Bảo đảm nguyên tắc hài hoà đóng- hưởng có chia sẻ của BHXH
Góp ý vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ĐB Đặng Bích Ngọc- Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân rút BHXH một lần, từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của NLĐ tham gia BHXH.
Theo ĐB Đặng Bích Ngọc, qua 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống; khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo NLĐ. Nhờ đó, đối tượng tham gia BHXH đã tăng dần qua các năm (từ 13,06 triệu người tham gia năm 2016 lên đến gần 16,55 triệu người tham gia năm 2021, tăng 26,72% so với năm 2016), bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật BHXH cũng tồn tại những bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay... Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Góp ý vào một số nội dung của Dự thảo Luật, ĐB Đặng Bích Ngọc chỉ rõ, Dự thảo Luật đã lược bỏ một số quy định về quyền của tổ chức Công đoàn so với Luật BHXH năm 2014 như: Yêu cầu người SDLĐ, cơ quan BHXH cung cấp thông tin về BHXH của NLĐ; kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH. “Đây là những quy định đã đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Vì vậy, Ban Soạn thảo nghiên cứu giữ lại các quyền của tổ chức Công đoàn như Luật BHXH năm 2014”- ĐB Ngọc khẳng định.
Cũng theo ĐB Ngọc, Khoản 1 Điều 66 Dự thảo Luật quy định về mức lương hưu hàng tháng như sau: “Trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định tại Điều 64 của Luật này có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%”. Thực tế cho thấy, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên quy định như Dự thảo Luật có thể dẫn đến trường hợp NLĐ nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%). Như vậy, việc Dự thảo Luật không quy định về mức lương hưu tối thiểu có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai. Ban soạn thảo xem xét thiết kế cách tính lương hưu theo hướng có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp, bảo đảm mức lương hưu tối thiểu của lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.
Liên quan đến chính sách BHXH một lần, ĐB Đặng Bích Ngọc cho rằng, Dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do Quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của NLĐ; trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì NLĐ còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt… Quy định như trên cũng nhằm tránh gây “sốc” về chính sách đối với NLĐ, có thể khiến NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội. “Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc rút BHXH một lần, từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của NLĐ tham gia BHXH nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng- hưởng, có chia sẻ của BHXH”- ĐB Ngọc đề xuất.
Nguyệt Hà