Print

“Nghịch lý” sử dụng thuốc, vật tư y tế trong KCB BHYT

Thứ Hai, 19 /08/2024 10:20

Theo quy định về danh mục đấu thầu thuốc, và mới nhất là Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở KCB công lập (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5/2024), UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giao nhiệm vụ mua sắp tập trung tại địa phương với các thuốc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương (ngoài danh mục thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia); thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; thuốc cần mua với số lượng ít để bảo đảm đủ thuốc phục vụ nhu cầu KCB theo quy định tại Khoản 1, Điều 53 của Luật Đấu thầu.

Kết quả đấu thầu này là điều kiện cần thiết để kịp thời cung ứng thuốc cho hoạt động KCB tại các cơ sở KCB tại địa phương. Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, vẫn có 14 tỉnh đã hết hạn hiệu lực gói thầu cung ứng thuốc, nhưng chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT) gói thầu mới. Về hình thức đấu thầu, hiện tại có 44 tỉnh tổ chức đấu thầu tập trung tất cả các mặt hàng; 19 tỉnh chỉ đấu thầu tập trung 129 mặt hàng theo Thông tư số 15/2019/TT-BYT, các thuốc còn lại do cơ sở KCB tự tổ chức đấu thầu...

Trong khi đó, theo số liệu các cơ sở KCB đề nghị quyết toán (ghi nhận trên Hệ thống giám sát của BHXH Việt Nam), tại 63 tỉnh, thành phố (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân), thì số chi cho thuốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng chi 6 tháng đầu năm 2024, với 25.235 tỷ đồng- tương ứng 38%. So với 6 tháng đầu năm 2023, chi phí thuốc của 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 2.580 tỷ đồng, trong khi chi phí cho ngày giường bệnh tăng gần 1.995 tỷ đồng, còn các yếu tố chi phí còn lại (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ kỹ thuật, VTYT) đều tăng hơn 1.000 tỷ đồng…

Chỉ ra một số bất hợp lý trong sử dụng thuốc, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng cho biết, tại nhiều địa phương đã và đang có tình trạng sử dụng thuốc có giá trúng thầu cao, bất hợp lý với chi phí sử dụng và thanh toán lớn. Bất hợp lý trong giá thuốc được thể hiện ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu (LCNT) đến kết quả trúng thầu. Cụ thể, phân tích kết quả LCNT của một địa phương được phê duyệt ngày 29/12/2023 cho thấy, ngay từ xây dựng kế hoạch LCNT, đã có sự chưa hợp lý giữa các nhóm thuốc, các hàm lượng.

Ví dụ, với hoạt chất Ceftriaxon 2g (nhóm 1) có giá trúng thầu 56.000 đồng/lọ; trong khi hàm lượng 1g (nhóm 1) có dải giá trúng thầu cả nước năm 2023 từ 14.000-17.000 đồng/lọ. Hay với hoạt chất Cefotiam 500mg (tiêm, nhóm 4) có giá trúng thầu 43.500 đồng/lọ, hàm lượng 2g (tiêm, nhóm 4) có giá trúng thầu 93.890 đồng/lọ, trong khi hàm lượng 1g (nhóm 4) có dải giá trúng thầu cả nước năm 2023 từ 23.000-25.000 đồng/lọ... Có những loại thuốc giá kế hoạch không phù hợp giữa các hàm lượng và nhóm như: Hoạt chất Bisoprolol + Hydroclorothiazid 5mg + 12,5mg (uống, nhóm 1) có giá kế hoạch là 2.394 đồng/viên, nhưng với hàm lượng 5mg + 6,25mg (uống, nhóm 2) có giá kế hoạch cao hơn với 2.652 đồng/viên...

Trong sử dụng thuốc, một số tỉnh vẫn còn tình trạng lựa chọn sử dụng thuốc có giá trúng thầu cao bất hợp lý, với chi phí sử dụng và thanh toán lớn. Cụ thể, có nhiều thuốc trúng thầu có giá chênh lệch bất hợp lý giữa các hàm lượng như: Hoạt chất Ceftazidim 3g (tiêm, nhóm 4) có giá trúng thầu 88.000 đồng/lọ, trong khi hàm lượng 1g cùng nhóm có giá trúng thầu 9.400 đồng/lọ (hàm lượng cao hơn 3 lần, giá cao hơn 9 lần). Hoạt chất Losartan + Hydroclorothiazid 100mg + 25mg (viên, uống, nhóm 4) có giá trúng thầu 2.350 đồng/viên, trong khi hàm lượng 50mg + 12,5mg (viên, uống, nhóm 4) có giá trúng thầu 395 đồng/viên (hàm lượng cao hơn 2 lần, giá cao hơn 6 lần). Hoạt chất Terbutalin 1mg/ml (tiêm, lọ, nhóm 4) có giá trúng thầu 19.950 đồng/lọ. Trong khi hàm lượng 0.5mg/ml (tiêm, ống, nhóm 4) có giá trúng thầu 4.830 đồng/ống (hàm lượng cao hơn 2 lần, giá cao hơn 4 lần). Hoạt chất Atorvastatin 40mg (viên nén bao phim, uống, nhóm 1) có giá trúng thầu 10.500 đồng/viên, trong khi hàm lượng 20mg (viên nén bao phim, uống, nhóm 1) có giá trúng thầu 1.550 đồng/viên (hàm lượng cao hơn 2 lần, giá cao hơn xấp xỉ 7 lần)...

