Đông Hiệp- Ngọn cờ đầu an sinh
Những năm qua, ông Phạm Văn Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiệp luôn đau đáu mong mỏi giúp nhiều bà con trên địa bàn có cơ hội được hưởng lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện. Sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại Đông Hiệp, nay ông Thảo vừa đại diện cho chính quyền ở cấp gần dân nhất, vừa giữ vai trò Phó Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã. Với tinh thần trách nhiệm trước cuộc sống an sinh trên địa bàn, ông Thảo luôn mong muốn bà con xung quanh mình ai cũng có đời sống an yên, có điều kiện để chăm lo cho tuổi già.
Những năm qua, nhiều gia đình ở Đông Hiệp cho con gái lấy chồng nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan...). Với chức trách quản lý của mình, ông Thảo nắm chắc danh sách từng hộ gia đình có con gái lấy chồng nước ngoài và thường xuyên tới thăm hỏi, động viên gia đình. Trong những cuộc trò chuyện, ông Thảo luôn đề cập tới các bậc cha mẹ việc lo dưỡng già.
Theo ông Thảo, tầm tuổi của cha mẹ các cô gái lấy chồng nước ngoài ở Đông Hiệp dao động trong khoảng 45-55, nên gợi ý họ tham gia BHXH tự nguyện rất phù hợp. Đáng chú ý, đa phần cha mẹ các “cô dâu hải ngoại” khi nắm rõ về chính sách, nhất là sau này về già có tiền lương hưu thì sẽ nhẹ gánh lo cho con cái sau này, thì tỏ ra rất phấn chấn. Một số người cũng hiểu rõ, nếu không có lương hưu, sau này cao tuổi sẽ khó lo được cho bản thân.
Đáng chú ý, sau khi được tư vấn, một số người bảo “phải chờ hỏi ý con cái xem sao”. Nắm bắt tâm lý đó, ông Thảo đã chủ động xin số điện thoại của các “cô dâu hải ngoại” để kết nối, chuyện trò, động viên. “Trò chuyện qua Zalo với các em, mình thường tranh thủ thêm chút thời gian để nói qua cơ hội có tiền hưu trí của cha mẹ họ. Sau đó, hầu hết họ đều tỏ ý mừng và tán thành việc cha mẹ tham gia BHXH tự nguyện. Vậy là, thêm nhiều người Đông Hiệp tham gia lưới an sinh bằng nguồn kinh phí do con cái ở nước ngoài gửi về”- ông Thảo chia sẻ về bí quyết thành công.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng nằm gần UBND xã, đi bộ chỉ 5 phút là tới. Đây là hộ gia đình lâu nay làm ăn khấm khá có tiếng. Chị Hồng tánh tình vui vẻ, xởi lởi, nên khi nghe chúng tôi hỏi thăm về việc có còn duy trì tham gia BHXH tự nguyện cho cả gia đình hay không, thì chị cười tươi trả lời: “Tham gia đều à nghen. Cái này có ích quá mà. Với lại, không tham gia tiếp là ông Phó Chủ tịch rầy à...”.
Trước đó, ông Thảo từng chia sẻ với chị Hồng rằng, người khó còn tiết kiệm được tiền để lo lương hưu cho tuổi già, thì hà cớ gì mình khấm khá lại bỏ qua chuyện hay này. “BHXH tự nguyện giúp tất cả mọi người đều có tiền hưu trí, chứ không cần làm nhà nước hay làm công ty như trước kia”- ông Thảo thường nói với chị Hồng và bà con trong xã. Nghe vậy, chị Hồng quyết luôn 7 người trong nhà cùng tham gia BHXH tự nguyện.
Ở xã Đông Hiệp, chuyện tham gia BHXH tự nguyện để có tiền lương hưu nay đã trở thành nét đẹp trong cuộc sống. Điều này quả không ngoa, khi trong câu chuyện thường nhật, ngoài thăm hỏi nhau chuyện đồng áng, chăn nuôi, sức khỏe và gia đình, bà con ở Đông Hiệp còn hỏi thăm nhau “đã ráng lo tiền hưu trí khi về già chưa?”.
