Hệ thống pháp luật liên quan đến BHYT được rà soát, sửa đổi và bổ sung liên tục. Từ năm 2009 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đã xây dựng và ban hành 3 luật, 5 nghị định và 13 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế đã ban hành 34 thông tư, thông tư liên tịch, BHXH Việt Nam ban hành trên 90 quyết định, kế hoạch để đẩy mạnh công tác BHYT; các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Hệ thống quản lý nhà nước về BHYT từng bước được củng cố và hoàn thiện, công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT được thực hiện hiệu quả, mô hình quản lý BHYT hiện nay được đánh giá là thuận lợi với các đối tượng vừa đóng BHXH, vừa đóng BHYT. Công tác KCB BHYT ngày càng được quan tâm, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT. Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng nhanh qua từng năm, trong 15 năm đã có trên 2,12 tỷ lượt người KCB BHYT, với tổng số chi từ quỹ BHYT trên 993.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023 có 174 triệu lượt KCB BHYT với tổng chi khoảng 121.799 tỷ đồng.
Đồng thời, công tác quản lý giá thuốc, dịch vụ y tế cũng bảo đảm công khai, minh bạch; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Ngoài thực hiện phương pháp giám định theo tỷ lệ, thành lập tổ, nhóm giám định BHYT đi giám định tập trung, giám định theo chuyên đề, BHXH Việt Nam còn thực hiện giám định trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT. Trong giai đoạn 2017- 2022, Hệ thống đã ghi nhận kết quả giám định giảm trừ trên 10.217 tỷ đồng chi phí không hợp lý.
Bên cạnh đó, đến nay tỷ lệ bao phủ hệ thống thông tin BV là 100%; cả nước có hơn 33 triệu tài khoản giao dịch điện từ cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt; hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT. 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với hơn 55,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân (ĐDCN)/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT...
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các Tỉnh ủy, Thành ủy trên cả nước về kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế. Đó là cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi; một số văn bản còn chồng chéo, chưa tháo gỡ được những điểm nghẽn, vướng mắc trong lĩnh vực BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT của một số nhóm đối tượng chưa bền vững; việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT ở một số khu vực gặp khó khăn, BHYT theo hộ gia đình còn tham gia với tỷ lệ thấp; còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT; phạm vi hưởng BHYT hiện nay rộng so với mức đóng, nhưng lại thiếu một số dịch vụ cho chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng bệnh. Công tác quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT có nơi còn hình thức, thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên. Chất lượng dịch vụ KCB được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ... Một số cơ sở KCB vẫn chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh. Còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế khi đi KCB BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT chậm thay đổi, hiện vẫn chủ yếu là thanh toán theo phí dịch vụ...
Chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm của công tác BHYT trong giai đoạn tới, ông Vũ Thanh Mai- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng BCĐ Đề án Tổng kết Chỉ thị 38-CT/TW đánh giá: “Việc đảm bảo quyền tiếp cận y tế của người dân thông qua BHYT không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mà còn là nghĩa vụ của toàn xã hội”.
Việc thực hiện chính sách BHYT đang phải đối mặt với một số thách thức, như: Vấn đề già hóa dân số, cơ cấu bệnh tật của nước ta đang chuyển sang các bệnh không lây nhiễm (cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư) với chi phí điều trị tốn kém, thời gian điều trị dài sẽ làm gia tăng số lượt và chi phí KCB. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dự phòng của người dân ngày càng cao, trong khi đó tuyến y tế cơ sở hoạt động chưa đủ mạnh…
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tập trung các nguồn lực để tiến tới BHYT toàn dân; nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phòng bệnh và KCB BHYT, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.
Đóng góp ý kiến về những vấn đề cần đặc biệt lưu ý, TS.Nguyễn Văn Tiên- nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội của Quốc hội) đánh giá: “Quy định BHYT là hình thức “bảo hiểm bắt buộc” trong Luật BHYT 2014 là cơ sở để độ bao phủ BHYT đột phá. Do đó điểm quan trọng cần tiếp tục duy trì là thực hiện chính sách BHYT toàn dân, trên cơ sở BHYT bắt buộc để tạo điều kiện cho toàn dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất”. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến phát triển y tế cơ sở, để chính sách chăm sóc sức khỏe người dân thông qua y tế cơ sở thực sự đi vào cuộc sống. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh “công tác thanh tra/kiểm tra sử dụng quỹ BHYT cần thường xuyên để nhắc nhở tránh vi phạm” bởi người thiệt thòi sẽ là bệnh nhân BHYT. Cần giao trách nhiệm giám định “đúng chức năng” của cơ quan BHXH là giám định về chi phí, mà không phải đánh giá chuyên môn y tế...
Chung góc nhìn này, GS.TS Đào Văn Dũng- nguyên Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (nay là Vụ Xã hội)- Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Việc định nghĩa, phân định rõ ràng chức năng của cơ quan BHXH trong công tác giám định BHYT chỉ tập trung vào chi phí sẽ tháo gỡ những vướng mắc giữa 2 cơ quan BHXH và Y tế dẫn tới tình trạng chậm thanh quyết toán chi phí KCB BHYT như đã phản ánh thời gian qua...”. Đồng thời, Bộ Y tế cũng phải thường xuyên cập nhật các quy trình, chẩn đoán các bệnh...
Bài: Ngọc Thảo
Đò họa: Thanh An