“Cơm tù” lây lan vào lĩnh vực y tế?
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã lên án và cam kết kiên quyết xử lý nghiêm phòng khám (PK) có dấu hiệu giữ người để “vẽ bệnh, moi tiền”.
Vụ việc xảy ra tại PK Y học Sài Gòn (quận 5) hôm 19/9 vừa qua. Ngay sau cú điện thoại tới đường dây nóng phản ánh vụ việc, Thanh tra Sở Y tế lập tức tới ngay hiện trường. Tại đây, Thanh tra Sở Y tế ghi nhận có 3 người bệnh đến PK để chấm dứt thai kỳ (phá thai) và PK đã thực hiện thủ thuật phá thai. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm kiểm tra đột xuất, không có bác sĩ phụ sản nào có mặt tại PK và PK cũng không cung cấp được hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh và hóa đơn thu phí người bệnh.
Đáng nói, người bệnh H.O được tư vấn chi phí phá thai 2 triệu đồng với kỹ thuật không đau. Song, trong lúc phá thai, PK lại yêu cầu người bệnh ký tên đồng ý giá 29 triệu đồng mới làm tiếp, nếu không sẽ làm chảy máu nhiều và rất đau. Chưa hết, PK còn gây áp lực yêu cầu bà H.O chuyển khoản ngay trên giường bệnh. Tuy nhiên, bà này chỉ chuyển khoản được 9 triệu đồng, nên bị giữ lại tại PK và bắt phải trả đủ tiền. Hết cách, bà H.O đành cầu cứu người thân, còn người thân của bà thì cầu cứu Thanh tra Sở Y tế.
Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế ghi nhận PK có dấu hiệu giữ người bệnh, “vẽ bệnh, moi tiền” đúng như người bệnh đã phản ánh. Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản và tạm đình chỉ hoạt động KCB đối với PK này, do không đảm bảo các điều kiện về nhân sự, an toàn người bệnh sau khi được can thiệp thủ thuật; đồng thời tiếp tục làm rõ các vi phạm khác và kiên quyết xử lý nghiêm. Theo Thanh tra Sở Y tế, PK Y học Sài Gòn sẽ bị phạt tiền tối đa 120 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép KCB trong 4 tháng. Về trách nhiệm hình sự, người đại diện pháp luật của PK có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Cách đây 6 tháng, vào tháng 3/2023, Thanh tra Sở Y tế cũng thực hiện hoạt động giải cứu bệnh nhân bị PK Hoàn Cầu và PK Nam Việt áp lực giữ người “vẽ bệnh moi tiền” tương tự PK Y học Sài Gòn. Đáng chú ý, người bị PK Nam Việt giữ và “vẽ bệnh moi tiền” cũng vì lý do phá thai.
Nhiều năm trước đây, lữ khách xuyên quốc lộ 1 bị ám ảnh với nạn “cơm tù”.Theo đó, các quán cơm quây rào khép quán, dùng người xăm trổ gây áp lực buộc khách dùng cơm trả giá “cắt cổ”, không trả tiền thì không thả người. Vấn nạn này kéo dài nhiều năm, cơ quan chức năng phải rất quyết liệt mới triệt phá được nạn “cơm tù”.
Dường như hiện nay nạn “cơm tù” đang lây lan vào lĩnh vực y tế. Không thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của y tế tư nhân đối với hệ thống y tế quốc gia. Song, hoạt động KCB theo kiểu “cơm tù” ở một số PK hiện nay sẽ nhanh chóng hủy hoại hình ảnh, uy tín mà mạng lưới y tế tư nhân đã cố công gây dựng. Sự hủy hoại này còn lan rộng đến cả hệ thống y tế nước nhà, ảnh hưởng đến danh dự hàng ngàn thầy thuốc đang dốc sức chữa bệnh cứu người.
Vấn nạn “cơm tù” lây lan vào lĩnh vực y tế, nhằm vào những người muốn phá thai, còn đặt ra vấn đề xã hội cần đặc biệt quan tâm: Truyền thông giáo dục sức khỏe để hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn.
Thanh Giang