Cũng bởi vậy, mỗi năm BHXH huyện Cờ Đỏ thường treo giải thưởng 10 triệu đồng để chính quyền các xã trên địa bàn phấn đấu thực hiện sớm chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; và lần nào xã Đông Hiệp cũng giật giải. “Mới chia tiền thưởng đến các ấp đây, để mọi người thêm phấn khởi, thêm tinh thần dệt lưới an sinh”- ông Thảo chia sẻ về việc liên tục giật giải của xã.
Ở Đông Hiệp, để bà con có được động lực, ưu tiên tích cóp tiền để tham gia BHXH tự nguyện, phải kể đến là sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền xã, cũng như cách thức thiết lập lưới an sinh chặt chẽ, phù hợp. Theo đó, cả xã có 198 đảng viên. Đảng ủy xã đã có công văn đề nghị các đảng viên không chỉ tham gia dệt lưới an sinh với người thân của mình, mà cần tham gia dệt lưới an sinh trong cộng đồng.
Theo tính toán của chính quyền xã Đông Hiệp, mỗi ấp có từ 200 đến 300 hộ gia đình. Như vậy, tính ra mỗi đảng viên phụ trách dệt lưới an sinh từ 15 tới 20 hộ. Còn BCĐ có 25 người, phân công mỗi người phụ trách một khu vực hay một tuyến đường. Cho nên, ở xã Đông Hiệp, nhà nào đã tham gia lưới an sinh, đã tham gia bao nhiêu người, còn người nào chưa tham gia... đều được BCĐ nắm rõ. Cũng bởi vậy, khi cần liên hệ để vận động bất kỳ hộ gia đình nào, BCĐ cũng có ngay đầu mối và có thể kết nối với hộ gia đình ấy trong ít phút.
Nhờ lưới an sinh phủ kín địa bàn, nên lần nào BHXH huyện Cờ Đỏ phát động thi đua (vận động 100 người tham gia/tháng), thì hầu như xã Đông Hiệp đều về đích trước và giật giải. “Trên địa bàn xã, nhóm cộng đồng nào thuận vận động, thì chúng tôi tranh thủ tiếp cận trước, như bà con buôn bán nhỏ có đồng ra đồng vô; người gả con ra nước ngoài có nguồn lực kiều hối; người có nhiều đất ruộng canh tác... Bởi vậy, khi tiếp cận với các nhóm khác, chúng tôi thường có nhiều hình ảnh sinh động để minh chứng và sự tiếp sức vận động từ những người đã tham gia…”- ông Thảo chia sẻ thêm.
Theo ông Hồ Văn Sum- Giám đốc BHXH huyện Cờ Đỏ, năm 2024, xã Đông Hiệp được giao chỉ tiêu phát triển 503 người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng đến cuối tháng 6 đã vận động được 460 người tham gia. Theo dự kiến, vào cuối tháng 8 này, xã Đông Hiệp sẽ về đích chỉ tiêu năm 2024. Lâu nay, xã Đông Hiệp là ngọn cờ đầu của huyện Cờ Đỏ trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; còn trên phạm vi TP.Cần Thơ, huyện Cờ Đỏ lại là địa phương đứng đầu về chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Cũng theo ông Hồ Văn Sum, dự kiến đến tháng 9 hoặc tháng 10, huyện Cờ Đỏ sẽ đạt chỉ tiêu được BHXH TP.Cần Thơ giao. “Đạt chỉ tiêu được giao và đạt sớm luôn là nỗ lực của các BCĐ xã trên địa bàn huyện Cờ Đỏ. Trong đó, xã Đông Hiệp thường xuyên về đích sớm trong thực hiện những chỉ tiêu này. Nỗ lực của tất cả các BCĐ cấp xã sẽ giúp huyện Cờ Đỏ duy trì kết quả dệt lưới an sinh rất tích cực trong nhiều năm qua…”- ông Sum chia sẻ thêm.
Thực hiện: Thanh Giang
Trình bày: Hà Hùng