Lan tỏa quyền lợi và trách nhiệm công dân
Ngoài quyền lợi được quỹ BHYT chi trả lên tới 80% chi phí điều trị bệnh đúng tuyến, HSSV còn được chăm sóc sức khỏe ngay tại trường học. Đây là một trong những điểm ưu việt của chính sách này trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ...
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu dành cho HSSV trong những năm qua liên tục gia tăng, với số tiền 603,7 tỷ đồng (năm 2020); 656,7 tỷ đồng (năm 2021) và hơn 696,3 tỷ đồng (năm 2022). Nguồn kinh phí này được các cơ sở giáo dục sử dụng để mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV khi bị tai nạn thương tích hoặc các trường hợp bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường, tủ quản lý hồ sơ sức khỏe; mua văn phòng phẩm phục vụ hoạt động KCB.
Thực tiễn triển khai cho thấy, nguồn kinh phí này đã thực sự phát huy vai trò, không chỉ giúp y tế trường học kịp thời thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho HSSV, mà còn giúp theo dõi, kiểm tra, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sức khỏe để dự phòng, điều trị, đảm bảo sức khỏe của các em trong tương lai. Đáng chú ý, đã có rất nhiều HSSV không may mắc bệnh, phải nhập viện điều trị với chi phí cao, nhưng đã được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí; qua đó khẳng định BHYT chính là điểm tựa vững chắc cho gia đình các em.
Theo thống kê, trong 2 năm 2021-2022, bình quân mỗi năm có gần 3 triệu HSSV sử dụng thẻ BHYT với khoảng 6,1 triệu lượt KCB BHYT, tổng chi phí KCB BHYT của nhóm này lên tới hơn 2.500 tỷ đồng/năm. Trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, nhiều HSSV đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí đến hàng tỷ đồng. Cụ thể, có 1.435 HSSV được quỹ BHYT chi trả từ 100-200 triệu đồng; 568 HSSV được chi trả từ 200-500 triệu đồng; 66 HSSV được chi trả trên 500 triệu đồng; đáng chú ý trường hợp được chi trả cao nhất là 1,07 tỷ đồng...
Có thể thấy, trong bối cảnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gây rủi ro cho sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe HSSV thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Năm học 2022-2023, cả nước có khoảng 18,8 triệu HSSV tham gia BHYT (đạt hơn 97% tổng số HSSV). Bước sang năm học 2023-2024, công tác BHYT HSSV tiếp tục được ngành BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt, với mục tiêu đạt 100% HSSV tham gia BHYT.
Để đảm bảo nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện BHYT HSSV, BHXH Việt Nam hiện đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ GD-ĐT triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Chính phủ. Từ nguồn CSDL được chia sẻ và chuẩn hóa, các đơn vị (cơ quan BHXH và trường học) sẽ có cơ sở để rà soát, xác định được số HSSV chưa tham gia BHYT; từ đó triển khai các giải pháp đồng bộ trong đôn đốc, tuyên truyền, vận động.
Đặc biệt, thông điệp luôn được hệ thống chính trị nhấn mạnh, đó là “tham gia chính sách BHYT không chỉ để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ, mà còn thể hiện trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tinh thần tương thân tương ái của các em, giúp chia sẻ rủi ro với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe”.
Mộc Miên