Chị Nguyễn Thị Hòa Hiện- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, cách đây 2 năm chị sinh bé đầu lòng. Dù được tham gia BHXH, BHYT, nhưng khi sinh nở chị không được hưởng chế độ thai sản. Hỏi lãnh đạo và cơ quan BHXH, chị được giải thích rằng, cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tham gia BHXH, nhưng chỉ đóng vào 2 quỹ là tử tuất và hưu trí, nên khi ốm đau, thai sản, TNLĐ sẽ không được hưởng chế độ.
Không riêng chị Hòa, mà đông đảo lực lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn như: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Phó Bí thư Đoàn; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh tế, dân số, văn hoá- thể dục, thể thao... cũng vậy. Từ khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực đến nay, lực lượng này dù được tham gia BHXH, nhưng lại không được tham gia và thụ hưởng chế độ thai sản.
Biết tin Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, chị Hòa phấn khởi nói vui: “Có khi em lại nghiên cứu để sinh tiếp bé nữa”! Cả xã chị dự kiến có khoảng gần 20 người nằm trong diện này.
Là phụ nữ, còn trẻ, nên khi nghỉ việc ở công ty về mở tiệm tạp hóa kinh doanh, chị Liên (quận 12, TP.HCM) muốn đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng điều làm chị băn khoăn, chưa tham gia là vì không được hưởng chế độ thai sản.
Theo ông Phạm Nguyên Long- Giám đốc BHXH quận Tân Phú (TP.HCM), những băn khoăn của những phụ nữ như chị Liên đã được giải tỏa khi Luật BHXH 2024 được thông qua. Sự hỗ trợ bằng chế độ 2 triệu đồng/trường hợp thai sản theo Luật mới sẽ phần nào giải quyết nhu cầu, mong đợi của nữ lao động khi tham gia BHXH tự nguyện. “Hiện, BHXH quận Tân Phú cũng đã thông tin tới các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn cũng như NLĐ để họ thấy rõ hơn sự hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện”- ông Long chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về những điểm mới trong Luật BHXH 2024, LS Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Trước hết, Luật BHXH 2024 đã bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với “Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố” tại Điểm k Khoản 1 Điều 2. Căn cứ quy định tại Luật BHXH 2014 thì các chế độ ốm đau, thai sản chỉ được áp dụng với các đối tượng NLĐ như người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng;
CBCCVC; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu… Tuy nhiên, đối tượng NLĐ là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn lại không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định tại Luật BHXH 2014.
Nhưng theo quy định của Luật BHXH 2024, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như các đối tượng khác, trong đó có các chế độ về ốm đau, thai sản. Như vậy, Luật BHXH 2024 bên cạnh tăng quyền lợi thụ hưởng chế độ về ốm đau, thai sản cho lực lượng lao động này còn có điểm mới là đưa thêm đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (bao gồm Bí thư, Trưởng thôn, ấp, Trưởng khu phố, Trưởng Ban công tác mặt trận), lực lượng này cũng được thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản tương tự.
“Theo tôi, đó là những quy định mới hết sức nhân văn, thiết thực dành cho lực lượng lao động nữ hoạt động trong lĩnh vực này ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Đảm bảo cho họ quyền bình đẳng trong thụ hưởng chính sách, nhất là thời điểm sinh đẻ”- LS Nam cho hay.
Bên cạnh đó, một điểm rất mới về chế độ thai sản dành cho NLĐ được Luật BHXH 2024 quy định, đó là bổ sung chế độ trợ cấp thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Theo Luật BHXH 2014 thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng các chế độ hưu trí và tử tuất; không được hưởng các chế độ thai sản, ốm đau, TNLĐ-BNN. Tuy nhiên, Luật BHXH 2024 đã quy định NLĐ tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng cho một con mới sinh. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH tự nguyện mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản theo đề xuất nêu trên. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ theo đề xuất nêu trên.
Trong khi đó, LS Hồ Nguyên Lễ- Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa nhận định: “Quy định về trợ cấp một lần đối với lao động nữ khi sinh con cũng được các nhà làm luật tăng thêm cho NLĐ tại Luật BHXH 2024”. Cụ thể, bên cạnh giữ nguyên quy định trợ cấp một lần đối với lao động nữ khi sinh con, lao động nữ nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi hoặc không tham gia BHXH nhưng chồng có tham gia thì vẫn được nhận trợ cấp một lần theo Luật BHXH 2014, thì Luật BHXH 2024 bổ sung đối tượng được trợ cấp một lần khi sinh con đối với lao động mang thai hộ. Theo đó, Khoản 2 Điều 58 Luật BHXH 2024 quy định lao động nữ mang thai hộ đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH thì được trợ cấp một lần khi sinh con. Đặc biệt, Luật cũng dự liệu hầu hết các khả năng có thể xảy ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH. Cụ thể, trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc thì người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng BHXH được trợ cấp một lần; trường hợp cả lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng BHXH được trợ cấp một lần; trường hợp cả lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc thì người chồng của lao động nữ mang thai hộ đã đóng BHXH theo quy định sẽ được trợ cấp một lần. Theo Luật sư, đây là những quy định hoàn toàn mới, dự liệu đa dạng khả năng để nhiều trường hợp NLĐ tham gia BHXH có thể hưởng chế độ.
Bên cạnh đó, Luật sư Hồ Nguyên Lễ cũng phân tích, tại Luật BHXH 2024, quy định đối với lao động nam đang tham gia BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cũng được bổ sung thêm quyền lợi. Cụ thể, trường hợp vợ sinh đôi mà phải phẫu thuật thì được nghỉ tối đa 14 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc (quy định cũ chỉ được nghỉ 14 ngày làm việc). Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam cũng được tính trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con (quy định cũ chỉ trong khoảng thời gian 30 ngày). Với các quy định này, thời gian nghỉ của người chồng khi vợ sinh cũng được dài hơn trong một số trường hợp, giúp họ có điều kiện chăm lo gia đình.
“Đặc biệt, việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm cũng là một cơ hội tốt dành cho nhiều lao động nữ tham gia đóng BHXH muộn, trong đó có lao động nữ ở nông thôn, vùng xa…”- LS Hồ Nguyên Lễ phân tích.
Bài: Phạm Thọ
Đồ họa: Thanh An