Tìm “kế” phủ sóng BHYT làng chài
Ghi nhận từ những người làm công tác dệt lưới an sinh khu vực duyên hải miền Trung cho thấy, các làng chài là nơi “khó nhằn” trong nỗ lực vận động bao phủ BHYT.
Mỗi năm, Tổ cấp cứu đường không của BV Quân y 175 phối hợp với Binh đoàn 18 thực hiện hàng chục chuyến bay cấp cứu ngư dân bằng trực thăng. Đây hầu hết là những ngư dân thuộc duyên hải miền Trung bám biển, bám đảo đánh bắt cá. Trong hải trình mưu sinh, có người không may bị tai nạn lao động, có người ngã bệnh nặng khiến chủ tàu phải khẩn trương đưa bạn tàu vào mạng lưới quân y đảo cấp cứu.
Một ngư dân được trực thăng đưa về cấp cứu tại BV Quân y 175
Hầu hết trường hợp ngư dân lâm cảnh thập tử nhất sinh đều được Bộ Quốc phòng chỉ đạo Binh đoàn 18 và Tổ cấp cứu đường không của BV Quân y 175 bay trực thăng đón về đất liền điều trị. Ngư dân gặp cảnh hiểm nghèo không phải chịu phí tổn bay và cấp cứu, dù chi phí này không hề nhỏ. Tới đất liền (trực thăng đáp nóc Viện Chấn thương-Chỉnh hình, BV Quân y 175), ngư dân lập tức được các bác sĩ BV Quân y 175 tức tốc sử dụng mọi phương tiện, kỹ thuật để can thiệp nhằm kịp thời bảo lưu tính mạng.
Theo đại diện BV Quân y 175, trong một số trường hợp, ngư dân xuất viện chỉ với nụ cười và vòng tay siết chặt tri ân bác sĩ. Nụ cười ấy của ngư dân, ngoài hàm ý tri ân, còn là... nụ cười trừ đối với khoản viện phí cao ngất ngưởng. Những ngư dân trong trường hợp này là bạn tàu, tức người làm thuê cho chủ tàu, tiền bạc cũng không có (tàu chưa cập bờ nên không có thù lao), mà đáng nói hơn nữa là thẻ BHYT cũng không có. Bởi vậy, gặp trường hợp này, bác sĩ BV Quân y 175 không biết nói gì hơn ngoài nụ cười đáp lại. Mặt thì cười nhưng trong lòng đầy rẫy nỗi lo, vì họ bằng mọi cách vận dụng nguồn này nguồn khác, kể cả nguồn vận động từ nhà hảo tâm, để bù đắp khoản chi phí điều trị cho ngư dân.
Câu chuyện Tổ cấp cứu đường không, các bác sĩ BV Quân y 175 và Binh đoàn 18 cùng nhau phối hợp cứu sống ngư dân không may lâm nạn hay ngã bệnh, luôn là câu chuyện nhân văn, luôn được truyền thông chú trọng loan tải. Nhưng khi “màn nhung khép lại”, phía BV đành phải giấu “ánh mắt buồn” vì không nhìn thấy thẻ BHYT ở không ít ngư dân. Ngư dân làm bạn tàu đa phần không khá giả gì, nên khi “cười trừ viện phí” mà có thẻ BHYT để vớt vát, thì phía BV cũng nhẹ gánh, còn trong trường hợp không có thẻ BHYT thì BV chỉ còn cách “ôm kèo” 100%. Trực thuộc Bộ Quốc phòng, nên dĩ nhiên, vấn đề này có lẽ phía BV đã báo cáo cơ quan chủ quản để có hướng xử lý nào đó. Song có điều, theo BV Quân y 175, ngư dân nên có thẻ BHYT để những vấn đề tiếp theo “nhẹ nhàng” hơn.
Ghi nhận từ những người làm công tác dệt lưới an sinh khu vực duyên hải miền Trung cho thấy, các làng chài là nơi “khó nhằn” trong nỗ lực vận động bao phủ BHYT. Những rào cản nơi làng chài đối với BHYT là ngư dân thường ỷ lại sức khỏe của bản thân. Do đó, khi thu nhập gia tăng nhờ “trúng mùa đi biển”, họ thường chỉ ưu tiên những phí tiêu dùng khác, chứ không đặt nặng vấn đề tham gia BHYT.
Thực tế cho thấy, ngư dân làng chài thường có sức khỏe tốt hơn các cộng đồng dân cư khác. Song, vốn quý ấy đâu thể kéo dài mãi, chưa tính đến những tai nạn có thể ập đến trong cuộc mưu sinh trên biển, mà những ngư dân từng được cứu chữa ở BV Quân y 175 là minh họa rõ nét. Về phía những người làm công tác dệt lưới an sinh, cần phải mở chuyên đề truyền thông BHYT nơi làng chài, bởi cư dân khu vực này có những đặc thù riêng.
Thanh Giang