Không ít trường hợp “nghịch lý”, khi thuốc có hàm lượng thấp hơn lại có giá trúng thầu cao hơn thuốc hàm lượng cao hơn, như: Hoạt chất Pravastatin 20mg (viên, uống, nhóm 4) có giá trúng thầu 882 đồng/viên, trong khi hàm lượng 5mg (viên, uống, nhóm 4) có giá trúng thầu 1.260 đồng/viên; hoạt chất Vitamin C 100mg/5ml (ống, uống, nhóm 4) có giá trúng thầu 2.350 đồng/ống, trong khi hàm lượng 500mg/5ml (ống, uống, nhóm 4) có giá trúng thầu 1.103 đồng/ống...

Riêng với sử dụng biệt dược gốc (BDG), trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ sử dụng thuốc BDG/tổng chi thuốc tân dược là 24,6% (giảm 0,4% so với năm 2023). Tuy nhiên, tại một số tỉnh và cơ sở KCB, tỷ lệ sử dụng thuốc BDG so với tổng chi thuốc tân dược trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so năm 2023: Nam Định tăng 10,2%; Đà Nẵng tăng 8,3%; Lạng Sơn tăng 5,2%; Hà Nam tăng 3,4%... Tỷ lệ sử dụng thuốc hỗ trợ trong điều trị Vitamin, khoáng chất và sử dụng chế phẩm y học cổ truyền 6 tháng năm 2024 đều giảm tương ứng 0,1% và 0,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vẫn có những tỉnh có tỷ lệ sử dụng thuốc hỗ trợ trong điều trị Vitamin và khoáng chất, tỷ lệ sử dụng chế phẩm y học cổ truyền so tổng chi thuốc tân dược 6 tháng năm 2024 cao hơn gấp đôi so với bình quân chung toàn quốc…

Trong thời gian qua, một số tỉnh còn sử dụng thuốc không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (như thuốc Tenofovir alafenamide). Do đó, BHXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị BHXH các tỉnh rà soát, từ chối thanh toán và thu hồi về quỹ BHYT.

Báo cáo tổng hợp của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, một số địa phương có số chi VTYT tăng nhiều so với 6 tháng đầu năm 2023 như: Hà Nội tăng 374,7 tỷ đồng; TP.HCM tăng 172,4 tỷ đồng; Đà Nẵng tăng 100,4 tỷ đồng; Cần Thơ tăng 100,2 tỷ đồng; Phú Thọ tăng 76,1 tỷ đồng; Hải Phòng tăng 47,5 tỷ đồng… Đặc biệt, một số tỉnh có chi phí VTYT tăng gấp 3 hoặc gấp đôi chi phí 6 tháng đầu năm 2023 như: Phú Thọ, Phú Yên, Bắc Giang, Tiền Giang...

Lý giải nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng này, báo cáo nhanh của BHXH các địa phương này cho biết, từ quý III/2023 đến nay, tình trạng thiếu và VTYT đã được khắc phục, các dịch vụ kỹ thuật sử dụng VTYT thay thế như khớp háng, stent... được thực hiện tăng lên. Do đó, chi VTYT 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 (thời điểm xảy ra tình trạng thiếu nhiều VTYT tại các KCB). Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng được BHXH các địa phương phản ánh, đó là vẫn còn tình trạng chênh lệch khá lớn giá trúng thầu cùng loại VTYT giữa các cơ sở KCB và các địa phương.

