Print

Quan tâm và… “gợn sóng”

Chủ nhật, 04 /06/2023 22:46

Diễn đàn Quốc hội hôm mấy ngày qua rất nhiều thông tin liên quan đến hoạt động KCB BHYT. Đây là vấn đề sát sườn về đời sống xã hội, nên thu đặc biệt hút sự chú ý của cộng đồng.

Đáng chú ý là dự báo được đưa ra từ đại biểu tỉnh Bến Tre, rằng nếu ngay từ lúc này không đề ra các chính sách đãi ngộ hợp lý, thì trong vòng 15 năm tới, các trạm y tế (TYT) sẽ không còn bác sĩ làm việc. Trên diễn đàn Quốc hội, thông tin này mang tính dự báo, song với hệ thống y tế quốc gia, thì thông tin này là “báo động đỏ”. Trên thực tế, mạng lưới hơn 11 nghìn TYT cả nước luôn là “chiếc phễu” hứng tất cả chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, từ tiêm chủng đến dinh dưỡng, chăm lo sức khỏe ban đầu từ thai phụ đến trẻ con và người già... lẫn công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Bên cạnh “đầu việc” dày đặc thường nhật trong bối cảnh bình thường, cao điểm phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua còn khắc họa rõ nét vai trò gần dân nhất của mạng lưới TYT. Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, hàng loạt nguyên nhân hiện nay nhìn thấy sẽ khiến các TYT vắng bóng bác sĩ trong vòng 15 năm tới: Đãi ngộ bất tương xứng; môi trường làm việc không đầy đủ cả hạ tầng lẫn thiết bị; cơ hội phát triển nghề nghiệp, nâng cao tay nghề tắc nghẽn... Tóm lại, các bác sĩ hiện tại chưa thấy sự hấp dẫn nơi TYT.

Trong hoạt động KCB BHYT, đại biểu đến từ TP.HCM đã nêu vấn đề liên quan: Một số quy định của Luật BHYT hiện nay không phù hợp trong thanh toán BHYT, song chưa nhận được sự quan tâm đánh giá và xử lý thỏa đáng của các cơ quan chức năng. Theo đại biểu, cử tri ngành Y tế TP.HCM phản ảnh “bác sĩ hiện nay không phải là người quyết định điều trị”. Cử tri ngành Y tế giải thích với đại biểu rằng, do chuyên viên giám định BHYT “can thiệp chuyên môn”. Thông tin này trên diễn đàn Quốc hội, qua tường thuật của báo chí, đã thu hút sự chú ý của cộng đồng, với không ít băn khoăn, lo lắng.

Trên thực tế, trong khung Luật KCB, Luật BHYT và các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, trong đó có danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc, phác đồ điều trị..., bác sĩ có toàn quyền chỉ định và chịu trách nhiệm với quyết định chuyên môn của mình. Vì vậy, nếu tình trạng “bác sĩ không phải là người quyết định điều trị” có thực, có lẽ các thầy thuốc chỉ còn con đường bỏ việc mà thôi. Rõ ràng, thông tin này đã bị “nhiễu” ngay trong quá trình tiếp xúc cử tri.

Trong tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân BHYT, ngoài Luật KCB chi phối, thầy thuốc còn phải chịu những ràng buộc từ Luật BHYT. Điều này là cần thiết, vì quỹ BHYT có hạn. Bên cạnh đó, giám định BHYT là hoạt động chuyên môn từ phía cơ quan BHXH theo luật định, để đảm bảo quỹ BHYT được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nhất. Nguyên tắc giám định BHYT được thiết lập dựa trên Luật KCB, Luật BHYT và các hướng dẫn từ Bộ Y tế. Do đó, công tác giám định không xung đột, can thiệp hay ảnh hưởng đến quyền chỉ định điều trị của bác sĩ, nếu quyền ấy trong khung các luật liên quan.

Thầy thuốc luôn muốn điều tốt nhất cho bệnh nhân (kỹ thuật tốt nhất, thuốc tốt nhất...) là lẽ đương nhiên. Nhưng ngay cả với bệnh nhân ngoài BHYT, thì thầy thuốc cũng phải cân đối điều tốt nhất ấy với túi tiền bệnh nhân, huống chi thẻ BHYT mệnh giá hiện tại chỉ hơn 800 nghìn đồng/năm. Thật đáng tiếc, khi tại diễn đàn Quốc hội, thông tin “nhiễu” khiến sự quan tâm của đại biểu đối với an sinh xã hội phải “gợn sóng” theo cách không đáng có.

Thanh Giang