Con số biết nói
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2030, Việt Nam có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu nếu không có sự hỗ trợ từ NSNN. Con số này là lời cảnh báo mà các cấp, các ngành chức năng không thể thờ ơ, vô cảm.
Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, tính đến hết năm 2022, cả nước có 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, trong đó chỉ có 5,1 triệu người có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội. Như vậy, thực tế hiện nay mới có khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu có tiền dưỡng lão. Số còn lại khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu không có tiền dưỡng lão từ quỹ BHXH và các quỹ xã hội khác thuộc NSNN.
Lương hưu dù ít vẫn là điểm tựa vững chắc cho người cao tuổi
Thời gian gần đây, không ít ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội, thậm chí trên các diễn đàn báo chí cho rằng, lương hưu hiện nay quá thấp dẫn đến nỗ lực phấn đấu, duy trì lưới an sinh để sau này có lương hưu là không tương xứng. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến xuất phát từ người đang trong độ tuổi lao động- tức là góc nhìn từ những người còn đang làm ra tiền, hiếm thấy góc nhìn từ những người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Nói cho công bằng, so với thu nhập 7 triệu đồng ở anh chị em công nhân, hoặc với thu nhập 10-15 triệu đồng mỗi tháng ở nhân viên kinh doanh hay khối văn phòng, DN thì mức lương hưu ít nhất vào khoảng 1,8 đến 2 triệu đồng mỗi tháng sẽ “không đáng là gì”. Tuy nhiên, so với con số 9,3 triệu người hiện không có đồng tiền dưỡng lão nào sau độ tuổi nghỉ hưu hiện nay, hoặc 16 triệu người như thế vào năm 2030, sẽ thấy số tiền hưu trên dưới 2 triệu đồng rất ý nghĩa.
Chưa có thống kê chính thức nào chỉ ra rằng, trong số 9,3 triệu người đang không nhận được tiền dưỡng lão mỗi tháng có người nào đang thiếu đói hay không? Song, hãy nhìn những người xung quanh mình- những người sau độ tuổi nghỉ hưu còn phải nhọc nhằn mưu sinh do không có bất cứ khoản tiền dưỡng lão nào, mới thấy đầy đủ hơn ý nghĩa của số tiền trên dưới 2 triệu đồng lương hưu. Đáng nói, theo thời gian, lương hưu sẽ tăng theo lương cơ bản và hệ số trượt giá. Thế nên, với 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu hiện nay và sắp tới là 16 triệu người không có lương hưu, mới thấy lương hưu hữu ích như thế nào.
ILO lý giải rằng, khoảng 16 triệu người ở Việt Nam sau độ tuổi nghỉ hưu vào năm 2030 chưa chạm đến khoản tiền dưỡng lão nào là do tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khá cao (sau 80 tuổi); thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu dài (20 năm). Song, điều này sẽ được hóa giải, khi tới đây Luật BHXH (sửa đổi) sẽ điều chỉnh vấn đề này.
Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ từ NSNN để ngày càng có nhiều người sau độ tuổi lao động có lương hưu. Được biết, các cơ quan thuộc Chính phủ luôn nhận được tham vấn từ ILO để hoàn thiện chính sách và nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Vì vậy, các diễn đàn khi bàn đến vấn đề lương hưu, hy vọng sẽ nhìn nhận được đầy đủ và cởi mở hơn, để nỗ lực xây dựng an sinh xã hội của Việt Nam thêm bền vững.
Thanh Giang