Thách thức "giữ chân" NLĐ
Tình trạng NLĐ rút BHXH một lần tuy không mới, nhưng gia tăng trong thời gian gần đây được coi là thách thức lớn trong quá trình hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội. Bởi, Việt Nam mới chỉ có gần 34% lực lượng lao động được tham gia BHXH; nên nếu số người rút BHXH nhiều hơn số người đóng, sẽ làm ảnh hưởng đến an sinh sau này.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận NLĐ rút BHXH một lần, ông Trương Xuân Cừ- Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, có 4 nguyên nhân chính, đó là: Một bộ phận NLĐ có việc làm nhưng thu nhập thiếu ổn định; chính sách chưa đủ hấp dẫn; thủ tục rút BHXH một lần ngày càng dễ dàng; việc giải thích, tuyên truyền chưa tốt, chưa làm cho NLĐ tin tưởng vào chính sách. Ngoài ra, theo ông Cừ, có người rút BHXH không hẳn vì khó khăn, mà rút theo phong trào.
Dẫn số liệu người hưởng lương hưu hiện nay, ông Trương Xuân Cừ phân tích: Rút BHXH một lần có thể sẽ giải quyết được tình thế trước mắt, nhưng về lâu dài (10-20 năm nữa), khi không đủ khả năng lao động, NLĐ sẽ không có lương hưu, không có tích lũy, nên sẽ phải sống phụ thuộc vào con cháu.
Lương hưu là yếu tố cần thiết đảm bảo cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh sự phụ thuộc vào con cháu. Song, mức hưởng lương hưu còn căn cứ vào số năm đóng và mức đóng. Vì vậy, nếu NLĐ rút BHXH một lần sẽ mất đi số năm tham gia BHXH. Như vậy, nếu sau đó có đóng tiếp, mức hưởng lương hưu của NLĐ sẽ không cao. Do đó, phần của DN đóng sẽ tạm giữ lại đến khi NLĐ hết tuổi lao động thì được hưởng. Đề xuất này đã thể hiện sự chia sẻ, cũng như vai trò của Nhà nước, DN trong việc lo cho tương lai của NLĐ.
“Trong cuộc sống, NLĐ có thể gặp biến cố, có những lúc gặp khó khăn. Và, để chính sách này đạt hiệu quả, cần phải nghiên cứu kỹ và có lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng cần giải thích cụ thể, rõ ràng tránh gây “sốc” cho NLĐ...”- ông Cừ khẳng định.
Nhấn mạnh việc rút BHXH một lần “lợi trước mắt, hại lâu dài”, ông Trương Xuân Cừ chỉ rõ, tình trạng này gia tăng trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm còn dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này. Vì thế, song song với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ, thì việc sửa đổi Luật BHXH phù hợp với yêu cầu thực tiễn cần sớm được hoàn thiện để tạo niềm tin và giúp NLĐ an tâm đóng BHXH.
Nguyệt Hà