Print

Ngành BHXH Việt Nam hướng đến “hệ sinh thái BHXH 4.0”

Thứ Bảy, 02 /04/2022 04:02

Với phương châm “lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ”, những năm qua, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ để từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái BHXH 4.0”, với mục tiêu phục vụ tốt nhất quyền lợi của NLĐ, người dân và DN. Đây được xem là nền tảng quan trọng, vững chắc cho việc chuyển đổi số của Ngành, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số mà Chính phủ đã đề ra. Cùng với đó, CSDL của Ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với CSDL của các bộ, ngành, địa phương khác, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia và hưởng BHXH, BHYT.

Đồng thời, giao dịch điện tử được đẩy mạnh, 100% số đầu mục DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia đạt 80%... Tính đến nay, ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý CSDL với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở KCB và hơn 500 nghìn tổ chức, DN sử dụng DVC trên toàn quốc và các bộ, ngành. Hơn 20 nghìn tài khoản của CCVC, NLĐ trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ. Chỉ tính riêng năm 2021, Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận và xử lý trên 220 triệu lượt hồ sơ.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP, BHXH Việt Nam đã kịp thời cung cấp thêm 8 DVC trên Cổng DVC của Ngành; kết nối, tích hợp, cung cấp 7 DVC trên Cổng DVC Quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của Bộ TT-TT, BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT và DVC trực tuyến, xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối bộ, ngành và xếp thứ nhất trong Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện trong những năm qua đã giúp BHXH Việt Nam có thể thực hiện hầu hết các hoạt động trên nền tảng CNTT, sử dụng tất cả các phần mềm nghiệp vụ thông qua ứng dụng CNTT và trực tuyến. Đến nay, chỉ còn chế độ hưu trí tiếp nhận hồ sơ giấy, còn các lĩnh vực khác đều cung cấp DVC trực tuyến (bao gồm đăng ký tham gia cấp, đổi sổ BHXH, thẻ BHYT đều thực hiện qua DVC trực tuyến giữa BHXH và các cơ quan, đơn vị SDLĐ). Đồng thời, trên 98% giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT được thực hiện giữa cơ quan BHXH với các cơ quan, đơn vị SDLĐ. Riêng lĩnh vực quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT đã thực hiện 100% giao dịch điện tử từ năm 2018 đến nay.

Mục đích của chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam là để phục vụ người dân, DN tốt hơn, nhất là quản lý đối tượng tham gia và hưởng BHXH, BHYT được chặt chẽ hơn. Riêng đối với người tham gia BHXH, BHYT, việc chuyển đổi số giúp họ dễ dàng tiếp cận thông tin về quá trình tham gia và hưởng chế độ, cũng như giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH...

Nhận định về vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH, ông Đặng Hồng Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai xây dựng CSDL quốc gia thuộc phạm vi quản lý; đồng thời tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chính phủ số. BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng phối hợp liên thông dữ liệu KCB BHYT với các cơ sở KCB trên toàn quốc; đến nay hầu hết các cơ sở KCB đã gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam, trừ một số cơ sở KCB ở vùng sâu, vùng xa.

Để phát huy hơn nữa “sức mạnh” của chuyển đổi số, BHXH Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện dữ liệu, củng cố, kiện toàn nền tảng cơ sở vật chất và CNTT. Đặc biệt, để quản lý, tương tác với cá nhân người tham gia BHXH, BHYT, toàn Ngành đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, NLĐ cài đặt ứng dụng VssID. Được ra mắt từ cuối năm 2020, VssID được coi là một bước tiến quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam; hướng tới thay thế sổ BHXH và thẻ BHYT bằng giấy, cung cấp các DVC trực tuyến cho người dân trên ứng dụng; thực hiện công khai, minh bạch thông tin đóng-hưởng BHXH, BHYT.

