Print

Chăm lo an sinh trên đảo tiền tiêu Lý Sơn

Thứ Năm, 27 /07/2023 15:39

Huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây giờ không còn cấp xã, chỉ còn 6 thôn trên đảo lớn và 1 thôn trên đảo bé, với dân số hơn 23.000 người. Đáng nói, phong trào tham gia BHXH tự nguyện nơi huyện đảo tiền tiêu này đang nở rộ.

Sáng nay (27/7), phóng viên Tạp chí BHXH theo chân ông Nguyễn Thành Dương- Giám đốc BHXH huyện đảo Lý Sơn từ đảo lớn sang đảo bé thực hiện công tác vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện.

Huyện đảo Lý Sơn không chỉ phủ màu xanh hoa lá, mà còn bao phủ màu xanh an sinh

Đảo bé, tức thôn An Bình, có 115 hộ gia đình với hơn 350 nhân khẩu. Từ đảo lớn đi tàu sang đảo bé mất 20 phút (70.000 đồng/lượt khách). Tới nơi, Trưởng thôn Lê Lộc đã tụ hợp một số ngư dân đợi sẵn...

Chỉ một giờ trò chuyện, giải thích về chính sách BHXH tự nguyện, ông Dương đã vận động thành công 4 ngư dân tham gia lưới an sinh. Người dân huyện đảo Lý Sơn, ở cả đảo bé lẫn đảo lớn, đều thụ hưởng chính sách cấp phát BHYT miễn phí.

Ông Nguyễn Thành Dương (phải) trực tiếp vận động ngư dân đảo bé tham gia BHXH tự nguyện

Do đó, theo ông Dương, công tác dệt lưới an sinh nơi đây tập trung hướng tới BHXH tự nguyện, để người dân huyện đảo sau này được hưởng thêm chính sách hưu trí. “Tính đến thời điểm này, huyện đảo Lý Sơn đã vượt chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện được giao năm 2023”- ông Dương phấn khởi thông tin.

Góc cảng cá trên đảo lớn

Theo thống kê, có khoảng 10% cư dân huyện đảo làm nghề chài lưới, đi biển; 50% làm nghề nông (trồng hành, trồng tỏi); 40% cư dân còn lại kiếm sống trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ. Du lịch ở Lý Sơn chỉ những tháng Hè, bởi thời gian còn lại trong năm, việc di chuyển từ đất liền ra đảo không thuận tiện. Ước tính có tới 80% du khách đến đảo lớn sẽ sang đảo bé tham quan thắng cảnh biển tuyệt đẹp.

Từ đảo bé nhìn sang đảo lớn

Mỗi năm ở Lý Sơn có 3 mùa vụ, với 2 mùa hành và 1 mùa tỏi. Theo chị Trần Thi Mỹ Vân- người chuyên làm nông bao đời nay ở huyện đảo, mùa này hành đang ra củ. “Cỡ tháng nữa sẽ thu hoạch. Miếng đất này chưa tới một sào (500m2), dự kiến thu hoạch từ 600kg đến 700kg củ hành”- chị Vân cho biết.

Chị Trần Thị Mỹ Vân tưới hành vào sáng sớm

Cũng theo chị Vân, đây là mùa khô, nên hành cho năng suất thấp, còn vào mùa mưa cho năng suất gấp đôi. Theo lịch của nhà nông, đến tháng 10, chị Vân sẽ trồng tỏi cũng trên mảnh đất này.

Nông dân Lý Sơn làm đất để trồng hành, trồng tỏi

Đất trồng hành, tỏi ở Lý Sơn có 3 lớp: Dưới cùng là lớp đất thịt lấy từ núi; giữa là cát biển sậm màu; trên cùng là cát biển xa bờ trắng phau (để phản xạ tốt ánh nắng mặt trời, không làm nóng gốc). Nước ngọt tưới hành, tỏi lấy từ hồ lớn vốn là miệng núi lửa xa xưa.

Ông Nguyễn Văn Tám đã lĩnh lương hưu 10 năm qua nhờ đóng tiếp BHXH tự nguyện

Củ hành, củ tỏi là sản vật độc đáo của huyện đảo, được kết tinh từ mồ hôi của những người nông dân hiền lành, chất phác, đã hòa nhịp cùng yếu tố văn hóa, lịch sử khiến huyện đảo này được cả nước biết và mong muốn một lần đến. Củ hành, củ tỏi Lý Sơn còn mang lại thu nhập giúp bà con nơi đây tích cóp, dành dụm tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu, thêm phần nhàn thân...

Một người buôn bán nhỏ đang tạm dừng đóng BHXH tự nguyện được cán bộ BHXH huyện đảo vận động tham gia tái tục

Theo ông Lê Văn Ninh- Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện, phong trào tham gia BHXH tự nguyện nơi huyện đảo đang nở rộ. Điều này đã giúp kết quả dệt lưới an sinh tốt hơn so với kỳ vọng.

Cán bộ BHXH từ đảo lớn sang đảo bé vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

Trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, chính quyền địa phương này vẫn sẽ “tay trong tay” cùng BHXH huyện đẩy mạnh truyền thông, vận động hơn nữa, với mong muốn phong trào tham gia BHXH tự nguyện ở Lý Sơn duy trì và nở rộ hơn nữa. “Càng nhiều người dân Lý Sơn có cơ hội hưởng lương hưu thì cấp ủy, chính quyền huyện đảo càng phấn khởi...”- ông Ninh chia sẻ.

Thanh Giang-Trà Giang