Từ tháng 4/2024, BHXH Việt Nam đã có công văn thông báo giá một số loại VTYT, trong đó giá một số loại VTYT đấu thầu năm 2023 tại một số cơ sở KCB trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Phú Thọ, Cần Thơ... cao hơn tại một số địa phương khác. Thống kê cho thấy, có sự chênh lệch khá lớn giá trúng thầu cùng loại VTYT giữa các cơ sở KCB và các địa phương. Cụ thể như: Van tim sinh học kèm ống động mạch phổi CONTEGRA™ (hãng Medtronic Heart Valves Division/Mỹ) có giá trúng thầu tại BV Tim Tâm Đức TP.HCM, BV 103 Hà Nội là 93,5 triệu đồng; tại Trung tâm Tim mạch (BV E) là 91,7 triệu đồng; tại BV Nhi Đồng TP.HCM là 80 triệu đồng; tại BV TP.Thủ Đức là 72 triệu đồng.

Giá đỡ (stent) chuyên dụng chỉ định dùng trong can thiệp đường mật- Gate Biliary Stent (hãng Mediwood Co/Hàn Quốc): Tại BVĐK Phú Thọ là 23 triệu đồng, tại BV Chợ Rẫy là 20,5 triệu đồng; tại BV TP.Thủ Đức là 20 triệu đồng; tại BV Đại học Y Hà Nội là 18,7 triệu đồng.

Bộ khớp gối toàn phần có xi Mobio với lót đệm mâm chày Vitamin E (hãng B-one/Mỹ): Tại BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, BV Thống Nhất là 62 triệu đồng; tại BV quận 11 (TP.HCM) là 60,5 triệu đồng; tại BVĐK Thanh Vũ Medic Bạc Liêu là 59,5 triệu đồng; tại BV Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, BV Đại học Y Dược TP.HCM là 58,5 triệu đồng; tại BV Chấn thương chỉnh hình, BV Quân y 7AB, BV Nguyễn Tri Phương là 55 triệu đồng; tại BVĐK Mỹ Phước Bình Dương là 52,5 triệu đồng.

Bộ Máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng SPHERA SR có đáp ứng, SureScan MRI và phụ kiện chuẩn hãng Medtronic/Singapore: Tại BV 103 Hà Nội là 52,5 triệu đồng; BV 354 là 52,4 triệu đồng; BVĐK tỉnh Thái Bình, Hà Giang, Tiền Giang, Nghệ An, Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng là 50 triệu đồng; tại BVĐK Trung ương Huế là 45 triệu đồng...

Trước đó, từ năm 2023, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 2293/BHXH-CSYT (ngày 27/7/2023) và Công văn số 3712/BHXH-CSYT (ngày 7/11/2023) thông báo giá một số loại VTYT. Sau đó, BHXH một số tỉnh (TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Yên Bái...) đã phối hợp với cơ sở KCB đề nghị thương thảo giảm giá một số loại VTYT. Tuy nhiên, hầu như các công ty không giảm hoặc có giảm cũng không đáng kể. Mức giá VTYT sử dụng tại các cơ sở KCB trong các tháng đầu năm 2024 vẫn có sự chênh lệch lớn.

Ví dụ, chỉ với riêng giá Van tim cơ học động mạch chủ Regent Mechanical Heart Valve của hãng St. Jude Medical (Mỹ): Tại Trung tâm Tim mạch (BV E), BV Tim Hà Nội có giá 30,36 triệu đồng; BVĐK tỉnh Đồng Nai có giá 27 triệu đồng... Hay Khung giá đỡ (stent) động mạch ngoại vi tự bung Supera của hãng Abbott Vascular (Mỹ): Tại BVĐK Xuyên Á TP.HCM có giá 31 triệu đồng; BV Bạch Mai có giá 30,4 triệu đồng; BV Tim Hà Nội, BVĐK khu vực Thủ Đức có giá 29 triệu đồng, BV Chợ Rẫy có giá 20 triệu đồng...

Nhằm đảm bảo cung ứng thuốc cho hoạt động KCB, BHXH Việt Nam cũng tham gia thẩm định gói thầu mua sắm tập trung quốc gia 2024-2026 theo Thông tư số 07/2024/TT-BYT và gói thầu thuốc ARV đấu thầu tập trung, đàm phán giá 2024-2026 theo đề nghị của Bộ Y tế. BHXH Việt Nam cũng tham gia với Hội đồng đàm phán giá thực hiện đàm phán thành công thuốc kháng HIV điều trị HIV/AIDS (thuốc Acriptega (TLD) từ giá thuốc 4.625,26 đồng/viên xuống 3.945 đồng/viên, giảm gần 15% so với giá thuốc trước đàm phán giá, tiết kiệm chi phí gần 9,86 tỷ đồng so với giá gói thầu (Quyết định số 1638/QĐ-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế phê duyệt kết quả LCNT đối với thuốc Acriptega). Hội đồng đàm phán giá thuốc đang trong quá trình thực hiện đàm phán giá đối với 86 thuốc biệt dược gốc và sinh phẩm tham chiếu cho giai đoạn 2024-2026.

