Print

Miệt mài “cõng” chính sách lên non

Thứ Bảy, 30 /04/2022 06:27

Chúng tôi có mặt tại Quảng Nam vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2022), để thực hiện chuyến đi thực tế các huyện miền núi của tỉnh cùng một số phóng viên của Báo Quảng Nam, Đài PTTH tỉnh và BHXH tỉnh Quảng Nam. Xuất phát từ TP.Tam Kỳ lúc 5 giờ sáng, sau gần 3 giờ vượt Quốc lộ 40B, cao tốc Quãng Ngãi-Đà Nẵng, Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14D, đoàn cũng đã tới được BHXH huyện Nam Giang.

Ngay khi gặp, ông Nguyễn Văn Anh- Giám đốc BHXH huyện Nam Giang đã chia sẻ: “Những khó khăn của BHXH huyện, chắc anh em trong đoàn đã hình dung được. Nam Giang là huyện miền núi, địa hình rộng, đi lại gặp nhiều khó khăn, đời sống và thu nhập của người dân còn thấp do chủ yếu dựa vào nương rẫy, nhất là tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, việc triển khai chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng suốt thời gian qua, anh chị em trong đơnv ị luôn gắn bó với nghề, mong sao bà con có chỗ dựa vững chắc trước mắt cũng như lâu dài thông qua chính sách BHXH, BHYT”.

Vừa nói, ông Anh vừa điểm qua những con số: Chỉ với 9 CCVC, trong khi địa bàn huyện rộng, địa hình hiểm trở, nhưng trong năm 2021, BHXH huyện Nam Giang vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiếp nối thành công, trong 3 tháng đầu năm nay, huyện Nam Giang có 2.931 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 57 người so với cùng kỳ năm trước; BHXH tự nguyện có 753 người tham gia, tăng 22 người so với cùng kỳ năm trước; BH thất nghiệp có 2.332 người tham gia, tăng 42 người so với cùng kỳ năm trước; BHYT có 27.979 người tham gia, tăng 715 người so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thu BHXH, BHYT quý I ước đạt 17,3 tỷ đồng, tăng 0,6 tỷ đồng so với cùng kỳ…

Sau nửa ngày làm việc với BHXH huyện Nam Giang, chúng tôi lại tiếp tục hành trình hơn 100 km rong ruổi men theo đường Hồ Chí Minh, qua hàng trăm khúc cua tay áo để đến với BHXH huyện Tây Giang. Tiếp chúng tôi, ông Đoàn Mai- Giám đốc BHXH huyện cho biết: “Con số thu, chi của BHXH huyện Tây Giang nhỏ nhất tỉnh Quảng Nam, nhưng chúng tôi luôn tự hào vì đây là những con số vô cùng ý nghĩa, bởi chính nhờ chính sách BHXH, BHYT mà bà con nơi đây đã có cuộc sống ổn định hơn…”.

Đúng như lời ông Đoàn Mai, năm 2021, tổng số thu BHXH, BHYT của huyện Tây Giang chỉ có 39,6 tỷ đồng, đạt 100,42% kế hoạch. Toàn huyện cũng chỉ có 323 người tham gia BHXH tự nguyện, 924 người tham gia BH thất nghiệp, 17.360 người tham gia BHYT. Trong quý I/2022, BHXH huyện Tây Giang tiếp tục duy trì và quản lý thu đối với 1.441 người tham gia BHXH bắt buộc, 253 người tham gia BHXH tự nguyện, 925 người tham gia BH thất nghiệp và 18.777 người tham gia BHYT. Số thu quý I của BHXH huyện là trên 8,6 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch; số tiền chi trả các chế độ chỉ trên 2 tỷ đồng…

Trao đổi với chúng tôi, ông Arất Blúi- Phó Chủ tịch, Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Tây Giang chia sẻ: “Mặc dù số người tham gia, số thu- chi BHXH, BHYT trên địa bàn huyện không lớn, nhưng chúng tôi luôn nhận thức rằng chính sách này đóng vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Vì vậy, UBND huyện Tây Giang luôn có những chỉ đạo kịp thời để chính sách BHXH, BHYT đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nhờ có chính sách BHXH, BHYT, bà con các dân tộc miền núi huyện Tây Giang đã có chỗ dựa vững chắc, cuộc sống ngày càng đổi thay…”.

Qua tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi thấy được nỗi vất vả của những người làm chính sách BHXH, BHYT nơi đây. Theo ông Nguyễn Văn Anh- Giám đốc BHXH huyện Nam Giang, nếu trời nắng ráo thì không sao, nhưng có hôm trời mưa anh chị em phải đi xe máy 40-50km đường đồi núi để đem chính sách BHXH, BHYT đến với bà con là chuyện bình thường. Khi chúng tôi hỏi về động lực để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Anh bảo: “Những anh chị em còn gắn bó được với Ngành đến ngày hôm nay chủ yếu là do yêu nghề, đam mê với chính sách BHXH, BHYT. Họ luôn tâm niệm phải làm sao để bà con không thiệt thòi, được tiếp cận với chính sách BHXH, BHYT để có được điểm tựa vững chắc”.

