Vùng DTTS và miền núi là vùng “lõi nghèo” với thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/3 so với cả nước. Ngoài ra, do điều kiện địa lý, phương tiện thông tin còn hạn chế, nên hầu hết bà con chưa hiểu rõ giá trị, lợi ích mà chính sách BHXH, BHYT mang lại. Vì thế, việc tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và chủ động tham gia BHXH luôn là thách thức không nhỏ với những người làm công tác BHXH. Chính vì thế, mỗi cán bộ BHXH luôn phải xác định chỉ khi nào hiểu dân, gần dân, được dân tin tưởng, thì mới thực hiện tốt chính sách.
A Lưới là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, với trên 75% đồng bào DTTS sinh sống. Hiện nay, huyện A Lưới còn nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, nên việc khai thác, phát triển BHXH tự nguyện tại đây gặp không ít thách thức. Do đó, BHXH huyện A Lưới luôn chủ động yêu cầu các tổ chức dịch vụ thu phải xác định rõ nhóm đối tượng tiềm năng; đồng thời vận dụng các hình thức truyền thông linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, BHXH huyện A Lưới còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp, bám làng, bám bản để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, nhằm giúp đồng bào dễ tiếp cận, nắm bắt chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước. “Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nên đến nay, toàn huyện có hơn 1.700 người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 50.000 người tham gia BHYT”- ông Võ Đại Quang- Giám đốc BHXH huyện A Lưới thông tin.
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, ông Nguyễn Quang Hải- Giám đốc BHXH huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, đặc thù công việc của đồng bào DTTS là ban ngày lên nương, lên rẫy, chỉ ở nhà vào buổi tối. Do đó, cơ quan BHXH phải chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức hội nghị truyền thông vào buổi tối, để bà con có thời gian tham dự.
Theo ông Hải, trong công tác tuyên truyền, BHXH huyện chủ động lựa chọn nội dung và dẫn chứng các trường hợp được hưởng lương hưu và thẻ BHYT trên địa bàn để minh họa cho ý nghĩa nhân văn của chính sách. Đồng thời, lãnh đạo xã tiếp tục phổ biến nội dung chính sách BHXH tự nguyện bằng tiếng dân tộc, đảm bảo 100% người tham dự lĩnh hội được trọn vẹn quyền và lợi ích khi tham gia BHXH.
“Đến được với bà con thôn Tri và thôn Cù Bai (xã Hướng Lập, cách trung tâm huyện hơn 80km) để tuyên truyền chính sách BHXH, chúng tôi phải mất hơn 3 giờ di chuyển từ trung tâm huyện để vào đến tận thôn với địa hình đồi núi khó khăn, hiểm trở. Song, nhờ phát huy tối đa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cơ sở và việc linh hoạt lựa chọn thời gian tổ chức, nên đã thu hút đông đồng bào tham gia. Sau khi kết thúc hội nghị, đã có 30 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện”- ông Hải thông tin.
Ở các tỉnh miền núi, công tác phát triển BHXH tự nguyện luôn đặt ra nhiều thách thức, nhất là số người DTTS tham gia BHXH tự nguyện còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, công việc không ổn định; sinh kế của đại bộ phận người dân khu vực miền núi và DTTS chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp với thu nhập bấp bênh; phần lớn lao động chưa quan tâm đến cuộc sống của mình trong tương lai.
Cụ thể, trong số 122.377 người DTTS tham gia BHXH tự nguyện, thì tại 25 tỉnh có đường biên giới đất liền có 70.196 người tham gia (tính đến tháng 9/2023). Trong khi đó, cả nước có hơn 35 triệu lao động chưa có điều kiện tham gia BHXH, chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động như khu vực nông thôn, lao động thời vụ, lao động tự do, lao động người DTTS… Do đó, để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện ở địa bàn này, bên cạnh những quy định của Luật BHXH 2024 và chính sách tiền lương, thì việc xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp là rất cần thiết.
Hiện nay, NSNN đang hỗ trợ một phần kinh phí tham gia BHXH tự nguyện cho những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số nhóm đối tượng khác. Chính sách hỗ trợ này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho người dân, nhất là ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, BHXH tự nguyện là chính sách lâu dài, trong khi khu vực miền núi- nơi tập trung sinh sống của đồng bào DTTS với tỷ lệ nghèo cao, thì khó khăn luôn hiện hữu.
Bên cạnh đó, dù đã tham gia BHXH tự nguyện, nhưng khi đến thời điểm đóng BHXH, nhiều người lại gặp khó khăn về tài chính, bị thiệt hại do thiên tai hoặc bị tác động bởi dư luận, nên một số người sẵn sàng hủy bỏ quá trình đóng, không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Chính vì vậy, việc huy động các nguồn lực khác để tăng mức hỗ trợ đóng, mua tặng BHXH tự nguyện cho người thuộc hộ nghèo, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn là giải pháp giúp tăng tính bền vững của chính sách BHXH tự nguyện.
Thời gian qua, ngoài ngân sách Trung ương, một số địa phương vùng DTTS cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ tăng thêm 10% kinh phí đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đơn cử, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Nam trích khoảng 37,2 tỷ đồng từ ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ BHXH tự nguyện. Theo đó, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ thêm 10% mức đóng; đối tượng khác được hỗ trợ thêm 5% mức đóng. Hay như tỉnh Quảng Trị đang thực hiện chính sách hỗ trợ thêm 20% mức đóng cho người thuộc hộ nghèo, 15% cho người thuộc hộ cận nghèo và 10% cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trong giai đoạn 2023-2026.
Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 11 (năm 2022), HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027. Theo đó, từ ngày 1/1/2023, người dân Quảng Ninh thuộc hộ nghèo được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 30%, người thuộc hộ cận nghèo và các đối tượng khác được hỗ trợ thêm 20% mức đóng. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho người DTTS sinh sống ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện: Vũ Thu
Trình bày: Hà Hùng