Print

Mang tới những niềm vui

Thứ Sáu, 16 /02/2024 15:06

Mấy năm nay, bà con ở Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công... thuộc tỉnh Tiền Giang hay nhắc đến cô Tư Ánh- Nguyễn Thị Ánh- chủ Công ty CP Thủy sản Sông Tiền- một người quyết đoán trong chuyện làm ăn, nhưng nghĩa tình, đôn hậu, luôn hết lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 20 năm qua, DN của cô Tư mạnh tới đâu thì cô lại giúp người khó nhiều tới đó. Tình cảm của cô đến với bà con khi là nhu yếu phẩm, khi là tiền mặt để sắm sửa ăn Tết, lúc lại là mái ấm tình thương...

Vài năm gần đây, thông qua sự vận động của BHXH tỉnh về việc hỗ trợ tặng thẻ BHYT, thấy hợp lý, cô Tư Ánh ủng hộ liền. Lần đầu tiên tặng thẻ BHYT ở Cái Bè, thấy bà con xúc động khi cầm thẻ BHYT trên tay, cô hỏi ra mới biết người này mắc nhiều bệnh mạn tính, mà nếu không có BHYT thì chỉ có cách phó thác cho số mệnh. Nghe vậy, cô Tư biết mình đã chọn được cách hay để giúp người khó. Vậy là, mấy năm nay, cô Tư Ánh luôn chủ động cùng cơ quan BHXH về các huyện tặng thẻ BHYT cho bà con.

Đặc biệt, lần nào đi, cô Tư cũng rủ thêm nghệ sĩ Lệ Thủy- một người bạn cũng mê làm việc nghĩa. Ngoài góp chút ít tấm lòng, nghệ sĩ Lệ Thủy còn hát tặng bà con mấy bài, khiến ai nấy đều mát dạ…

Dịp cận Tết Giáp Thìn, tôi có dịp về Mỹ Tho, nên nhờ anh Thanh- chuyên viên Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Tiền Giang) xin cô Tư Ánh chút thời gian để chuyện trò. Trong gian phòng giản dị tại trụ sở Công ty CP Thủy sản Sông Tiền, cô Tư nhẹ nhàng: “Biết chuyện gì để nói với nhà báo bây giờ?”. Câu nói của cô Tư khiến cả tôi và anh Thanh đều cười.

Vào dịp Tết này, dù đã bước sang tuổi bát thập, nhưng trông cô Tư Ánh rất mạnh khỏe, không chỉ qua cách đi đứng, mà còn qua cách nói cười. “Qua Tết Dương lịch là chị được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng nè em”- cô Tư Ánh khoe với tôi và anh Thanh.

Hóa ra, cô Tư Ánh tham gia hoạt động cách mạng hồi 17 tuổi. Hai năm sau (1964), cô được kết nạp Đảng. Trong chiến tranh, cô Tư hoạt động trên địa bàn nhiều xã. “Đi đứng lung tung cả mà không được bà con dẫn đường, đùm bọc, chở che thì nhiệm vụ sao hoàn thành, chưa nói là cái mạng này chắc gì đã giữ được, nên chị nhớ ơn bà con lắm”- cô Tư Ánh trải lòng. Thì ra là vậy, tôi bắt đầu thấy mối liên hệ nhân quả của việc trao tặng niềm vui an sinh mà cô Tư đang tích cực thực hiện.

Mặc dù cô Tư xưng là chị lúc trò chuyện, nhưng tôi và anh Thanh đều gọi là cô. Sau năm 1975, cô Tư lo công tác phụ nữ rồi chuyển làm kinh tế thủy sản (DNNN), đến năm 1994 thì về hưu và lập DN riêng tới nay. Từ lúc tham gia cách mạng năm 17 tuổi tới giờ, cô Tư Ánh vẫn mải nhiệm vụ mà quên cả hạnh phúc riêng tư. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô Tư bật mí thêm lý do: “Nhờ sự nghiệp cách mạng mà bản thân được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện. So với bà con xung quanh thì mình có công việc, cuộc sống... tròn trịa hơn. Nhưng ngẫm lại, nếu không có sự nghiệp cách mạng, thì chị đâu được như ngày hôm nay, không có bà con năm xưa bao bọc thì chị cũng đâu có ngày hôm nay. Bởi vậy, lâu nay chị vẫn xác định “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, vẫn tìm về vùng đất xưa hoạt động cách mạng để báo đáp ân tình...”.

