Print

Đăk Hà- Những dấu ấn an sinh

Thứ Sáu, 17 /11/2023 09:55

Hôm Chủ nhật (15/10), chị Cầm Thị Thanh Nga- chuyên viên của BHXH huyện Đăk Hà đã phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn đến thôn Thanh Xuân (xã Đăk Ngọk) để tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT nhân Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc của thôn. Tại ngày hội, chị Nga đã thông tin cơ bản về chính sách BHXH, BHYT; những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và giải đáp những thắc mắc, ý kiến của bà con…

Thôn Thanh Xuân là địa bàn có nhiều đồng bào người Thái sinh sống. Bà con nơi đây hầu hết quan tâm đến các chính sách của Đảng và Nhà nước, nên sau khi được tư vấn, nhiều người đã đề nghị cán bộ BHXH về tận nhà để cùng bàn thêm với người nhà. Chính vì vậy, sau chương trình tuyên truyền ở hội trường thôn, chị Nga đã xuống tận nhà của một số bà con để tiếp tục vận động.

Vốn là chuyên viên của Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Kon Tum, hồi giữa năm 2023, chị Nga được điều động về BHXH huyện Đăk Hà để thúc đẩy công tác truyền thông ở địa phương, nên chị đã nhanh chóng phát huy sở trường của mình. Vượt qua những con đường nhỏ ngoắt nghoéo trong thôn, chị Nga đến nhà bà Vi Thị Tạo- người dân tộc Thái và trao đổi cùng các thành viên trong gia đình. Sau khi được tư vấn, phân tích những lợi ích của chính sách, bà Tạo đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho người thân trong gia đình.

Tương tự, sau khi được chị Nga tư vấn, giải thích cặn kẽ, chị Phạm Thị Tấn cũng đăng ký tham gia BHYT ngay cho hai vợ chồng. Đáng chú ý, chính những thông tin thực tế về một số trường hợp trong thôn được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị với số tiền lớn đã khiến chị Tấn thêm quyết tâm trong việc tham gia BHYT. “Đến với bà con, em cảm giác như được về với gia đình. Em cũng là người dân tộc Thái, nên nói chuyện với bà con rất vui vẻ, thoải mái và mọi người tin tưởng tham gia lưới an sinh ngay”- chị Nga tâm sự sau khi vận động thành công chị Tấn tham gia BHYT.

Tại huyện Đăk Hà, nhờ sự tích cực, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ BHXH huyện, nên nhiều người dân đã quyết định tham gia mới hoặc ở lại lưới an sinh. Ông Hà Đức Nhập là cựu chiến binh và đã đóng BHXH được hơn 7 năm cho biết, sau khi hết tuổi lao động ông cũng dự tính rút BHXH một lần; tuy nhiên sau khi được tư vấn, ông đã quyết định đóng tiếp BHXH để hưởng lương hưu.

“Tôi còn thiếu gần 13 năm đóng BHXH để đủ 20 năm theo quy định, nên quyết định đóng tiếp cho những năm còn thiếu. Hiện tôi đóng BHXH theo quý, mỗi quý gần 1 triệu. Sau khi đủ 10 năm tham gia BHXH, tôi sẽ đóng một lần 10 năm nữa cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Vừa rồi, tôi có biết có bà Mừng ở thôn Đăk Lợi đã tham gia BHXH 10 năm, khi đến tuổi nghỉ hưu bà đóng một lần 10 năm nữa và được hưởng lương hưu. Như vậy rất thuận tiện và tôi cũng sẽ đóng BHXH tự nguyện như trên”- ông Nhập tự tin chia sẻ.

Theo kế hoạch, trong tháng 10/2023, BHXH huyện Đăk Hà sẽ tổ chức 7 cuộc tuyên truyền nhân Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại các thôn của xã Đăk Ngọk; đồng thời tổ chức 12 cuộc tại thị trấn Đăk Hà. Ông Nguyễn Khắc Sỹ- Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Hà nhận định rằng, những cuộc phối hợp truyền thông như trên phát huy hiệu quả rất lớn, giúp lan tỏa chính sách an sinh xã hội. Cũng theo ông Sỹ, việc triển khai chính sách BHXH, BHYT luôn được địa phương quan tâm; công tác phối hợp giữa chính quyền và cơ quan BHXH cũng chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế, nên mang lại hiệu quả cao.

“Chúng tôi tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, trong đó có việc lồng ghép tuyên truyền trong các dịp bầu Tổ trưởng Dân phố. Đặc biệt, việc tổ chức phối hợp lồng ghép tuyên truyền tại Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc đã đem lại hiệu quả, làm cho người dân hiểu về chủ trương, chính sách BHXH, BHYT. Thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH huyện trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp, để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra…”- ông Sỹ khẳng định.

Kon Tum là tỉnh miền núi biên giới với 43 dân tộc cùng sinh sống, chiếm khoảng 54% dân số. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành của tỉnh Kon Tum luôn chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xem đây là động lực để xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Hà là địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh của tỉnh. Đáng chú ý, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là một trong những nét đặc sắc của địa phương, là dịp để giao lưu, để người dân và chính quyền gắn kết hơn, trong đó việc đẩy mạnh truyền thông chính sách BHXH, BHYT được coi là nét độc đáo của địa phương.

Ông Vũ Tuấn Khang- Giám đốc BHXH huyện Đăk Hà cho biết, việc truyền thông chính sách BHXH, BHYT được BHXH huyện tổ chức thường xuyên, trong đó riêng tháng 10 và tháng 11 tới sẽ là đợt cao điểm truyền thông. Theo đó, BHXH huyện xác định đúng đối tượng tham gia cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng. Đồng thời, phân công những cán bộ truyền thông có kiến thức pháp luật và kỹ năng, kinh nghiệm để tham gia tư vấn, vận động bà con, đảm bảo nội dung truyền thông đi vào trọng tâm, trọng điểm, thiết thực...

Cũng theo ông Khang, việc tổ chức hội nghị truyền thông và phát triển người tham gia còn gặp khó khăn. Tại nhiều xã, người DTTS chủ yếu sinh sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện; hoặc ban ngày đi làm nương rẫy nên nhiều trường hợp mệt và ngại tham dự các hội nghị khách hàng.

Chính vì vậy, ông Khang cho rằng, muốn truyền thông và lan toả chính sách BHXH, BHYT đến được với đồng bào, đòi hỏi phải có sự kiên trì và được thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau theo hướng “mưa dầm thấm lâu”. Đặc biệt, việc phối hợp tuyên truyền thông qua những sự kiện trọng đại ở địa phương như Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc cũng là cách thức hiệu quả để lan tỏa lưới an sinh đến với đồng bào.

Bài: Trà Giang

Đồ họa: Thanh An