Print

Phát triển BHXH tự nguyện ở Trà Vinh: Hiệu quả từ mô hình “1+1”

Chủ nhật, 21 /08/2022 09:08

Theo bà Lê Thị Kim Loan- Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiểu Cần, tính đến ngày 31/5/2022, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã phát triển và duy trì được 434 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 71,5% kế hoạch; 1.664 người tham gia BHYT hộ gia đình, đạt 504,2% kế hoạch.

Trước đó, để gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ngày 5/4/2022, BHXH huyện và Hội LHPN huyện đã ban hành Kế hoạch phối hợp, thống nhất đề ra chỉ tiêu năm 2022 Hội LHPN huyện sẽ phát triển mới 607 người tham gia BHXH tự nguyện và 330 người tham gia BHYT hộ gia đình. Ban Chấp hành Hội LHPN huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cấp hội cơ sở; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bằng nhiều hình thức. Chú trọng phát động xây dựng các mô hình tuyên truyền, mô hình phụ nữ giúp nhau tham gia BHXH, BHYT...

Đặc biệt, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, Hội LHPN huyện đã xây dựng và cho ra mắt mô hình “1+1” về việc vận động hội viên phụ nữ và hộ dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. “Mô hình “1+1” nghĩa là một Chi hội trưởng hoặc Chi hội phó Chi hội Phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và vận động thêm một người tham gia BHXH tự nguyện”- bà Lê Thị Kim Loan giải thích.

Ấn tượng với mô hình này ngay trong buổi ra mắt, ông Thạch Xuân Bách- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hiếu Tử phấn khởi cho biết: “Là lãnh đạo của xã, tôi cảm thấy rất vui vì BHXH huyện và Hội LHPN huyện Tiểu Cần đã chọn xã Hiếu Tử là nơi ra mắt mô hình “1+1” đầu tiên. Tôi thấy đây là mô hình hết sức ý nghĩa và thiết thực. Bởi khi tham gia mô hình này, hội viên phụ nữ nói riêng và người dân nói chung sẽ có điều kiện giúp nhau có cuộc sống ổn định khi về già, có được tấm thẻ BHYT để KCB. Tôi tin mô hình này sẽ được nhân rộng và phát huy hiệu quả”.

Ông Nguyễn Tuấn Trung- Giám đốc BHXH huyện Tiểu Cần cũng cho biết, trong thời gian qua, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện ở huyện Tiểu Cần gặp rất nhiều khó khăn, do tác động của dịch bệnh cũng như thu nhập của người dân còn thấp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của BHXH huyện cũng như các cấp, các ngành chức năng, huyện đã phát triển được trên 2.700 người tham gia.

“BHXH huyện Tiểu Cần cảm thấy tự tin hơn khi mô hình “1+1” ra đời. Bằng chứng là, buổi lễ ra mắt tại xã Hiếu Tử chỉ có 20 người tham dự, nhưng có tới hơn 10 người đăng ký tham gia. Đây là tín hiệu rất khả quan cho thấy mô hình đang đi đúng hướng và người dân đã thấy được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Tiếp theo thành công, vừa qua mô hình tiếp tục được nhân rộng tại TT.Tiểu Cần. Giống như buổi ra mắt đầu tiên, chỉ với 20 người tham dự lễ ra mắt, nhưng cũng có hơn 10 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, với 2 lần ra mắt mô hình “1+1” đã thu hút được gần 30 người tham gia BHXH tự nguyện”- ông Trung phấn khởi thông tin.

Chị Nguyễn Thị Kha- hội viên Hội LHPN xã Hiếu Tử chia sẻ: “Khi chưa có mô hình “1+1”, người dân chúng tôi còn lơ mơ về chính sách BHXH tự nguyện. Thế nhưng, sau khi tham dự buổi ra mắt mô hình, hầu hết chị em phụ nữ đều nắm được nội dung cơ bản của chính sách như: Đối tượng được tham gia, mức đóng, phương thức đóng, điều kiện hưởng, mức hưởng của người tham gia. Đặc biệt, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện là giúp người dân khi hết tuổi lao động có lương hưu để trang trải cuộc sống và được cấp thẻ BHYT để được chăm sóc sức khỏe với quyền lợi được hưởng cao hơn so với tham gia BHYT hộ gia đình, cũng như giảm gánh nặng lo toan cho con cháu. Mô hình cũng giúp chúng tôi giải tỏa những vướng mắc, chưa rõ về chính sách, từ đó làm cầu nối về tuyên truyền lại cho người dân tại địa phương mình…”.

Trực tiếp tham dự các buổi ra mắt mô hình “1+1”, bà Lê Thị Kim Loan- Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiểu Cần đều nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời quán triệt và phát động tới các Chi hội, Tổ hội Phụ nữ về tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt, bà Loan mong muốn các cán bộ hội ở cơ sở gương mẫu trong thực hiện mô hình, nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Bước đầu thực hiện mô hình “1+1”, việc vận động hội viên phụ nữ và người dân tham gia BHXH tự nguyện của Hội LHPN huyện Tiểu Cần đã mang lại hiệu quả tích cực. Hy vọng rằng, mô hình này sẽ được nhân rộng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nhằm tạo sự lan tỏa của chính sách BHXH, BHYT trong hội viên và người dân. Và hy vọng từ mô hình “1+1”, các cấp hội cũng như từng hội viên sẽ phát triển lên thành mô hình “1+n” trên khắp địa bàn huyện”- bà Loan chia sẻ niềm tin vào sự thành công của mô hình.

Bài: Lê Văn

Đồ họa: Hiểu Thanh