“Cảm hứng” trong điều trị bệnh gút
GS.Thomas Bardin- Viện sĩ Viện Hàn lâm Y khoa Pháp, chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh gút, mới đây đã trả lời phóng viên Tạp chí BHXH về đóng góp thực tế vào nền y khoa Pháp và thế giới qua chương trình hợp tác nghiên cứu nhiều năm với Viện Gút ở TP.HCM.
Theo đó, hơn thập kỷ gắn kết với Viện Gút để tiến hành nghiên cứu lâm sàng hàng nghìn ca gút nặng, có người mắc bệnh tới 20 năm và được điều trị khỏi hẳn, cả GS.Thomas Bardin và ông Nguyễn Đình Quang- lãnh đạo Viện Gút đã gặt hái nhiều thành tựu.
GS.Thomas Bardin chia sẻ thông tin tại sự kiện hợp tác y khoa Pháp-Việt do Viện Gút tổ chức
Trước tiên, đó là mối liên kết giữa GS.Thomas Bardin và ông Quang, cùng hàng nghìn bệnh nhân gút nặng ở Việt Nam đã tạo cảm hứng hình thành mối liên kết rộng lớn hơn: Hợp tác nghiên cứu về bệnh gút giữa Viện Gút với Trường ĐH Y dược TP.HCM và Trường ĐH Paris 7 (nay là Trường ĐH Paris Cité).
Thứ đến là, 7 năm vào cuộc của hai trường ĐH từ Pháp và Việt Nam, cùng với hàng thập kỷ nghiên cứu lâm sàng của GS.Thomas Bardin với Viện Gút, đã đóng góp không ít sự thay đổi cho y học thế giới thông qua nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học trình bày tại các diễn đàn uy tín (EULAR, ACR...).
Theo GS.Thomas Bardin, bằng chứng lâm sàng được nghiên cứu liên tục tại Viện Gút cho thấy, nếu được áp dụng mô hình tiếp cận điều trị biến chứng nặng và vòng xoắn bệnh lý phức tạp ở giai đoạn nặng của nhiều bệnh kèm theo, bệnh gút hoàn toàn được chữa khỏi; đồng thời khẳng định việc giúp thế giới chữa khỏi bệnh gút là điều hết sức quan trọng.
Đóng góp tiếp theo là dữ liệu theo dõi kết quả X-quang bệnh nhân gút một cách liên tục trong hơn thập kỷ rưỡi. Theo GS.Thomas Bardin, một công trình nghiên cứu về bệnh gút được thực hiện ở New Zealand trước đây chỉ phục vụ mục tiêu tiếp cận ở khía cạnh tầm soát, dự phòng. Còn kết quả nghiên cứu hình ảnh X-quang ở Viện Gút giúp nhìn ra quá trình hồi phục hoàn toàn của bệnh nhân gút trong suốt quá trình điều trị.
Và, đóng góp cuối cùng, theo GS.Thomas Bardin, kể từ khi Châu Âu và Mỹ tìm ra thuốc hạ nồng độ axit uric, thì giới y khoa thế giới xem gút là bệnh lý nhẹ, không cần quan tâm nhiều nữa. Song, thực tế cho thấy, góc nhìn đó không đúng với toàn thế giới và cần được thay đổi nhanh chóng. “Chúng tôi đã làm được điều đó, là thay đổi góc nhìn của giới y khoa về bệnh gút”- GS.Thomas Bardin chia sẻ.
Viện Gút kỷ niệm 17 năm thành lập và 7 năm hợp tác với 2 trường ĐH Pháp và Việt Nam. Và, đây là dịp để GS.Thomas Bardin cùng nhiều chuyên gia về bệnh gút tới Viện Gút để mục sở thị, nghiên cứu các ca bệnh gút nặng.
Trong niềm vui của nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, cũng có một câu hỏi khá hóc búa: Vì sao cả Châu Âu và Mỹ không còn tìm thấy bệnh nhân gút nặng, nhưng lại thấy nhiều ở Việt Nam? Trong khi Việt Nam không thiếu thuốc hạ nồng độ axit uric. Qua đó cho thấy, ngành Y tế rất cần lưu tâm vấn đề tầm soát phát hiện bệnh sớm như cảnh báo của chuyên gia, tránh tình trạng bình chân như vại.
Thanh Giang