Print

Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ- những vấn đề đặt ra

Thứ Sáu, 29 /04/2022 09:22

Tuổi nghỉ hưu là một trong những điều kiện để NLĐ được quyền nghỉ hưu và hưởng lương hưu. Ngoài quy định độ tuổi, tùy theo từng hệ thống hưu trí của quốc gia, các nước có những quy định khác, như số năm đóng BHXH (đối với những hệ thống đóng- hưởng) hoặc số năm làm việc tối thiểu (đối với những nước thực hiện BHXH toàn dân hoặc thực hiện thông qua hệ thống thuế).

Hiện nay, trên thế giới, có 3 loại hình phổ biến của hệ thống hưu trí: Hệ thống hưu trí dưới dạng phân phối (hay còn gọi là hệ thống BHXH đóng- hưởng, trong đó có Việt Nam); Hệ thống hưu trí phổ quát (theo mô hình BHXH toàn dân, chủ yếu ở các nước Bắc Âu) và Hệ thống hưu trí tích luỹ cá nhân (do một người có thể tham gia nhiều quỹ). Ngoài ra, tại các nước phát triển đã hình thành hệ thống hưu trí “hỗn hợp”, nghĩa là Nhà nước sẽ chi trả một khoản tiền hưu trí tối thiểu, phần còn lại sẽ do các quỹ mà NLĐ đã tham gia tích lũy trước đó chi trả. Để vận hành được hệ thống “hỗn hợp”, Nhà nước có các chính sách ưu đãi thuế. Hệ thống này được thực hiện ở Mỹ và một số nước theo mô hình Mỹ.

Hiện nay, có khoảng 300 quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, quản lý một lượng tiền lên tới 15.730 tỷ USD. Trong số 300 quỹ này thì 134 quỹ thuộc Mỹ (chiếm gần 45%); 26 quỹ thuộc Anh; Canada có 18 quỹ và Nhật Bản, Australia mỗi nước có 16 quỹ…

Các nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu/tuổi được hưởng lương hưu cho thấy, dù có đóng trực tiếp BHXH hay không, ở tất cả các hệ thống hưu trí trên thế giới, để được hưởng lương hưu/trợ cấp tuổi già, thì các quốc gia đều tùy theo điều kiện kinh tế- xã hội, tuổi thọ bình quân và xu hướng già hóa dân số để quy định tuổi nghỉ hưu. Ở những quốc gia dân số trẻ, tỷ lệ người cao tuổi thấp, lực lượng lao động dồi dào thì tuổi nghỉ hưu được quy định thấp để có thể sử dụng nhân lực hiệu quả hơn.

Ngược lại, ở các quốc gia dân số già hoặc xu hướng già hóa dân số tăng nhanh, số người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao trong dân số, trong khi đó lực lượng lao động có xu hướng giảm đi, tuổi nghỉ hưu được quy định cao hơn để thâm dụng nhân lực.

Tuy nhiên, có một quy luật chung là, quốc gia nào cũng bước vào thời kỳ già hóa dân số. Do vậy, xu hướng chung là các quốc gia định kỳ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên, tỷ lệ với tuổi thọ bình quân của dân số. Vì hệ thống hưu trí có liên quan mật thiết đến an sinh xã hội, nên các quốc gia đều có những giải pháp để duy trì sự ổn định của hệ thống này. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện chỉ có thể đảm bảo khi nguồn đóng góp vào quỹ hưu trí đủ lớn (với mức đóng góp cao và phải thường xuyên điều chỉnh theo tình hình kinh tế- xã hội), nhất là ở những quốc gia thực hiện hệ thống hưu trí phân phối. Vì vậy, chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu đang là một trong các giải pháp bắt buộc mà chính phủ của nhiều quốc gia đang phải áp dụng.

Từ khía cạnh kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia tài chính BHXH, với cùng một lực lượng lao động, nếu kéo dài tuổi làm việc lên 5 năm thì quỹ hưu trí có thể tăng lên 30%/năm, do những lao động này ở những năm cuối có thu nhập cao, nên mức đóng góp cho quỹ hưu trí sẽ cao.

Các nghiên cứu về sự chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cho thấy, khi xác định tuổi nghỉ hưu, ngoài khía cạnh sinh học, các nhà hoạch định chính sách còn phải tính toán cả đến khả năng lao động và các yếu tố khác giữa lao động nam và nữ. Trong nhiều năm trước, ở các nước mới xây dựng hệ thống hưu trí, điều kiện làm việc ở các công trường, nhà máy còn nặng nhọc, chưa có sự hỗ trợ nhiều của máy móc, nên khả năng lao động của nữ hạn chế hơn nam giới. Chính vì vậy, để bảo đảm sức khỏe cho lao động nữ, các nước có quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn nam. Đặc biệt, ở các nước thuộc khối XHCN (cũ), quy định tuổi nghỉ hưu nữ thấp hơn nam còn được coi là một trong những chính sách ưu tiên đối với lao động nữ, vì phụ nữ còn có thiên chức duy trì nòi giống. Chính điều này đã “mặc định”, dù có sự điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, nhưng tuổi quy định của nam vẫn cao hơn nữ. Tuy nhiên, đến nay, do điều kiện kinh tế- xã hội thay đổi, KHCN đã được áp dụng trong sản xuất và đời sống, nên khoảng cách về khả năng lao động giữa lao động nam và lao động nữ đã được rút ngắn. Hơn nữa, bình đẳng giới đang được thực hiện ở cấp độ toàn cầu, nên nhiều quốc gia đã cải cách hệ thống hưu trí theo hướng tiếp cận bình đẳng giới. Khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ đã giảm đáng kể.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia, có 54 quốc gia (30,7%) quy định tuổi nghỉ hưu dưới 60 tuổi; có 66 quốc gia (37,5%) quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đến 62 tuổi; có 9 quốc gia (5,1%) quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 đến 64 tuổi. 37,5% trong số 176 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu của nữ từ 58- 60 tuổi chiếm; 47,2% quy định tuổi nghỉ hưu của nam từ 60-62 tuổi. Đối chiếu với các quy định trong các Công ước quốc tế về lao động, không có quy định “cứng” nào về độ tuổi nghỉ hưu và cũng không có quy định nào yêu cầu tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam và/hoặc nam cao hơn nữ. Có thể so sánh tuổi nghỉ hưu của một số nước ở bảng 1 dưới đây:

