Print

“Bay” đi xây tổ ấm cho bà con

Chủ nhật, 15 /05/2022 10:26

Gần 18h một ngày cuối tháng 4, chúng tôi theo chân nhóm truyền thông của BHXH tỉnh Kon Tum về thôn Kép Ram (xã Hòa Bình, TP.Kon Tum) để thực hiện cuộc truyền thông nhóm nhỏ cho khoảng 30 người dân. Bà con ở Kép Ram chủ yếu là người dân tộc Gia Rai, cuộc sống hầu hết rất khó khăn nhưng hiện không còn được hỗ trợ tham gia BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khi bà con tập trung ở nhà rông thì màn đêm cũng ập tới. Nhà rông, nơi sinh hoạt chung của thôn, chỉ có một bóng đèn nên không đủ sáng. Tham gia cuộc truyền thông này, chị Hoàng Thu Thủy- Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Kon Tum) sắm vai thuyết trình. Do bà con từ rẫy về đến dự luôn, nên chị Thủy không câu nệ thuyết trình mất thời gian, mà chuyển sang trao đổi nhanh.

Câu chuyện trong nhà rông nhanh chóng chuyển từ chị Thủy sang chị Y Phyan, người cách đây nửa tháng bị sa ruột phải nhập viện điều trị hết 10 triệu đồng viện phí. Không có BHYT, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nên khi gặp rủi ro này, gia đình chị Y Phyan đành phải vay mượn tiền để lo chữa bệnh cho chị. “Không BHYT sợ quá”- chị Y Phyan nói giọng lơ lớ. Cả nhà rông im lặng hẳn, ai nấy đều lắng nghe chị Y Phyan nói, từ câu chuyện nhập viện đến chi tiết tham gia BHYT hộ gia đình cho 4 thành viên trong nhà, mà chị phải hỏi thiệt rõ để về xoay tiền tham gia ngay… Vậy là, chớp cơ hội, chị Thủy nhanh chóng giải đáp thắc mắc, cung cấp mọi thông tin bà con cần theo cách nhanh chóng nhất. Tới lúc bà con rời nhà rông, trời đã tối mịt.

“Sáng hôm sau sẽ có cuộc truyền thông với nhân sự chủ chốt ở xã Hòa Bình, gồm cả nhân sự chủ chốt của các thôn ở xã này. Cuộc truyền thông này nhằm tăng cường sự vận động của chính quyền để bà con tái gia nhập lưới an sinh, tiếp tục tham gia BHYT”- chị Thủy thông tin thêm. Theo chị Thủy, hiện nay ngoài công tác nghiệp vụ hỗ trợ 9 huyện trên địa bàn tỉnh, Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng còn được giao trực tiếp phát triển người tham gia tại địa bàn TP.Kon Tum với 21 xã, phường.

“9 thành viên, từ lãnh đạo đến chuyên viên, đều có chỉ tiêu riêng về tăng mới người tham gia BHXH tự nguyện. Cấp trưởng phó thì 2, tổng hợp 6, chuyên quản 15. Hồi năm rồi, chỉ tiêu giao chuyên quản đến 25 người luôn đấy. Vậy nên, ngoài việc chung, còn có việc riêng của phòng, rồi cả việc của từng thành viên nữa, nên việc đến là bay thôi...”- chị Thủy chia sẻ thêm. Chị Thủy cũng nói rằng, để giúp đồng bào địa phương nơi đây có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhất là sau này có cơ hội hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, trong năm 2022 này, từng “đôi chim” ở Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng cứ phải bay liên tục, bất kể ngày đêm.

Ở BHXH tỉnh Kon Tum, các chuyên viên Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng còn được giao nhiệm vụ tổng hợp kết quả hoạt động của mạng lưới đại lý thu trên địa bàn, để tính hoa hồng chi trả từng tháng. Mỗi chuyên viên được giao quản lý 3-4 xã, phường. Tính ra, hằng tháng, mỗi chuyên viên phải dành ít nhất 5 ngày để thực hiện nghiệp vụ này. Tuy vất vả hơn, song bù lại, mối liên hệ giữa họ với đội ngũ nhân viên đại lý thu ngày càng gắn bó mật thiết. Chính sợi dây liên kết này đã góp phần tạo nên những kết quả mang tính đột phá trong nỗ lực gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ở Kon Tum.

“Đến cơ quan là vùi mặt xử lý nghiệp vụ. Rời cơ quan là “bay” đi truyền thông, vận động cùng cơ sở hoặc trò chuyện, trao đổi người dân về mức tham gia, mức đóng rồi chuyển nhân viên đại lý thu để hoàn thành chỉ tiêu của cá nhân. Ngoài ra, cả đội 4-5 người cũng phải thường xuyên phối hợp tác chiến trong những cuộc truyền thông lớn ở các công ty, đơn vị, địa phương... Đi nhọc, tối mới về tới cơ quan, nhưng có hôm về thấy lãnh đạo tiếp sức bằng nồi mì gói nóng hổi cũng thêm động lực chiến đấu”- chị Thủy chia sẻ với nụ cười vui.

Hỏi ra được biết, ông Vũ Mạnh Chữ- Giám đốc BHXH tỉnh nắm rất rõ lịch đi cơ sở của Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng. Vì vậy, để cổ vũ, động viên tinh thần anh em, chính ông Chữ tự tay nấu nồi mì nóng hổi, rồi chờ ở phòng ăn cơ quan. Vậy nên, cứ về đến cơ quan, bao nhọc nhằn trong công việc phần nào tan biến. “Anh thấy anh chị em bay đi miệt mài, chả nhẽ chỉ động viên bằng mì gói hoài sao?”- chúng tôi dí dỏm hỏi.

Nghe vậy, cả đội truyền thông với hầu hết là người trẻ như Thủy, Thúy, Nga, Hoài, Kiều, Sĩ... đều cười ồ. “Dạ, lãnh đạo nay nghiên cứu nấu miến để đổi món qua lại rồi nhà báo ơi!”- chị Hoài, một thành viên của nhóm thông tin. Còn nhớ, hồi đầu năm 2020, khi chúng tôi đi thực tế tại Kon Tum, Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng chỉ có 7 thành viên, nay tăng cường thêm 2 mà vẫn chưa đủ nhân sự so với khối lượng công việc được giao.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Vũ Mạnh Chữ nói rằng, nghề BHXH là nghề phục vụ người dân, phục vụ DN, để sao cho chính sách an sinh xã hội được triển khai, được lan tỏa tới mọi người dân. “Bộ phận nào, khâu nghiệp vụ nào cũng quan trọng cả, nên phải vận hành nhịp nhàng mới chu toàn chức phận phục vụ người dân và DN. Có điều, trong giai đoạn này và trên địa bàn tỉnh Kon Tum, phải tập trung nhiều cho các nghiệp vụ liên quan đến truyền thông và phát triển đối tượng. Vì vậy, mình phải động viên anh chị em bay đi xây tổ ấm cho bà con. Mà anh chị em nhọc nhằn, thì mình tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Dệt lưới an sinh là chuyện của nhiều người, nhiều ngành mà cơ quan BHXH là nòng cốt. Công tác truyền thông và phát triển đối tượng cũng vậy, phải chung tay tiếp sức theo nhiều cách mới có thể đạt kết quả như mong muốn...”- ông Chữ trải lòng.

Bài: Thanh Giang

Đồ họa: Kiều Thanh