Kiên trì ắt có lương hưu
Về già có lương hưu là mong ước của rất nhiều người, nhưng vẫn có không ít người thiếu kiên trì để đạt được. Thực ra, chỉ cần thêm một chút cố gắng thì việc có lương hưu sẽ trong tầm tay. Câu chuyện kiên trì đóng BHXH tự nguyện ghi ở tỉnh Đồng Tháp là minh chứng sống động...
Chuyện “người trong cuộc”
Huyện Tân Hồng nằm ở phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp và giáp biên giới nước bạn Campuchia. Cũng như nhiều địa phương khác, người dân Tân Hồng chủ yếu làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Phần lớn những người cao tuổi ở nơi này đều phải dựa vào con cháu về kinh tế. Vậy nên, câu chuyện bác nông dân Lê Văn Cầu (sinh năm 1960, xã Tân Thành A) có chế độ lương hưu hằng tháng do cơ quan BHXH chi trả, khiến bà con chòm xóm xôn xao ngưỡng mộ.
Niềm vui của bác Lê Văn Cầu khi được hưởng lương hưu và thẻ BHYT phòng thân
Số là, bác Cầu vốn là nông dân, tham gia Hội Nông dân xã rồi được bầu giữ chức Chủ tịch Hội nên được tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng thời gian công tác ở xã, bác Cầu chỉ đóng BHXH được 15 năm 7 tháng, chưa đủ điều kiện về số năm đóng BHXH để có chế độ hưu trí. “Vào thời điểm đó cũng có nhiều người có thời gian tham gia BHXH bắt buộc như tui, nhưng chưa đủ số năm tham gia BHXH và số tuổi để được nghỉ hưu. Họ nhanh chóng đưa ra quyết định nhận trợ cấp BHXH một lần, nhưng tui thì nói không”.
Theo lời bác Cầu, nguyên do là bởi bác được cán bộ BHXH huyện Tân Hồng tận tình tư vấn, phân tích rõ các yếu tố thiệt hơn. Vì vậy, bác Cầu đã nhanh chóng hiểu ra vấn đề, nên không lựa chọn giải pháp “gặt lúa non” như những người khác, thay vào đó quyết định đóng BHXH tự nguyện hằng tháng để sau này đủ điều kiện nhận lương hưu. “Lúc đó nhận BHXH một lần chỉ được mấy chục triệu, cũng không đủ dùng vào việc gì lớn. Trong khi đó, tôi nhận thấy có nhiều lợi ích từ việc tham gia BHXH tự nguyện. Số tiền đóng mỗi tháng không cao, hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, trích đóng như thế đến khi đủ tuổi thì được hưởng lương hưu, có thẻ BHYT suốt đời, nhất là khi gặp rủi ro còn có chỗ dựa…”- bác Cầu chia sẻ.
Thế rồi, đến đầu năm 2022, những nỗ lực mà bác Cầu kiên trì theo đuổi đã đến ngày cho kết quả. Bác đã chính thức được nhận lương hưu. Không giấu được niềm vui, bác Cầu cho biết, hiện vợ bác là Nguyễn Thị Cúc cũng đang tham gia BHXH tự nguyện, bởi ai cũng mong muốn về già có lương hưu hằng tháng để tự trang trải chi phí sinh hoạt, mà không phải dựa dẫm vào con cái.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Bình- hàng xóm của bác Cầu, cũng làm nghề nông chia sẻ: “Thấy cảnh lớn tuổi mà có được lương hưu thì tụi tôi cũng ham lắm. Mấy anh chị em chòm xóm hổm rày đã qua hỏi kinh nghiệm. Sắp tới chắc tui đăng ký tham gia BHXH tự nguyện như bác. Nói gì thì nói, đang trẻ cũng phải tính đường dài, sau này mới bớt cực”.
Nỗ lực để lan tỏa chính sách…
“Do dịch COVID-19, nên việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện đang có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trong điều kiện thích ứng bình thường mới của năm 2022, BHXH huyện Tân Hồng đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đến với BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức, với mong muốn ngày càng có nhiều người như bác Lê Văn Cầu được thụ hưởng chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước”- ông Huỳnh Văn Minh- Giám đốc BHXH huyện Tân Hồng chia sẻ.
Nhiều người dân ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) chủ động tham gia BHXH tự nguyện
Thực tế trên địa bàn huyện Tân Hồng thời gian vừa qua đã có rất nhiều bà con tham gia BHXH tự nguyện và được hưởng lương hưu như bà Nguyễn Thị Kim Ngọc (khóm 3, thị trấn Sa Rài), ông Trần Văn T. (xã Thông Bình)…
Hỏi chuyện những bác đang hưởng lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện, nhiều người cho biết: Thời gian gần đây, không chỉ CBCC làm ở xã, mà công nhân tại nhiều công ty, xí nghiệp cũng được đóng BHXH. Nhiều người không làm ở xã hay công ty nữa vẫn có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện. Nhiều người cũng đưa ra lời khuyên cho những người trẻ rằng: “Hãy quên chuyện “gặt lúa non” đi nếu muốn có lương hưu. Tâm lý con người ai cũng muốn có tiền để tiêu ngay, để mua sắm cái này cái kia. Nhưng, chỉ cần kiên nhẫn một chút, tằn tiện một chút là sẽ đạt được mục tiêu”.
Ở Tân Hồng, ghi nhận của phóng viên Tạp chí BHXH cho thấy, dù là địa bàn có nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế, nhưng địa phương này vẫn là một trong những “điểm sáng” trong công tác phát triển BHXH tự nguyện. Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, toàn huyện đã có 1.465 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 103,46% chỉ tiêu được giao năm 2021.
Trong những tháng đầu năm 2022, BHXH huyện tiếp tục tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa chỉ tiêu tham gia BHXH, BHYT là một trong những tiêu chí chủ yếu trong nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của huyện và các xã. Phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, Bưu điện huyện tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở, lồng ghép tuyên truyền nội dung về BHXH, BHYT trong các đợt sinh hoạt tổ dân cư, nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia. Triển khai đồng bộ các giải pháp như: Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến từng cán bộ, nhân viên đại lý thu; tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới đại lý thu trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định, chưa tham gia đóng BHXH và BHYT.
“Mỗi khi đi tuyên truyền, chúng tôi đều lấy câu chuyện bác Cầu, cô Ngọc, chú T…. để nói với bà con. Vừa là người thật việc thật, vừa có tính lay động. Giờ là thời điểm rất khó khăn trong vận động, bởi nhiều người còn chưa tin tưởng, phân vân một chút về chính sách. Vậy nên, với mong muốn mai này bất cứ người dân nào khi hết tuổi lao động cũng đều có được sự trợ giúp từ lương hưu, chúng tôi sẽ gắng hết sức”- ông Huỳnh Văn Minh quả quyết.
Phạm Thọ