Tại BHXH huyện Tây Giang, bà Bríu Thị Tám- Phó Giám đốc BHXH huyện cho biết: “BHXH huyện Tây Giang hiện có 8 CCVC, nhưng thực tế chỉ có 3 người trực tiếp làm công tác chuyên môn, phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Nhiều lúc thương anh chị em, lại không muốn để bà con phải chờ đợi, nên Ban Giám đốc cũng nhảy vào làm cùng. Hầu hết mọi người đã gắn bó với nghề hơn 10 năm vì đam mê chính sách…”.

Trên đường xuống một số bản, tôi thực sự xúc động về câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Mây- chuyên viên BHXH huyện Tây Giang. Tính đến nay, chị Mây đã xa gia đình hơn 10 năm, chấp nhận xa chồng con để gắn với ngành BHXH. Vào chiều thứ Sáu hằng tuần, chị Mây lại bắt xe khách từ BHXH huyện Tây Giang vượt 200 km về với chồng con ở TP.Tam Kỳ. “Ban đầu đi làm với cung đường đồi dốc quanh co, nhiều lần bị nôn ói xanh mặt, nhưng vì đam mê với nghề nên riết rồi cũng thành quen”- chị Mây chia sẻ.

Chị Mây kể về kỷ niệm đáng nhớ trong nghề: “Cách nay hơn 4 năm, lúc đó đường đến với bà con các xã còn là những con đường đất đỏ, em lại mới mang bầu đứa con đầu lòng. Một lần đi xe máy cùng đoàn xuống tuyên truyền cho bà con cách cơ quan 30 km thì trời đổ mưa, đường lầy lội, nên xe máy của em lao thẳng vào vũng lầy. Chiếc xe gần như bị nhấn chìm, em hoảng quá kêu cứu anh em đi cùng đoàn và được kéo lên kịp. Nghĩ lại nếu có chuyện gì chắc em ân hận suốt đời”.

Chị Mây còn cho biết thêm, bản thân chị luôn “bị” gia đình khuyên về xuôi kiếm công việc gì đó để làm cho gần gia đình, chồng con cũng đỡ vất vả. Nhưng tình yêu nghề đã níu kéo chị ở lại, để rồi giờ đây chị luôn được bà con thương yêu, tin tưởng. “Có lẽ tụi em xem nơi đây là quê hương thứ hai mất rồi”- chị Mây vui vẻ chia sẻ.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi nhận thấy, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang… có một đội ngũ “tiếp lửa” hết sức hùng hậu. Họ là lãnh đạo các cấp chính quyền, các y bác sĩ, bộ đội, nhân viên đại lý thu. Chính lực lượng này đã và đang giúp chính sách BHXH, BHYT đến với người dân một cách nhanh hơn, gần hơn và được người dân tin yêu hơn.

BS.Zơ Rum Hán- Trạm trưởng TYT xã Đăk Tôi (huyện Nam Giang) đã gắn bó với ngành Y gần 20 năm nay. “Trước đây bà con không chủ động đi KCB mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Thay vì đến TYT, họ thường tìm đến thầy lang, thầy mo để cúng bái; cuộc sống khó khăn nên bà con cũng không có tiền KCB. Vì thế, việc tuyên truyền bỏ hủ tục cúng bái là cả vấn đề nan giải. Khi chúng tôi nắm bắt được chính sách BHYT, đã thay nhau xuống từng thôn, thậm chí xuống từng hộ gia đình để tuyên truyền, giúp người dân hiểu chỉ cần cầm thẻ BHYT đến TYT sẽ được KCB, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Cứ thế mưa dầm thấm lâu, đến nay bà con đã nhận ra chỉ có chính sách BHYT mới giúp họ vượt qua được bệnh tật. Hiện mỗi ngày trạm tiếp đón 20-30 người đến KCB BHYT”- BS.Zơ Rum Hán nói.

BS.Bơ Nươch Ngân- Trưởng PKĐK khu vực Chà Vàl (huyện Nam Giang) tâm sự: “28 năm gắn bó với đồng bào nơi đây với biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Trước đây, bà con tin vào lời thầy bói, thầy cúng nên tỷ lệ tử vong cao. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi đau lòng lắm, nhưng vận động bà con lại không nghe. Vậy là, chúng tôi quyết tâm đem chính sách BHYT đến với bà con, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tiếp cận, tuyên truyền về BHYT. Rất may, nhờ hỗ trợ của Nhà nước, bà con các dân tộc được cấp thẻ BHYT miễn phí và gần như không tốn chi phí KCB. Từ đó, người dân mới tin yêu vào chính sách”.