Tại cấp địa phương, BHXH các tỉnh cũng đã tham gia với Sở Y tế thẩm định nhu cầu sử dụng của các cơ sở KCB đối với thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc áp dụng đàm phán giá. Phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đấu thầu tập trung tất cả các mặt hàng thuốc theo quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT như: Hải Dương đang trình UBND tỉnh phê duyệt chuyển đấu thầu 129 mặt hàng sang đấu thầu toàn bộ mặt hàng thuốc theo Thông tư số 07/2024/TT-BYT...

Theo quy định của pháp luật BHYT, các cơ sở KCB phải có trách nhiệm cung ứng đầy đủ thuốc, VTYT cho người bệnh trong quá trình điều trị. Do đó, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế giải quyết vướng mắc trong đấu thầu, thanh toán thuốc, không để xảy ra tình trạng người bệnh phải tự mua các thuốc thuộc phạm vi BHYT chi trả, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT. Đặc biệt, chỉ đạo BHXH các tỉnh rà soát, cảnh báo chi phí thuốc tăng cao theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP và Công văn số 1040/BHXH-CSYT của BHXH Việt Nam.

Chia sẻ một số bất cập, khó khăn trong kiểm soát, quản lý chi phí VTYT, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra rằng, hiện hệ thống các văn bản về quản lý, thanh toán VTYT chưa được đầy đủ, chưa có thông tư hướng dẫn riêng về đấu thầu VTYT. Đồng thời, khái niệm VTYT hiện chưa có quy định rõ ràng. Cụ thể, theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, thì VTYT đang được gọi là “thiết bị y tế”, cùng với các loại thiết bị y tế (máy) dùng để thực hiện dịch vụ kỹ thuật (máy siêu âm, XQ...). Trong khi danh mục VTYT sử dụng trong KCB BHYT tại Thông tư số 04/2017/TT-BYT gồm các loại VTYT tiêu hao, VTYT thay thế nhân tạo, vật liệu thay thế, vật liệu cấy ghép, dụng cụ chuyên môn... Do đó, BHXH Việt Nam cho rằng, rất cần có khái niệm riêng về VTYT để phân biệt với các loại trang thiết bị y tế (là các máy dùng để thực hiện dịch vụ kỹ thuật như máy siêu âm, XQ...).

Nỗ lực phối hợp với ngành Y tế, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và VTYT, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố về công tác đấu thầu thuốc, VTYT tập trung (yêu cầu số lượng thuốc đưa vào đấu thầu ít nhất từ 129 hoạt chất trở lên theo quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BYT), không để tình trạng thiếu thuốc, VTYT ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT.

Yêu cầu BHXH các địa phương tham gia vào quá trình thẩm định kế hoạch LCNT đối với mua sắm tập trung thuốc và đàm phán giá theo quy định. Đồng thời, đề nghị BHXH các tỉnh nhận được kết quả trúng thầu thuốc, VTYT của cơ sở KCB BHYT, cần rà soát việc lựa chọn danh mục thuốc, VTYT của cơ sở KCB; thực hiện so sánh giá thuốc, VTYT trúng thầu của cơ sở với kết quả trúng thầu trên toàn quốc để kịp thời cảnh báo bằng văn bản đối với giá thuốc, VTYT chưa hợp lý gửi tới cơ sở KCB, Sở Y tế và đơn vị tổ chức mua sắm, đấu thầu; đồng thời đề nghị cơ sở KCB có giải pháp mua sắm, sử dụng đảm bảo hợp lý, tiết kiệm...

Đặc biệt, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số liệu chi KCB BHYT trên Hệ thống giám sát và ước chi chăm sóc sức khỏe ban đầu, thanh toán trực tiếp cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã ước chi 51% dự toán năm (theo số dự toán đã trình Thủ tướng Chính phủ), một số địa phương đã sử dụng ước khoảng 55-60% dự toán của cả năm. Trong khi đó, theo ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, với các tỉnh có số chi 6 tháng đầu năm đã chiếm từ 48% dự toán, thì khả năng cả năm 2024 vượt dự toán rất cao- nếu không có các biện pháp kiểm soát chi phí mạnh mẽ và quyết liệt…

Cũng theo ông Phúc, trong bối cảnh chi phí thuốc và VTYT vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi KCB BHYT, việc nâng cao hiệu quả quản lý chi phí thuốc BHYT là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của riêng ngành BHXH Việt Nam, mà còn là trách nhiệm của ngành Y tế và chính quyền các địa phương.

Bài: Mộc Miên

Đồ họa: Thanh An