BHXH Việt Nam triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”
BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 1409/KH-BHXH ngày 15/5/2024 triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Kế hoạch của BHXH Việt Nam nêu rõ, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành; đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi CCVC, NLĐ trong Ngành nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng xã hội học tập theo chủ trương, đường lối của Đảng và Kế hoạch triển khai phong trào của Chính phủ.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Văn phòng HĐQL BHXH, Văn phòng Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, Văn phòng Đảng ủy Cơ quan BHXH Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng ngành BHXH; BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH các quận, huyện, thị xã, thành phố; vai trò của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phong trào; bảo đảm công bằng, bình đẳng về điều kiện cử CCVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Xác định phong trào này là một trọng tâm trong các phong trào thi đua của Ngành, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, phải được triển khai sâu rộng từ cơ quan BHXH Việt Nam ở Trung ương đến BHXH cấp tỉnh, thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã, thành phố với nội dung, hình thức phong phú, bảo đảm tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả, thực chất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; gắn kết với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy được sáng kiến, sáng tạo của các tập thể, cá nhân và huy động, tập trung được nguồn lực của đơn vị, địa phương.
Kế hoạch xác định việc đánh giá kết quả phong trào phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện lồng ghép các danh hiệu thi đua về xây dựng xã hội học tập với phong trào thi đua “CCVC, NLĐ ngành BHXH thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Thực hiện kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phong trào; định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào để kịp thời công nhận, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, phát huy và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm hay, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, điển hình tiên tiến trong xây dựng xã hội học tập.
Kế hoạch cũng nêu rõ tiêu chí thi đua đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; đối với BHXH tỉnh, thành phố và đối với các cá nhân. Cụ thể:
1. Đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam:
Kịp thời tham mưu cho Tổng Giám đốc ban hành các văn bản triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; tham mưu đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bao gồm tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và những điều kiện bảo đảm để đáp ứng nhu cầu học tập của CCVC, NLĐ trong Ngành.
Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, với nội dung, hình thức phong phú để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho CCVC, NLĐ về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số; củng cố và hình thành thói quen chủ động, tự giác học tập, cập nhật kiến thức trên môi trường công nghệ với phương châm lấy tự học là chính. Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong triển khai thực hiện phong trào.
Xây dựng và kịp thời cập nhật, bổ sung các chương trình, tài liệu học tập theo yêu cầu vị trí việc làm ngành BHXH Việt Nam; có kế hoạch kịp thời đào tạo, bồi dưỡng CCVC, NLĐ thuộc Ngành trong lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ phụ trách; tổ chức, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức học tập đa dạng.
2. Đối với BHXH tỉnh:
Thực hiện tốt Kế hoạch triển khai phong trào và các chính sách thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập được Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan, BHXH Việt Nam và địa phương ban hành. Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho CCVC, NLĐ về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập; đề ra các nội dung, giải pháp sáng tạo, đặc thù, thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện của đơn vị, địa phương. Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong triển khai thực hiện phong trào…
3. Đối với cá nhân:
Chủ động, tự giác học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững quy trình nghiệp vụ, thủ tục hồ sơ giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên. Được công nhận danh hiệu “Công dân học tập” theo tiêu chí do Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng xã hội học tập ở đơn vị hoặc ở nơi cư trú được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Hằng năm, các đơn vị lấy kết quả triển khai tổ chức thực hiện phong trào là nội dung quan trọng để đánh giá thi đua và xem xét, đề xuất khen thưởng cho các tập thể và cá nhân.
Hà Thủy
- Cây bàng vuông - Món quà từ Trường Sa được trồng tại khuôn viên trụ sở BHXH TP.HCM
- BHXH tỉnh Quảng Trị hỗ trợ em Võ Thị Hoài Luyến số tiền 30 triệu đồng
- Đoàn công tác BHXH Việt Nam tiếp nối hành trình tri ân tại Lai Châu, Yên Bái
- Đoàn công tác BHXH Việt Nam dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
- Đoàn công tác BHXH Việt Nam thực hiện hành trình tri ân tại các tỉnh miền núi phía Bắc