Đảm bảo công bằng tiếp cận BHYT
Mặc dù vẫn tồn tại những khoảng cách về thu nhập, mức chi tiêu của các nhóm dân cư giàu nhất và nghèo nhất, nhưng cơ hội tiếp cận chính sách BHYT và chăm sóc y tế thông qua BHYT vẫn ghi nhận sự bình đẳng giữa khu vực, vùng, mức sống và giới tính.
Đó là một trong những phát hiện được chia sẻ tại Khảo sát mức sống dân cư năm (KSMS) 2022, vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Theo kết quả khảo sát, thu nhập bình quân một người/tháng (năm 2022) theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Bên cạnh đó, dưới tác động của dịch COVID-19, các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị với chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng (giảm 3,3 điểm % so với 2020).
Việt Nam đảm bảo công bằng cho người dân trong tiếp cận BHYT
Báo cáo cũng chia sẻ sự bất bình đẳng vẫn đang tồn tại giữa nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất). Theo đó, mức thu nhập bình quân một người/tháng ở nhóm giàu đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần nhóm nghèo. Sự bất bình đẳng cũng thể hiện trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa hai nhóm này là 3,2 lần năm 2022...
Tuy nhiên, có một điểm sáng rất đáng ghi nhận, đó là trong tiếp cận chính sách BHYT, khoảng cách bất bình đẳng không tồn tại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, cả nước có 89,2% người có thẻ BHYT hoặc sổ/thẻ/giấy KCB miễn phí. Khảo sát cho thấy, không có sự khác biệt về tiếp cận thẻ BHYT hay sổ/thẻ/giấy KCB miễn phí giữa khu vực, vùng, mức sống và giới tính. Hai vùng có tỷ lệ người có điều kiện tiếp cận dịch vụ KCB BHYT/miễn phí này thấp nhất là Tây Nguyên (84,3%) và Đông Nam Bộ (84,6%). Chi tiêu bình quân một người đi KCB nội trú xấp xỉ 9 triệu đồng và một người KCB ngoại trú là gần 1,4 triệu đồng…
Là một thiết chế tài chính quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, chính sách BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, những năm qua, tỷ lệ người tham gia BHYT trên toàn quốc không ngừng gia tăn- đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều người dân được chăm sóc sức khỏe bằng BHYT. Đồng thời, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng mở rộng; chất lượng KCB BHYT ngày càng cải thiện và người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao…
Đáng chú ý, quỹ BHYT đã thông qua những khoản chi “khổng lồ” cho người bệnh BHYT. Trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả hơn 100.000 tỷ đồng cho 160-185 triệu lượt người đi KCB theo chế độ BHYT. Chỉ tính trong 10 năm- kể từ khi có Luật BHYT, số thu và chi KCB BHYT đều tăng khoảng 8 lần; sau 5 năm thực hiện Luật BHYT (sửa đổi), số chi KCB tăng gấp 2 lần... Đặc biệt, có nhiều người được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Năm 2022, toàn quốc có 64 người bệnh được quỹ BHYT chi trả từ 1 tỷ đồng/người trở lên; quý I/2023 có 99 người bệnh được quỹ BHYT chi trả từ 500 triệu đồng/người trở lên, trong đó có 8 người được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB từ 1 tỷ đồng trở lên…
Có thể thấy, những nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam và cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHYT đã và đang khẳng định hiệu quả tích cực, giúp mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình.
Mộc Miên