Khi đăng ký và cài đặt ứng dụng VssID, người tham gia và hưởng BHXH, BHYT có thể sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng này để đi KCB; cập nhật các thông tin về thẻ BHYT, quyền lợi được hưởng khi đi KCB; biết rõ lịch sử KCB BHYT của mình. Đồng thời, dễ dàng theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT; lịch sử hưởng các chế độ BHXH; hỗ trợ tra cứu mã số BHXH, địa chỉ cơ quan BHXH, cơ sở KCB cấp Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH, cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT, đơn vị tham gia BHXH, điểm thu hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT; thực hiện các DVC trực tuyến dành cho cá nhân liên quan BHXH, BHYT...

Đáng chú ý, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, ứng dụng VssID do BHXH Việt Nam phát triển không ngừng được cải tiến, bổ sung các tính năng, tiện ích mới giúp nâng cao trải nghiệm người dùng. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, cả nước đã có khoảng 30 triệu người đăng ký và cài đặt ứng dụng. Trên kho ứng dụng AppStore, VssID xếp thứ 7 trong số các ứng dụng miễn phí được người dùng yêu thích nhất năm 2021. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 38 (Hội nghị ASSA 38), VssID vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục CNTT cho ứng dụng trên điện thoại thông minh, do ASSA trao tặng.

Nỗ lực chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã đạt được hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy vậy, để xây dựng được “hệ sinh thái BHXH 4.0”, toàn Ngành vẫn cần một chiến lược dài hơi hơn. Với vai trò, nhiệm vụ được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của CSDL quốc gia về BH- một trong 6 CSDL quốc gia quan trọng, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung xây dựng CSDL chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối và chia sẻ.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, hiện nay, BHXH Việt Nam đã kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động hai chiều với Tổng cục Thuế; kết nối liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khai tử để phục vụ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; kết nối chia sẻ dữ liệu đăng ký kinh doanh với Bộ KH-ĐT; bàn giao toàn bộ CSDL hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu với gần 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc; nhất là kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu, thông tin với CSDL quốc gia về dân cư, đã có khoảng 33 triệu dữ liệu thông tin công dân được chia sẻ để xác thực...

Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của Ngành, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số. Do đó, trong thời gian tới, trên cơ sở nền tảng, hạ tầng CNTT sẵn có, toàn Ngành sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực, quyết liệt đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác, với lộ trình theo từng phân kỳ, giai đoạn cụ thể. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện CSDL quốc gia về BH, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới (định danh trực tuyến-eKYC, liên kết tài khoản, ứng dụng ví điện tử để thanh toán và chi trả các chế độ…), để hoàn thiện “hệ sinh thái BHXH 4.0”, với mục tiêu phục vụ tốt nhất quyền lợi của người dân, NLĐ, đơn vị, DN.

Tại Kế hoạch ứng dụng CNTT phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2021-2025, dự kiến đến năm 2025, toàn Ngành sẽ triển khai thành công CSDL quốc gia về BH. Đồng thời, hoàn thành một số tiêu chí như: 100% DVC trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% người dân, DN sử dụng DVC trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam; 90% hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Bên cạnh đó, thông tin của người dân, DN đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành sẽ không phải cung cấp lại; cung cấp dữ liệu mở theo quy định; duy trì kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống báo cáo của BHXH Việt Nam với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; phát triển, hoàn thiện Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH Việt Nam (Datawarehouse-DWH) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của Ngành; 95% hồ sơ công việc của Ngành được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 50% người tham gia BHXH, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 40% sử dụng ứng dụng VssID.

Đến năm 2030, dự kiến 100% Hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, DN đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành không phải cung cấp lại; 100% hồ sơ công việc của Ngành được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% người tham gia BHXH, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 60% sử dụng ứng dụng VssID.

Chuyển đổi số đang tác động sâu rộng vào đời sống xã hội cũng như từng người dân, làm thay đổi tư duy, cách thức quản lý và vận hành của ngành BHXH Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi toàn Ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội, chuyển nhận thức thành hành động cụ thể, lựa chọn cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp, từ đó góp phần xây dựng nền móng tương lai cho xã hội số.

“Để làm tốt nhiệm vụ này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, CNTT trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành để phục vụ DN, người dân... Đặc biệt, sẽ nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số, như: Xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của Ngành, nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi cho người dân, đơn vị, DN”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Bài: Bảo Hiệp

Đồ họa: Quang Hùng