Chúng tôi đến PKĐK Quân dân y xã Y Axan (huyện Tây Giang)- cách biên giới Việt Lào chỉ hơn 10km, khi Đại úy Nguyễn Văn Quốc Trí- Phó Trưởng PK đang khám và tư vấn cho một bệnh nhân là người Cơ Tu. Chia sẻ với chúng tôi, BS.Trí cho biết: “Chức năng của chúng tôi không chỉ KCB BHYT cho bà con, mà còn tư vấn về chính sách BHYT. Nhiều bà con nơi đây bảo quản thẻ BHYT chưa tốt, trong khi họ còn nghèo nên chưa thể sử dụng được phần mềm VssID. Qua nhiều năm đem chính sách BHYT đến với bà con, tôi nhận thấy bà con rất tin tưởng vào chính sách. Cũng nhờ có BHYT, cuộc sống bà con nơi đây đã khấm khá hơn rất nhiều, do giảm chi phí điều trị bệnh”.

Theo lời ông A Lăng Huynh (thôn A Nil, xã A Xan, huyện Tây Giang), trước đây mỗi khi bị bệnh, ông lại rước thầy về nhà cúng chữa bệnh. Nhưng từ khi được tuyên truyền, ông đã tin tưởng vào chính sách BHYT. “Được cấp thẻ BHYT miễn phí, lại được KCB ở một PK rất hiện đại, nên mình và người dân trong xã cảm thấy rất yên tâm”- ông A Lăng Huynh kể.

Đến huyện Nam Giang, khi nói về chính sách BHXH tự nguyện, không ai không biết đến chị Đinh Khương Vân Anh- nhân viên đại lý thu huyện Nam Giang, khi năm 2021, riêng chị đã vận động được 200 người tham gia và trong quý I/2022 vận động được 40 người nữa. Nói về bí quyết, chị Vân Anh bảo “chỉ cần nhiệt tình, yêu chính sách BHXH, BHYT là sẽ thành công”.

Chúng tôi đến gia đình chị Phạm Thị Út, một hộ buôn bán nhỏ ở tổ 9 (thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang). Chị Út cho biết: “Mình biết đến chính sách BHXH tự nguyện cũng nhờ chị Vân Anh. Cách nay 3 năm, chị Vân Anh cùng với cán bộ BHXH huyện đã giúp mình rất nhiều trong việc tiếp cận với chính sách này. Vì vậy, mình đã quyết định tham gia, đến nay đã được 3 năm”.

Tại huyện Tây Giang, ông Đoàn Mai- Giám đốc BHXH huyện cho biết “Do bà con chủ yếu làm nương rẫy, nên đến tối mới có thời gian tìm hiểu chính sách. Vì vậy, hầu như chúng tôi phải tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT vào ban đêm”.

Tham gia đoàn tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại thôn Ahu (xã A Tiêng, huyện Tây Giang), có Giám đốc BHXH huyện Nam Giang Đoàn Mai, bà Ploong Thị Hênh- Phó Chủ tịch xã A Tiêng, chị Vũ Thị Lương- nhân viên đại lý thu và ông Hốih Deng- Trưởng thôn Ahu. Trò chuyện với chúng tôi, bà Ploong Thị Hênh cho biết: “Tuy còn nghèo, nhưng bà con rất tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách BHXH, BHYT. Trong các cuộc họp của xã và thôn, chúng tôi đều lồng ghép tuyên truyền chính sách này, nên bà con nơi đây cũng rất tin tưởng tham gia”.

Ông Hốih Deng- Trưởng thôn Ahu kể: “Trong thôn có 93 hộ dân với 386 nhân khẩu. Cuộc sống người dân nơi đây còn nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy. Mỗi khi họp thôn, chúng tôi đều phát tờ rơi, tuyên truyền giúp bà con tiếp cận với chính sách BHXH, BHYT. Vì vậy, một số hộ dân có thu nhập khá cũng dần nghĩ đến tích góp bằng cách tham gia BHXH tự nguyện”.

Nhân viên đại lý thu xã A Tiêng Vũ Thị Lương cũng cho biết: “Cái khó trong công tác tuyên truyền về BHXH tự nguyện là do bà con còn nghèo. Thế nhưng, có điều thuận lợi là nguyện vọng và sự tin tưởng của bà con vào chính sách rất lớn. Vì vậy, tôi nghĩ trước mắt gặp khó khăn, nhưng khi bà con có kinh tế khá hơn, thì việc tuyên truyền cho người dân nơi đây sẽ rất triển vọng…”.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều người dân thôn Ahu tỏ ra rất phấn chấn khi quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Bởi, như lời bà con nói, họ ao ước đến một ngày không xa có thu nhập từ lương hưu để cuộc sống bớt khổ hơn. Anh A. Lăng Ngay- một người dân thôn Ahu mừng rỡ nói: “Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ cho người dân chúng tôi BHYT. Đến giờ, tôi và người dân trong thôn sẽ cố gắng làm ăn để có tiền tham gia BHXH tự nguyện, để sau này cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Danh- Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh, đối với đồng bào DTTS của tỉnh chưa được hưởng BHYT do NSNN đóng và hỗ trợ đóng, ngân sách tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 100% mức đóng. Điều này góp phần tạo sự tin tưởng cho bà con đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bài: Lê Văn

Đồ họa: Kiều Thanh