Nêu cao trách nhiệm từ các cuộc giám sát
Là Trưởng đoàn giám sát tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM và Khánh Hòa, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý (HĐQL) Nguyễn Văn Cường đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Cường, công tác phối hợp của các cấp, các ngành ngày càng hiệu quả, góp phần giúp cơ quan BHXH đảm bảo kịp thời, thấu đáo quyền lợi chế độ cho người tham gia BHXH, BHYT.
Đơn cử như tại TP.HCM, những kết quả mà địa phương lớn nhất nước này đạt được rất lớn. Theo đó, chỉ riêng số thu của BHXH TP.HCM bằng khoảng 20 tỉnh cộng lại, trong khi đội ngũ CCVC của đơn vị lại ít. Hiểu rõ thực tế này, ông Nguyễn Văn Cường đã đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục quan tâm, có cơ chế, tạo điều kiện cho đội ngũ CCVC của BHXH Thành phố yên tâm công tác; đồng thời đề nghị BHXH Thành phố tham mưu cho UBND để trình HĐND có chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV tham gia và hưởng BHXH, BHYT theo hướng bền vững.
Cũng từ kết quả giám sát, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL còn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác giám định, phát hiện, cảnh báo các trường hợp chi sai quy định, sử dụng thuốc, vật tư không cần thiết; sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; các cơ quan thanh tra của Thành phố cùng vào cuộc ngăn chặn hành vi trốn đóng, trục lợi BHXH, BHYT cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT.
Trong khi đó, tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cường cũng ghi nhận, gợi mở cách làm và giải pháp mà BHXH TP.Hà Nội cần tập trung thực hiện. Theo đó, cần phối hợp với các cấp, các ngành bám sát Nghị quyết 28-NQ/TW để triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh đôn đốc thu, giảm chậm, nợ BHXH. Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT; chi trả các chế độ song hành với cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, NLĐ.
Thực hiện giám sát ở Khánh Hòa, Đoàn giám sát HĐQL BHXH đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Khánh Hoà để nắm bắt tình hình, từ đó có những yêu cầu cụ thể đối với BHXH tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, đề nghị BHXH tỉnh nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ “mỗi cán bộ BHXH là một chiến sĩ trên mặt trận phát triển người tham gia BHXH, BHYT”. Bên cạnh đó, Đoàn còn nắm bắt những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc kiện toàn bộ máy; khuyến nghị các giải pháp để BHXH tỉnh điều tiết hợp lý quỹ cũng như tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cấp, các ngành trong việc giám sát, kiểm tra đơn vị, DN trốn đóng, nợ đóng và trục lợi BHXH, BHYT…
Chủ trì đoàn giám sát tại Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Ủy viên HĐQL BHXH đánh giá cao việc chính sách BHXH, BHYT từng bước phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị BHXH tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ một phần mức đóng BHXH, BHYT cho một số nhóm đối tượng (người mới thoát nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình, HSSV…); tham mưu kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tiếp tục tham mưu giải pháp phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện. “Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đạt độ bao phủ BHXH là 31% lực lượng lao động. Dù tỷ lệ này có cải thiện, song vẫn thấp hơn bình quân chung cả nước; số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa bền vững…”- Thứ trưởng lưu ý.
Chủ trì giám sát tại Đồng Nai, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên HĐQL cũng đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để đảm bảo chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể về mở rộng diện bao phù BHXH, BHYT trong từng năm; việc quản lý, sử dụng kinh phí KCB BHYT phải thực sự hiệu quả, trong phạm vi dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại các kỳ họp HĐQL trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc- Chủ tịch HĐQL BHXH đều lưu ý tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội đất nước, nên cần phải được bảo đảm an toàn và phát triển bền vững. Đối với lĩnh vực đầu tư quỹ, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, góp phần quản lý, điều hành Quỹ hiệu quả. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần tiếp tục đóng góp ý kiến về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH, BHYT; quan tâm, đào sâu nghiên cứu, tiếp tục cùng các bộ, ngành góp ý sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT, tạo thuận lợi cho ngành BHXH Việt Nam triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cũng theo Chủ tịch HĐQL, BHXH Việt Nam cần thực hiện công khai, minh bạch; xây dựng dự toán sát với tình hình thực tế và có báo cáo thường xuyên với HĐQL để các thành viên theo dõi, nắm bắt. Đối với thanh quyết toán chi phí KCB, cần chủ động nghiên cứu và đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại để xử lý sớm, tránh kéo dài; nội dung vượt thẩm quyền của BHXH Việt Nam cần báo cáo ngay các cơ quan có thẩm quyền. “HĐQL BHXH có chức năng tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT. Vì vậy các thành viên HĐQL cần đầu tư trí tuệ, công sức để góp ý xây dựng, sửa đổi Luật BHXH, để chính sách này ngày càng ưu việt, hấp dẫn, đảm bảo thu, chi trong dài hạn”- Chủ tịch HĐQL Hồ Đức Phớc nhấn mạnh; đồng thời lưu ý cần xây dựng giải pháp ngăn ngừa lạm dụng, trục lợi quỹ; tăng cường vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong bối cảnh khó khăn. Cùng với đó, thông qua việc thực hiện chế độ, chính sách để đánh giá “sức khoẻ” của DN và NLĐ cũng như những tác động đến ngành BHXH Việt Nam nói riêng và an sinh xã hội nói chung.
Bài: Hà Thủy
Đồ hoạ: Hiểu Thanh