Phát hiện sớm để chữa khỏi ung thư: Thêm hy vọng từ BHYT
Bên cạnh sự phát triển thuần về chuyên môn y tế, khoa học kỹ thuật của mạng lưới cơ sở KCB, cơ sở nghiên cứu trong nước, hy vọng phát hiện sớm để chữa khỏi ung thu còn nằm ở “chìa khóa” mang tên BHYT.
Hy vọng vào khoa học
Đầu tháng 4/2022, Gene Solutions- đơn vị chuyên nghiên cứu các ứng dụng về gene có trụ sở tại TP.HCM, thông báo đã đạt được bước tiến mới về phát hiện sớm ung thư. Theo đó, công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS mà Gene Solutions nghiên cứu có thể phát hiện sớm 4 loại ung thư (vú, gan, phổi, đại trực tràng). Đáng nói, công nghệ SPOT-MAS còn giúp giảm thiểu bất tiện của các phương pháp trước đây; đồng thời tối ưu hóa thời gian và chi phí xét nghiệm và hiệu quả ngay cả khi bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh.
Rõ ràng đây là tin vui cho cộng đồng, khi các nhà khoa học trong nước đã phát triển được ứng dụng với những lợi thế về chi phí. Nhiều năm qua, Việt Nam luôn có số mắc ung thư cao đến mức báo động. Hồi cuối năm 2021, thông tin tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư diễn ra tại Huế cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam tăng 9 bậc so với thế giới, xếp thứ 90/185 quốc gia; riêng tỷ lệ tử vong do ung thư của Việt Nam tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 quốc gia. Cứ 100.000 người thì có tới 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Thứ hạng số ca mắc và tử vong vì ung thư tại Việt Nam không chỉ phản ánh năng lực điều trị trong nước, mà còn cho thấy nỗ lực giúp bệnh nhân ung thư tiếp cận các phương pháp điều trị thông qua chi trả từ quỹ BHYT là hết sức ý nghĩa. Theo khảo sát, trung bình chi phí điều trị một bệnh nhân ung thư là hơn 200 triệu đồng/năm. Trong đó, có không ít bệnh nhân phải điều trị với chi phí lên đến cả tỷ đồng/năm. Với chi phí điều trị ngày càng tăng, những năm qua, việc mở rộng danh mục chi trả BHYT đối thuốc, vật tư y tế… liên quan đến bệnh lý này càng thêm ý nghĩa.
Hy vọng vào chính sách
Hạ giảm số mắc mới, kéo giảm số tử vong là vấn đề rất quan trọng. Do đó, Việt Nam cần sớm hoạch định chính sách đối với hoạt động tầm soát, phát hiện sớm và điều trị ung thư. Về nguyên lý, phát hiện sớm ung thư không chỉ giúp nhanh chữa khỏi, mà còn hạ giảm chi phí điều trị rất nhiều lần so với phát hiện muộn, điều trị kéo dài.
Vấn đề này đã được các chuyên gia lên tiếng nhiều lần, song đến nay, câu chuyện tầm soát ung thư vẫn do người dân tự lo và tự chi trả. Bởi điều chỉnh chính sách, cơ cấu chi từ quỹ BHYT theo tỷ lệ nào cho dự phòng, tỷ lệ nào cho điều trị là chuyện “quá tầm với” của BHXH Việt Nam- bởi ngành BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện, chứ không phải cơ quan ban hành chính sách. Nói cách khác, sử dụng quỹ BHYT hài hòa giữa dự phòng và điều trị, hướng tới mục tiêu chăm sóc tối ưu sức khỏe người dân theo nguyên lý “phòng là chính” là trách nhiệm của các cơ quan ban hành các chính sách liên quan đến BHYT.
Tuy nhiên, hy vọng quỹ BHYT sớm tăng chi cho các hoạt động tầm soát, phát hiện sớm bệnh tật, trong đó có bệnh lý ung thư, đã được nêu ra tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật BHYT” tổ chức hôm 5/4 vừa qua. Theo đó, dự kiến Luật BHYT (sửa đổi) sẽ đưa vào gói dự phòng, khám sàng lọc chẩn đoán sớm, trong đó quan tâm đến 3 nhóm bệnh là: Ung thư, lao, bệnh mãn tính không lây- với mục tiêu phát hiện bệnh sớm, sàng lọc sớm, điều trị sớm…
Đỗ Bá