Cần mở rộng diện bao phủ lương hưu
Đối với mỗi người, khi hết tuổi lao động, sức khỏe giảm sút và khả năng tạo các nguồn thu nhập thay thế ít đi, thì việc có lương hưu hằng tháng chắc chắn sẽ tốt hơn việc không có thu nhập cố định, hay trông chờ vào sự chu cấp của con cháu. Do đó, cần đẩy nhanh mở rộng bao phủ lương hưu, để tạo điểm tựa an sinh cho người dân.
Theo Luật BHXH 2014, thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu tối thiểu là 20 năm, nên đã có một bộ phận NLĐ ngại đóng hoặc vì những lý do nào đó nên từ chối tham gia tiếp. Trong thực tế, với nhóm lao động phổ thông (chiếm số đông) khi rời nhà máy ở độ tuổi 45 sẽ rất khó tiếp tục đóng BHXH bắt buộc và chờ đợi nhiều năm để được nhận lương hưu. Vì vậy, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sẽ giảm dần thời gian đóng từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm- nhằm tạo cơ chế linh hoạt, giúp NLĐ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, thụ hưởng chế độ hưu trí.
Tại Việt Nam có một tỷ lệ không nhỏ NLĐ khu vực phi chính thức và chưa tham gia BHXH. Do đó, với quy định đóng ít nhất 20 năm và nam về hưu ở tuổi 60 (tăng dần lên 62), nữ 55 (tăng dần lên 60)- nếu lao động nam chưa tham gia BHXH hầu như không có cơ hội tìm việc để tham gia tiếp ở tuổi sau 40; tương tự lao động nữ sau tuổi 35. Trong khi đó, những người sau độ tuổi 40 thường có công việc ổn định hơn, thu nhập tốt hơn. Như vậy, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH rất nhân văn, giúp NLĐ chuẩn bị cho cuộc sống về già trong vòng 20 năm tới. Nếu quy định này được Quốc hội thông qua, sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều người từ 40 tuổi (đối với nam) và từ 35 tuổi (đối với nữ) có thể bắt đầu tham gia BHXH cho đến khi về hưu. Bên cạnh đó, với những người có công việc bấp bênh, việc giảm thời gian đóng cũng giúp họ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chế độ lương hưu.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào hai yếu tố là số năm đóng góp và mức đóng góp trung bình. Như vậy, nếu giảm thời gian đóng BHXH, thì tỷ lệ hưởng sẽ thấp hơn, đòi hỏi các nhà làm chính sách phải giải quyết bài toán cân đối vừa theo nguyên tắc chia sẻ (tính xã hội), vừa theo nguyên tắc đóng-hưởng (tính BHXH). Một mặt, cần giải thích rõ để NLĐ hiểu rõ chính sách và cân nhắc mức đóng để có mức hưởng phù hợp với điều kiện sống. Đặc biệt, cần hiểu rõ, khi sức khỏe đã suy giảm và khả năng tạo các nguồn thu nhập thay thế ít đi, thì việc có lương hưu hằng tháng chắc chắn sẽ tốt hơn việc không có thu nhập cố định, phải sống bằng trợ cấp xã hội hoặc chu cấp của con cháu.
Vũ Thu