Print

Tạo niềm tin để vượt qua áp lực

Thứ Sáu, 13 /05/2022 09:53

*PV: Được biết, trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh vừa qua, dù đối mặt không ít nguy cơ, nhưng BHXH tỉnh Đồng Nai vẫn thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ được giao. Ông có thể chia sẻ những trải nghiệm “chưa từng có tiền lệ” này?

- Ông Phạm Minh Thành:

Tháng 4/2020, BHXH tỉnh Đồng Nai gặp áp lực rất lớn khi dịch bùng phát và lượng người đến BHXH tỉnh làm thủ tục nhận các chế độ đông; nhiều NLĐ thuộc địa phương giáp Đồng Nai cũng tìm đến, lên đến hàng trăm người mỗi ngày. Trong lúc căng thẳng, BHXH tỉnh Đồng Nai thông báo vẫn tiếp nhận hồ sơ của NLĐ và DN. Giai đoạn khó khăn này, chúng tôi xác định NLĐ là người yếu thế, họ cần BHXH, BHYT hơn bao giờ hết, nên chúng tôi phải dốc sức để phục vụ. Tất nhiên, cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về giãn cách. Những bước chân vẽ bằng sơn để phân luồng ngay ở cửa ra vào trụ sở BHXH tỉnh đến nay vẫn còn lưu dấu là minh chứng cho thời điểm căng thẳng này.

Có lần tại cuộc họp giao ban tháng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tôi đã phải giải trình một số việc, trong đó có việc NLĐ tập trung tại cơ quan BHXH đông trong lúc dịch bệnh căng thẳng. Tôi nêu ý kiến rằng, trong lúc khó khăn, NLĐ rất cần các khoản trợ cấp, trong đó có BHXH. Mặc dù việc giải quyết chế độ BH thất nghiệp và một số khoản khác không nằm trong quy định về những việc “thiết yếu”, nhưng trên thực tế, đối với bản thân NLĐ thì họ luôn xem đó là thiết yếu. Nhiều NLĐ mất việc làm phải ở nhà trong điều kiện thiếu thốn và họ còn khoản chưa dùng đến là tiền BH thất nghiệp hoặc khoản khác từ nguồn BHXH. Thế là họ mong cho đến sáng để đến cơ quan BHXH, mà nếu ta đóng cổng từ chối thì NLĐ biết xoay sở ra sao?…

Xuất phát từ tấm lòng, từ chủ trương của Ngành và vì NLĐ, đặc biệt là góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn, tôi vẫn quyết định cho tiếp nhận- dù xác định đối mặt rủi ro rất lớn. NLĐ rất trông mong vào khoản trợ cấp BHXH, bởi họ cần tiền để đi mua lương thực, thực phẩm…

Trước đề xuất hợp lý, hợp tình, sau cuộc họp giao ban, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo các phường, xã hỗ trợ BHXH tỉnh địa điểm tiếp nhận hồ sơ. Theo đó, TP.Biên Hòa là đơn vị đầu tiên bố trí 4 vị trí tại phường Quyết Thắng, phường Hòa Bình, phường Tân Tiến để cơ quan BHXH đưa nhân sự, trang thiết bị đến thực hiện tiếp nhận hồ sơ của NLĐ...

*Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc nhiều NLĐ tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch. BHXH tỉnh Đồng Nai làm thế nào để vừa tiếp dân, vừa đảm bảo an toàn cho đội ngũ CCVC?

- Trong giai đoạn cao điểm dịch, chúng tôi thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, đồng thời lập nhóm trên Zalo để quản lý công việc. Chúng tôi cũng thống nhất đưa mục tiêu chích ngừa cộng với 5K là tiên quyết, để đảm bảo sức khỏe anh em. Đặc biệt, xác định làm việc lúc này cũng như đi đánh trận, nên phải lo sức khỏe cho quân mình trước, bởi làm việc trực tiếp với người dân thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Khi đó, lượng vắc-xin về Đồng Nai chưa nhiều. Do vậy, tôi đề nghị Sở Y tế xem cơ quan BHXH là một trong những đơn vị tuyến đầu, đề nghị đưa vào danh sách tiêm vắc-xin sớm, để sẵn sàng phục vụ người dân, NLĐ. Tôi thường nói với anh em không được để rơi vào thế bị động, mà phải chủ động để làm việc tốt nhất, giải quyết nhanh nhất chế độ cho NLĐ. Lúc NLĐ khó khăn cần đến mình thì mình phải có mặt. Chỉ khi giải được bài toán khó này thì uy tín của Ngành mới được giữ vững và tăng cao, người dân, NLĐ càng thêm trân quý.

Thực sự mà nói, thời điểm đó mình cũng lo bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu chùn bước, không dám đương đầu với thách thức, thì khó có thể đạt được kết quả và đời sống hàng chục ngàn NLĐ sẽ ra sao? Do đó, BHXH tỉnh Đồng Nai đã linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.

*Ông vừa nói đến sự chủ động. Vậy làm thế nào để giữ ổn định tâm lý, giúp anh em vượt qua khó khăn, vững tâm làm việc?

- Trước tiên, chúng tôi thực hiện giải pháp tâm lý và tuân thủ các quy định phòng dịch. Đồng thời, yêu cầu Trưởng phòng Giám định BHYT có văn bản hướng dẫn anh em cách tự bảo vệ sức khỏe, ăn uống để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, quán triệt trong Đảng ủy và cán bộ quản lý phải triển khai đến từng CCVC, đặc biệt là với 3 bộ phận thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân là: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, bảo vệ và lực lượng tự vệ hỗ trợ phân luồng.

Chúng tôi thường xuyên trao đổi, tạo sự thống nhất, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ; vận động tất cả đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ xử lý công việc. Nếu không linh hoạt xử lý trong thời điểm này thì tất cả đều mất tinh thần và mệt mỏi. Riêng bản thân tôi làm việc không kể ngày giờ, cứ 6h30 phút hằng ngày vào làm việc cho tới khi không còn người làm việc mới về, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình xem có ai bị F0 hay không để động viên, hỗ trợ kịp thời.

Ban lãnh đạo chúng tôi cũng luôn tạo không khí bình đẳng cho anh em, cứ đầu tuần (thứ Hai) lại họp trực tuyến với các bộ phận trên Zalo; truyền tải thông điệp tới toàn thể CCVC. Tôi nói với anh em là, quá trình làm việc không thể tránh được có lúc sai sót, áp lực nên mọi người cần phải cố gắng, nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tôi cũng luôn quán triệt các Trưởng phòng và Giám đốc BHXH các huyện phải gần gũi, sát cánh với anh em trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này, để mọi người đoàn kết, đồng lòng, chung sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong bối cảnh áp lực cao, người lãnh đạo cần có bản lĩnh, thể hiện sự quan tâm và tạo niềm tin cho anh em, thì mới vượt qua được áp lực.

*Trân trọng cảm ơn ông!

Trà Giang-Đăng Khoa (Thực hiện)

Đồ họa: Kiều Thanh