Có thể nêu quá trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở 2 giới của một số nước như sau:

Đức:

Nước Đức có thể được coi là cái nôi của hệ thống BHXH thế giới với mô hình nhà nước xã hội. Đến nay, nước Đức cũng đang thực hiện cải cách chế độ hưu trí theo hướng gắn độ tuổi nghỉ hưu với tuổi thọ bình quân của dân số. Theo ước tính, nam giới Đức sẽ sống tới 88 tuổi và nữ giới thọ tới 91 nên để quỹ lương hưu trí vận hành bình thường, tuổi nghỉ hưu sẽ phải là 71 tuổi. Trước năm 2012, tuổi nghỉ hưu của 2 giới ở Đức là 65 tuổi. Đến năm 2012, Quốc hội Đức đã thông qua cải cách về luật lao động, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi, bắt đầu từ năm 2020 đến 2030. Nước Đức cũng là một trong số quốc gia có tỷ lệ nữ tham gia vào thị trường lao động lớn và khá cân bằng so với nam giới. Do đó, cùng với sự già hóa dân số và cải thiện điều kiện lao động, tuổi nghỉ hưu của Đức có xu hướng tăng lên và quy định bằng nhau giữa nam và nữ.

Hàn Quốc:

Hàn Quốc là một quốc gia có mức độ già hóa dân số thuộc diện cao nhất thế giới. Theo số liệu năm 2019, tỉ lệ người già phụ thuộc ở Hàn Quốc là 20,4, tức là cứ 100 người ở độ tuổi lao động phải cấp dưỡng cho 20 người già. Cục Thống kê Quốc gia Hàn quốc dự báo nếu tiếp tục xu hướng già hóa hiện nay, vào năm 2067, cứ 100 người trong độ tuổi lao động lại phải cấp dưỡng cho 102 người già. Tuổi nghỉ hưu ở Hàn Quốc hiện đang là 60 tuổi. Tuy nhiên, vấn đề liệu có nên kéo dài độ tuổi nghỉ hưu đang trở thành vấn đề được quan tâm ở nước này. Chính phủ Hàn Quốc vẫn thận trọng về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, có thể lên 65 tuổi, với lý do cần phải xây dựng được sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong xã hội Hàn Quốc, theo truyền thống, phụ nữ ít tham gia vào thị trường lao động. Các công ty Hàn Quốc có xu hướng cho nhân viên nghỉ sớm, nên tìm cách hạ tuổi nghỉ hưu xuống, nhưng những người phải rời công sở này vẫn phải làm tìm việc làm và làm việc tới 70 tuổi. Điều này cho thấy, nâng tuổi nghỉ hưu còn phụ thuộc vào truyền thống văn hóa của mỗi nước.

Trung Quốc:

Luật hưu trí của Trung Quốc quy định tuổi nghỉ hưu với nam giới là 60 và 55 với nữ giới, nhưng với những lao động nữ giản đơn thì sau 50 tuổi có quyền nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo chương trình cải cách thì bắt đầu từ năm 2018, cứ sau mỗi 3 năm, tuổi nghỉ hưu của nữ giới sẽ tăng thêm 1 tuổi và với nam giới thì tăng thêm 1 tuổi sau mỗi 6 năm. Nghĩa là tính đến năm 2021, tuổi nghỉ hưu của nam giới Trung Quốc là 60 tuổi và nữ là 56 tuổi và đến năm 2022 thì tuổi nghỉ hưu của nam giới tăng lên là 61 tuổi. Hiện nay, tuổi thọ bình quân tại Trung Quốc là 75,8 tuổi.

 

Việt Nam:

Do tác động của quá trình già hóa dân số, Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số đang thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động, tỷ lệ số người phụ thuộc đang tăng lên (hiện chiếm khoảng 45%).

Theo dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu người/năm, song có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Vì thế, một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số. Theo quy định, trước năm 2021, tuổi nghỉ hưu của nam giới là 60 và nữ giới là 55; từ năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu tăng lên theo lộ trình cứ mỗi năm tăng lên 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt độ tuổi nghỉ hưu mới đối với nam là 62 và nữ là 60 tuổi. Tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60 theo lộ trình là phù hợp với chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của NLĐ Việt Nam, đồng thời phù hợp với thực tế tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động của nữ giới ngày càng tăng thêm. Thực tế, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của NLĐ Việt Nam ngày càng tăng và hiện cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (là 72 tuổi): tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi và cả 2 giới tính là 76,6 tuổi.

Tóm lại, trong xu hướng già hóa dân số, tuổi thọ dân cư tăng cao và điều kiện lao động được cải thiện, sẽ có xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu và rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ.

Bài: PGS.TS. Mạc Văn Tiến

Đồ họa: Kiều Thanh