Linh hoạt vận dụng chính sách
Người tuổi 60+ tới 80 rất cần BHYT, vì giai đoạn này sức khỏe ở đà giảm sút. Rất nhiều người ở độ tuổi này đang thuộc nhóm yếu thế vì không còn sức lao động nên mất thu nhập. Do đó, chăm lo BHYT giúp người tuổi 60+ đang là bài toán khó cho các địa phương.
Tại Quảng Ngãi, toàn bộ người tuổi 60+ tới 80 đều có thẻ BHYT. Nhờ đâu mà lưới an sinh ở địa phương còn không ít khó khăn của miền Trung lại bao phủ toàn bộ số người độ tuổi này? Theo ông Trịnh Quang Nghĩa- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi, bí quyết nằm ở chỗ linh hoạt vận dụng chính sách, trong đó có chính sách hỗ trợ BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Theo ông Nghĩa, trừ khu vực thành thị ra, các địa bàn còn lại ở Quảng Ngãi đều “dính” đến nông- lâm- ngư nghiệp. Do đó, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt với các bên liên quan (ngành LĐ-TB&XH và chính quyền cơ sở) để triển khai thực hiện, khai thác triệt để chính sách hỗ trợ này. Vì vậy, trừ người tuổi 60+ ở thành thị đã có thẻ BHYT, cả chính sách hưu trí lẫn tự đóng, người tuổi 60+ còn lại trên địa bàn hầu hết đều thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư có mức sống trung bình, nên đều được hỗ trợ 30% phí tham gia BHYT theo quy định.
Để lưới an sinh có thể bao phủ toàn bộ nhóm người này, BHXH tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các bên, cùng nhau thống nhất tham mưu chính quyền tỉnh trình HĐND tỉnh hỗ trợ 70% phí tham gia BHYT đối với người tuổi 60+ đang thụ hưởng chính sách nông- lâm- ngư nghiệp. Dù là địa phương còn khó khăn, song để người yếu thế không ai bị bỏ lại phía sau, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết chi ngân sách địa phương cho đề xuất này.
Tính ra, với 30% hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, 70% hỗ trợ từ ngân sách địa phương, trên toàn địa bàn Quảng Ngãi, người tuổi 60+ yếu thế nào cũng có thẻ BHYT. Tính gộp tất cả, từ đủ thu nhập tham gia BHYT tự đóng, đến chính sách hưu trí (được cấp thẻ BHYT)..., không người tuổi 60+ nào ở Quảng Ngãi nằm ngoài lưới an sinh. Cũng theo ông Nghĩa, việc vận dụng linh hoạt chính sách ở Quảng Ngãi bắt đầu từ năm 2017; song hành với đó là sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương hằng năm.
Như trên đã đề cập, người tuổi 60+ rất cần BHYT, bởi nhu cầu KCB giai đoạn này là thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, không phải người tuổi 60+ nào cũng đủ tài chính tham gia BHYT, mà đã không có thẻ BHYT thì nhu cầu KCB khó thực hiện do chi phí quá tốn kém. Đây chính là nan đề mà hầu hết lao động phi chính thức khi đến tuổi 60+ gặp phải; và cũng là trăn trở, băn khoăn của hầu hết các địa phương.
Chính vì thế, việc cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi hiện thực hóa phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”- dù ngân sách địa phương còn eo hẹp là việc làm rất đáng hoan nghênh. Bởi, một khi các bên liên quan chung sức, chung lòng cùng ngành BHXH dệt lưới an sinh, chăm lo người yếu thế, thì chắc chắn an sinh xã hội sẽ càng được đảm bảo đúng với tinh thần nhân văn của chính sách BHYT mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Thanh Giang