫn nộ, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nền kinh tế đang phát triển. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Việt Nam, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đã hiện rõ trên bức tranh lợi nhuận DN sản xuất trong năm 2021 và có thể kéo sang năm 2022. Dịch bệnh khiến DN phải đối diện với nhiều khó khăn như: Chi phí gia tăng cho việc đảm bảo duy trì sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhu cầu giảm. Công suất hoạt động của nhiều DN giảm trước các biện pháp giãn cách để phòng dịch. Cùng với đó, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt cũng mang đến nhiều rủi ro gián đoạn vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất. Những khó khăn này dẫn đến những hệ lụy xã hội rõ nét hơn, phức tạp hơn. NLĐ sẽ vẫn khó duy trì được mức thu nhập như trước khi có dịch, việc làm trở nên bấp bênh hơn do tính bất ổn định của sản xuất.

Song song với dịch bệnh, những biến đổi về khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp càng tạo ra thách thức cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia trong những năm tới. Những thách thức này đã được Tổng Thư ký ISSA Marcelo Caetano chỉ ra ở phạm vi toàn cầu, đó là 10 thách thức lớn nhất gồm: (1) khoảng cách bất bình đẳng giữa tiếp cận an sinh xã hội giữa các nhóm đối tượng; (2) đảm bảo hệ thống an sinh xã hội đầy đủ cho suốt cuộc đời NLĐ; (3) già hóa dân số; (4) tình trạng thất nghiệp của lao động trẻ; (5) tác động của nền kinh tế số, internet đến cấu trúc xã hội, cấu trúc thị trường lao động; (6) nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các bệnh mãn tính; (7) biến động tự nhiên, thay đổi khí hậu, dịch bệnh; (8) di dân và lao động di cư; (9) phát triển công nghệ đặt ra thách thức trong quản trị; (10) yêu cầu ngày càng cao của công chúng về chất lượng dịch vụ.

Với khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, hiện có 4 thách thức lớn nhất mà các cơ quan an sinh xã hội cần quan tâm giải quyết:

Thứ nhất là khoảng cách bất bình đẳng về tiếp cận an sinh xã hội giữa các nhóm đối tượng còn lớn. Hiện, độ bao phủ BHXH với người già mới đạt trên 50%, người dễ bị tổn thương 16,4% và người khuyết tật nặng mới đạt dưới 10%, trong khi đó ở Việt Nam tỷ lệ này còn thấp hơn.

Thứ hai là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là đối với các bệnh mãn tính. Hiện tỷ lệ chi từ tiền gia đình cho y tế của người dân khu vực này vẫn ở mức cao.

Thứ ba là kỳ vọng ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ, trong khi đó hệ thống y tế và các dịch vụ an sinh xã hội chưa đáp ứng được.

Thứ tư là vấn đề già hóa dân số khi hiện nay số người trên 65 tuổi ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương chiếm 50% toàn cầu. Tốc độ già hóa dân số trong khu vực này đang tăng nhanh. Tại Việt Nam, hiện nay tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 11,86% dân số, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8,27% (năm 2019) và Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đây là áp lực khá lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia khi lực lượng lao động có xu hướng giảm và tỷ lệ người cao tuổi có xu hướng tăng nhanh, đòi hỏi quỹ hưu trí phải có tính bền vững hơn.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và các rủi ro phi truyền thống khác, để thực hiện sứ mạnh là “bà đỡ” của người dân và NLĐ, hệ thống an sinh xã hội Việt Nam với trụ cột cơ bản là hệ thống BHXH cần phải đổi mới mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn. Một số khuyến nghị, đó là:

Cần có các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tăng diện bao phủ đối với lao động khu vực phi chính thức. Để thực hiện điều này, cần cải cách các chế độ BHXH theo hướng linh hoạt hơn và có tính kết nối cao hơn giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Đồng thời, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng để bảo vệ mọi người dân và mọi NLĐ trước những rủi ro truyền thống và rủi ro phi truyền thống với phương châm “không để ai lại phía sau” trong quá trình phát triển; kết nối tốt hơn, linh hoạt hơn giữa hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí xã hội (thông qua cơ chế ngân sách tài trợ), đối với những người cao tuổi ở nông thôn chưa được hưởng BHXH, gắn với hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Cần đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, cải cách TTHC theo hướng thân thiện với người tham gia BHXH; cải cách hệ thống y tế, đảm bảo dịch vụ y tế có chất lượng có thể tiếp cận được và sẵn sàng ở mọi cấp, kể cả y tế cơ sở.

Cần có sự chia sẻ thông tin, gắn kết tốt hơn giữa BHXH, BH thất nghiệp với hệ thống dịch vụ việc làm, hệ thống đào tạo nghề nghiệp để tạo điều kiện cho NLĐ nếu bị thất nghiệp có thể nhanh chóng quay lại thị trường lao động.

Và cuối cùng, cần đổi mới công tác truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; cần có những chiến dịch truyền thông chuyên đề để thu hút các đối tượng tiềm năng tham gia.

Bài: PGS.TS. Mạc Văn Tiến

Đồ Họa: Kiều Thanh