Ông Nguyễn Kim Thành (khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) nhận quyết định hưởng lương hưu từ tháng 4/2022. Trước đó, ông Thành có quá trình đóng BHXH bắt buộc 15 năm 8 tháng. Do gia đình gặp nhiều khó khăn, nên cũng có những thời điểm, bản thân ông Thành đã phải tính đến việc rút BHXH một lần. Chỉ sau khi được cán bộ BHXH tỉnh Bình Phước giải thích, ông mới quyết định tham gia tiếp BHXH tự nguyện cho 4 năm 4 tháng còn thiếu. “Đến giờ tôi thấy quyết định của mình thật đúng đắn. Cảm ơn cán bộ BHXH tỉnh Bình Phước đã tư vấn cho tôi rất cặn kẽ”- ông Thành vui mừng chia sẻ.
Cầm quyết định hưởng lương hưu trên tay, bà Nguyễn Thị Nhung (phường Tân Bình, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) tỏ rõ niềm vui, vì đã có “điểm tựa” cho tuổi già. Trước đây, bà Nhung làm ở Xí nghiệp Công trình công cộng TP.Đồng Xoài, đến khi nghỉ việc lại chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hằng tháng. Thời điểm đó, bà thấy buồn, bởi nếu nhận BHXH một lần thì sau này không biết lấy gì trang trải cuộc sống. “Rất may, tại thời điểm ấy, tôi biết đến chính sách BHXH tự nguyện. Sau khi bàn bạc với gia đình, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương lưu, có thẻ BHYT miễn phí”- bà Nhung cho biết.
Còn chị Hồ Thị Duyên (xã Quang Minh, TX.Chơn Thành, Bình Phước) làm công nhân cạo mủ tự do, nên luôn lo lắng về việc sau này không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Sau khi được cán bộ BHXH huyện Chơn Thành tư vấn, chị Duyên rất phấn khởi và quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình. “Giờ thì mình yên tâm rồi, cứ cố gắng phấn đấu làm việc để có tiền tham gia BHXH tự nguyện thôi. Về già có chút tiền trang trải cuộc sống, có thẻ BHYT miễn phí đi KCB là hạnh phúc rồi”- chị Duyên phấn khởi nói.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Minh Tâm (thôn Nam Bình Sơn, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) từng tham gia BHXH bắt buộc được 13 năm 2 tháng. Đầu năm 2024, bà Tâm quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm theo quy định; và mới đây đã được nhận lương hưu. Bà Tâm cho biết: “Sau khi hoàn thành thủ tục đóng tiền, sau vài ngày tôi đã nhận tháng lương hưu đầu tiên. Với khoản lương hưu này giúp tôi có thêm khoản thu nhập để lo cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, tôi còn được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% chi phí KCB và được chăm sóc sức khỏe trọn đời”.
Tương tự, bà Hồ Thị Thu Hiền (cán bộ chuyên trách công tác dân số của xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) do không đủ tuổi tái cử, nên tháng 6/2023, bà nghỉ việc khi mới tham gia BHXH được 13 năm. Với mong muốn có lương hưu, tháng 7/2023, bà Hiền quyết định tham gia BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu ngay trong tháng 8/2023. “Số tiền hưởng BHXH một lần cũng rất lớn, nhưng tiền lương hưu hằng tháng cũng đủ trang trải cho cuộc sống, lại còn được cấp thẻ BHYT quyền lợi cao hơn, nên tính ra việc nhận lương hưu nó bảo đảm hơn cho bản thân mình khi về già”- bà Hiền chia sẻ suy nghĩ của mình.
Theo ông Lăng Quang Vinh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước, thực tế cho thấy, cuộc sống của phần lớn người hưởng lương hưu đều trở nên an nhàn, do có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, nên sẽ tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không bị lệ thuộc vào gia đình và xã hội. Đồng thời, những người này còn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn do được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hưởng các quyền lợi KCB và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ BHYT chi trả với quyền lợi hưởng cao. Không những thế, trong thời gian hưởng lương hưu, khi người hưởng không may qua đời, người thân còn được hưởng trợ cấp mai táng phí (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất), được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp hằng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định.
Đặc biệt, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được Nhà nước điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Do đó, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị lương hưu, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá. Cụ thể, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 24 lần điều chỉnh lương hưu. Ngay cả trong những giai đoạn kinh tế đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng. Điều đó minh chứng rõ việc Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống của người hưởng lương hưu.
Mặt khác, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng. Đáng chú ý, Luật BHXH 2024 đã quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH bị gián đoạn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Điều này đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của đông đảo NLĐ được hưởng lương hưu và có thẻ BHYT để chăm lo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.
Ông Nguyễn Thanh Danh- Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng BHXH và thời gian đóng BHXH. Có nghĩa là, mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài, thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn. Trong thực tế, nhiều người rất hài lòng với mức lương hưu được hưởng và động viên con cháu cố gắng tham gia BHXH đầy đủ, đúng quy định để sau này có lương hưu làm “điểm tựa”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Thanh Danh, thời gian qua còn không ít ý kiến chia sẻ về sự tiếc nuối do đã trót rút BHXH một lần. Đáng nói, với những người cao tuổi, bệnh tật luôn thường trực, thậm chí “bệnh không rủ cũng tới”; hay như nhiều người cao tuổi vẫn phải bươn chải kiếm sống và chịu sức ép về gánh nặng viện phí mỗi khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Do đó, không chỉ có giá trị vật chất, lương hưu còn mang lại nhiều giá trị tinh thần, giúp người hưởng tự tin hơn trong cuộc sống, là sự ghi nhận thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của NLĐ khi còn khỏe để chăm lo cuộc sống và sức khỏe khi về già.
Thực hiện: Văn Phạm
Trình bày: Hà Hùng