Thứ Ba, 17 /09/2024 13:59

* PV: Những năm qua, Hải Dương luôn đạt 100% số trường và 100% HS tham gia BHYT. Để đạt được kết quả này, sự phối hợp của ngành GD-ĐT có vai trò khá quan trọng, đặc biệt là trong chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động HSSV tham gia BHYT. Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp này?

- Ông Phạm Hồng Quân: Việc chăm sóc sức khỏe cho các em HSSV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. BHYT HSSV là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, góp phần chăm sóc sức khỏe những chủ nhân tương lai của đất nước. Do đó, ngành GD Hải Dương đã tích cực phối hợp với cơ quan BHXH, các sở, ban, ngành, các nhà trường đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền sâu rộng tính nhân văn của chính sách này và quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT đến phụ huynh, HS để các em tham gia BHYT theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền các nội dung trong Luật BHYT và các chính sách của BHYT HS được ngành GD tập trung chỉ đạo, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bậc phụ huynh, HS. Việc tổ chức tuyên truyền đã được các cơ sở GD thực hiện nghiêm túc, thông qua các buổi họp phụ huynh, các cuộc tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa để phổ biến mức đóng, mức được hỗ trợ, trách nhiệm và phương thức tham gia BHYT. Đặc biệt, trong tuyên truyền chúng tôi đã nhấn mạnh tính ưu việt của việc tham gia BHYT đối với HSSV. Theo đó, ngoài việc được quỹ BHYT chi trả các chi phí KCB khi khám, điều trị bệnh tại cơ sở y tế như các nhóm đối tượng khác, HSSV tham gia BHYT còn được hưởng quyền lợi CSSKBĐ tại nhà trường từ nguồn kinh phí do quỹ BHYT trích lại dành cho y tế trường học.

* Hằng năm tại Hải Dương đã có nhiều HS được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT cao. Điều này đã cho thấy ý nghĩa “bệ đỡ” của chính sách BHYT đối với việc chăm sóc sức khỏe cho HSSV, thưa ông?

- HSSV tuy là người trẻ nhưng cũng là đối tượng hay bị tai nạn thương tích (nhiều nhất là tai nạn giao thông ở nhóm HS từ THCS trở lên); còn nhóm nhỏ hơn như tiểu học thì rất dễ bị bệnh do sức đề kháng yếu và cũng thường bị các tai nạn thương tích ngoài ý muốn. Do đó, việc các em tham gia BHYT là rất cần thiết.

Hiện nay, quyền lợi trong KCB BHYT của người dân nói chung và HSSV nói riêng ngày càng được mở rộng như: được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao; chi phí dù lớn nhưng đúng quy định đều được quỹ BHYT chi trả; thủ tục thanh toán BHYT được cải thiện nhanh, gọn hơn. HSSV tham gia BHYT sẽ giúp giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình, đặc biệt là các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị bệnh nan y có điều kiện tiếp cận với các hoạt động điều trị tốt.

* Với mục tiêu 100% người dân tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra thì chúng ta phải đảm bảo bền vững tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. Công tác BHYT HSSV trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

- Theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ- CP ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì cơ sở GD hoặc cơ sở GD nghề nghiệp được cấp kinh phí từ quỹ BHYT để thực hiện CSSKBĐ phải có đủ các điều kiện là: Có ít nhất một cán bộ có đủ điều kiện hành nghề KCB theo quy định của pháp luật, làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác CSSKBĐ, có đủ cơ sở vật chất, thuốc…

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế của một số trường học còn thiếu; chỉ có một số các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh có cán bộ y tế chuyên trách, còn lại chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Do vậy, để khắc phục tình trạng thiếu nhân viên y tế chuyên trách, các cơ sở GD ký hợp đồng với trạm y tế xã, thị trấn để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho HS. Song đội ngũ y, bác sĩ tại các trạm y tế xã rất “mỏng” nên việc CSSKBĐ chưa thật sự hiệu quả. Những điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng CSSKBĐ cho HS.

* Với những khó khăn, bất cập đó, để đạt mục tiêu bao phủ bền vững BHYT đến 100% HSSV trên địa bàn, năm học mới này, Sở GD-ĐT sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

- Năm học mới 2024-2025, với quyết tâm đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở GD-ĐT tập trung vào những giải pháp sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các cơ sở GD tích cực triển khai công tác BHYT HSSV.

Thứ hai, tích cực tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức tới HSSV và cha mẹ các em về quyền lợi, trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách, pháp luật về BHYT đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại các nhà trường.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác BHYT cho HSSV tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học, gắn với y tế cơ sở.

Thứ năm, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho công tác CSSKBĐ tại các cơ sở GD-ĐT theo đúng quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn các biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Thứ sáu, đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác y tế trường học, nâng cao hơn nữa chất lượng CSSKBĐ cho HS. Phối hợp với ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng KCB BHYT; quản lý, sử dụng quỹ BHYT đúng quy định, an toàn, hiệu quả, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho HS khi KCB, tạo điều kiện để HS phát triển toàn diện và học tập tốt hơn.

* Trân trọng cảm ơn ông!

V.Thu (Thực hiện)

Đồ họa: Thanh An