Trở lại câu chuyện trao tặng niềm vui an sinh mang tên “thẻ BHYT”, cô Tư Ánh nói rằng, tặng quà gì bà con cũng vui, song tặng thẻ BHYT thì bà con thích hơn, bởi giá trị mà tấm thẻ BHYT mang lại không kể sao cho xiết. “Mà bà con thích, bà con vui làm mình vui lây, hạnh phúc theo”- cô Tư cười bảo. Tôi hỏi cô Tư dự tính sau Tết Giáp Thìn có tiếp tục trao tặng thẻ BHYT tới bà con? Dừng một chút, cô Tư chậm rãi bảo: Tình hình làm ăn có khởi sắc hơn hay không vẫn chưa thể nói trước. Có điều, vẫn còn mấy nơi mà chị chưa tới được để báo đáp ân tình trong thời hoạt động cách mạng. Cho nên, kiểu gì thì kiểu, chị vẫn gắng lo thẻ BHYT phụ bà con…”.

Mấy năm nay, niềm vui an sinh ở Tiền Giang rộ nở khi ngày càng nhiều tấm lòng như cô Tư Ánh chung tay góp sức tặng thẻ BHYT. Tính riêng trong năm 2023, thông qua BHXH tỉnh, MTTQ và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, nhiều tấm lòng hảo tâm đã đóng góp trên 1 tỷ đồng để cùng lo việc nghĩa này. Ở Tiền Giang, nhiều người biết đến anh Võ Khánh Bình- Giám đốc BHXH tỉnh, không chỉ trong vai trò người đứng đầu cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở địa phương, mà còn là “đầu mối” kiến tạo niềm vui an sinh cho bà con.

Theo lời anh Võ Khánh Bình, cách đây 4 năm, khi về nhận công tác ở Tiền Giang, hôm đầu tiên vào gặp Bí thư Tỉnh ủy để báo cáo nhận nhiệm vụ, anh đã thấy ấn tượng về mảnh đất này. “Bí thư thấy 2 người BHXH vào thì cười chào và nói “2 đứa chờ anh chút nghen”. Vài phút sau, anh mang ra 2 bao lì xì Tết, nói dư âm Tết vẫn còn, anh lì xì để lấy may mắn đầu năm, ráng chu toàn bổn phận được giao, làm gì tốt cho người dân thì ráng làm... Mình còn nhớ lúc đó giữa tháng 2/2020, bao lì xì đó tới giờ mình vẫn còn giữ…”- anh Bình kể lại.

Và rồi, chẳng mấy chốc, anh Võ Khánh Bình- người đàn ông xứ Nghệ đã trở thành người sông Tiền, đã trở thành Hai Bình theo cách gọi thân thương miệt Tây Nam bộ. Đó cũng là lúc anh bắt đầu mang niềm vui an sinh đến bà con có hoàn cảnh khó khăn. “Em à, phải chắt chiu từng giọt phước, đời người sẽ thêm phần an yên”- câu nói này của anh Hai Bình khiến chúng tôi cảm nhận rõ tình yêu với mảnh đất này của anh. “Một chim én không làm nên mùa Xuân đâu nhà báo ơi. Ở miệt sông Tiền mà mình đã xem như quê hương thứ hai này, phải rất nhiều người có lòng nhân nghĩa, nhân ái, đồng cảm với người yếu thế, thì chuyện tặng thẻ BHYT mới nhanh chóng lan rộng được”- anh Hai Bình trải lòng.

Bài: Thanh Giang

Đồ họa: Hiểu Thanh