BHXH toàn dân: Từ Nghị quyết đến thực tiễn
Theo Nghị định số 218-CP ngày 27/12/1961 của Hội đồng Chính phủ, chính sách BHXH chính thức được thực hiện ở nước ta từ năm 1962. Theo đó, Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH được ban hành, áp dụng với CNVC Nhà nước, với các chế độ bao gồm: hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản và TNLĐ. NSNN chịu trách nhiệm chi trả các chế độ này.
Trong bối cảnh Đổi mới và hội nhập quốc tế, với sự phát triển đa dạng của nền kinh tế nhiều thành phần, chính sách BHXH đã dần được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hơn, áp dụng cho NLĐ thuộc các thành phần kinh tế khác chứ không chỉ dừng lại với riêng lao động trong khu vực Nhà nước.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991) đã đề ra mục tiêu "thiết lập một hệ thống đồng bộ và đa dạng về bảo hiểm và trợ cấp xã hội...". Cương lĩnh này tiếp tục được bổ sung và phát triển vào năm 2011, với quan điểm "Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách", nhấn mạnh mục tiêu "Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội".
Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH nêu rõ “BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước góp phần đảm bảo ổn định đời sống cho NLĐ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc”.
Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 tiếp tục khẳng định quan điểm: BHXH và BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội.
Các định hướng trên đã được cụ thể hóa trong các văn bản luật, nhất là Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014. Cùng với quá trình triển khai thực hiện luật này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã có những chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (tháng 5/2018) đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch. Nghị quyết này cũng xác định những mục tiêu cụ thể, 11 nội dung cải cách căn bản và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện.
Mục tiêu BHXH toàn dân tiếp tục được đề cập trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định rõ định hướng: Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân.
Các bước phát triển về lý luận BHXH cũng như việc thực hiện chính sách BHXH theo định hướng BHXH toàn dân cũng đã và đang từng bước được cụ thể hóa. Theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, tháng 5 hằng năm được lấy là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.
Trên thực tế, các quy định như: mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến những người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1-3 tháng, những NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; thực hiện đa dạng mức đóng và phương thức đóng góp, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện… dần phát huy hiệu quả thực tế. Điều này thể hiện rõ qua số người tham gia BHXH tăng dần qua các năm: từ 13,06 triệu người tham gia năm 2016, tăng lên 18,259 triệu người năm 2023 (tăng trên 40% so với năm 2016), đạt khoảng 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh, từ khoảng 0,2 triệu người tham gia năm 2016, tăng lên gần 1,83 triệu người năm 2023 (tăng gấp hơn 9 lần), chiếm khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW (mục tiêu đặt ra là: nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp với việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH thể hiện ngày càng rõ nét. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố với 100% các xã (10.595 xã) thành lập BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT; 46/63 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 60/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, 62/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT.
Hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH không chỉ nằm ở sự gia tăng số người tham gia, mà quan trọng hơn là quyền lợi hưởng các chế độ BHXH của người tham gia luôn được đảm bảo và mở rộng. Cả nước hiện có 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Bình quân mỗi năm có khoảng 10 -11 triệu lượt người hưởng các chế độ ngắn hạn như: ốm đau, thai sản, TNLĐ, dưỡng sức phục hồi sức khỏe… Với kết quả này, chính sách BHXH đã và đang phát huy giá trị thực tiễn, là cơ chế để bù đắp thu nhập cho NLĐ khi hết tuổi lao động, nghỉ sinh, nuôi con nhỏ hoặc gặp rủi ro như ốm đau, TNLĐ…
Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các nhu cầu đảm bảo an sinh của NLĐ cũng ngày một lớn hơn, toàn diện hơn, đòi hỏi chính sách, pháp luật BHXH phải tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh đó, các định hướng cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW cần được cụ thể hóa, đặc biệt là cần được luật hóa để đảm bảo đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Quá trình sửa Luật BHXH 2014 hiện đang được Chính phủ, Quốc hội triển khai tích cực, với những định hướng lớn như: mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, hạn chế BHXH một lần; thực hiện tầng trợ cấp hưu trí xã hội; điều chỉnh quy định về số năm đóng BHXH để đủ điều kiện nhận lương hưu; các quy định về quản lý thu; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện…
Đây là những nội dung khó, phức tạp, có sự tác động ảnh hưởng lớn đến số đông NLĐ trong cả thời gian đang làm việc cũng như khi đã hết tuổi lao động. Từng vấn đề đang được nghiên cứu thận trọng, đảm bảo theo sát định hướng của Đảng về phát triển BHXH, đặc biệt là hướng tới mục tiêu đã được nêu trong Nghị quyết 28-NQ/TW: cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Bài: Minh Đức
Đồ hoạ: Hiểu Thanh