Print

BHXH tỉnh An Giang: 29 năm nỗ lực lo an sinh xã hội

Thứ Ba, 03 /09/2024 10:34

* PV: Xin ông điểm lại một số thành tựu nổi bật mà toàn hệ thống BHXH tỉnh An Giang đã đạt được trong thời gian qua?

- Ông Đặng Hồng Tuấn:

BHXH tỉnh An Giang được thành lập theo Quyết định số 124/QĐ-TCCB ngày 17/8/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Đến nay, hệ thống BHXH tỉnh đã phát triển ổn định, nhất là đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sử dụng và khai thác có hiệu quả các phần mềm; cũng như tăng cường cải cách TTHC và kỷ luật, kỷ cương công vụ.

Chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Số người tham gia BHYT tăng từ 144.754 người lên hơn 1,7 triệu người. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 30.435 người lên 121.667 người. Số người tham gia BHXH tự nguyện đến nay là 31.206 người. Số thu BHXH bắt buộc tăng gần 100,5 lần so với năm 1996; thu BHXH tự nguyện tăng 1.250 lần so với năm 2008… Mỗi năm, BHXH tỉnh An Giang giải quyết các chế độ BHXH cho 55.517 người với số tiền chi trả 1.942 tỷ đồng; chi KCB cho 4,1 triệu lượt người với số tiền hơn 1.733 tỷ đồng…

Những con số này chính là thành quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn hệ thống BHXH tỉnh, góp phần dệt nên “bức tranh an sinh” trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trải qua 29 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh An Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và vinh dự nhận được những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Cờ Thi đua của Chính phủ, 3 Cờ Thi đua của BHXH Việt Nam, 4 Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, 6 Bằng khen của UBND tỉnh An Giang và 7 danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc…

* Vậy, đâu là nguyên nhân giúp BHXH tỉnh An Giang có được thành quả này, thưa ông?

- Với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện chính sách, BHXH tỉnh An Giang đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, nhất là tham mưu đưa các chỉ tiêu vào Nghị quyết của HĐND và tham mưu kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan triển khai, lan tỏa chính sách; qua đó góp phần tạo niềm tin sâu sắc của toàn xã hội đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, triển khai ký kết các quy chế phối hợp, giám sát thực hiện chính sách, kết hợp đánh giá kết quả hoạt động và vinh danh, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Công tác truyền thông cũng được triển khai đồng bộ “từ sớm, từ xa”; sáng tạo, phù hợp đặc thù địa bàn, nhất là tạo các chiến dịch, điểm nhấn như: Ngày hội ra quân, chiến dịch ra quân, tháng cao điểm, chuyển đổi số… Cùng với đó, tăng cường ứng dụng CNTT và liên thông dữ liệu với các cơ quan liên quan; chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ; tích cực đồng hành cùng ngành Y tế đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Ngoài ra, triển khai đồng loạt các giải pháp thu hồi nợ; tăng cường thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử; chuyển đổi số toàn diện, hướng tới xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp vì sự hài lòng của người tham gia và hưởng BHXH, BHYT.

* Trong những năm qua, công tác cải cách TTHC là một trong những “điểm nhấn” đáng chú ý của BHXH tỉnh An Giang. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Thời gian qua, BHXH tỉnh An Giang triển khai thực hiện kế hoạch CCHC theo đúng lộ trình; đặc biệt luôn chú trọng tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC, như đề cao tính gương mẫu chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công vụ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ban ngành chủ động triển khai thực hiện, phấn đấu từng bước hoàn thành nhiệm vụ CCHC.

Đáng chú ý, BHXH tỉnh An Giang đã phối hợp với 14 sở, ban ngành tuyên truyền về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đồng thời tích cực cải cách TTHC theo phương châm “nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm”. Đơn cử: Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế và Công an tỉnh truyền thông, hướng dẫn 2 nhóm TTHC liên thông là “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”. Qua đó, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, giúp người dân nộp hồ sơ và trả kết quả thuận tiện nhất.

Hoạt động cải cách TTHC của BHXH tỉnh An Giang cũng gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân và DN, thể hiện rõ nhất ở việc sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng VNeID phục vụ người dân đi KCB BHYT. Đồng thời, tiếp tục triển khai rộng rãi các tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID; hoàn thiện và phát triển các phần mềm nghiệp vụ, các tiện ích mới để đáp ứng yêu cầu quản lý và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân, DN. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

* Phát huy thành quả đạt được, trong thời gian tới, BHXH tỉnh An Giang cần giải pháp nào để người dân, NLĐ được đảm bảo chăm sóc sức khỏe và thụ hưởng đầy đủ chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước?

- Theo tôi, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện cần tiếp tục cùng đồng hành, nỗ lực vào cuộc thực hiện các giải pháp đã đề ra như: Chủ động phối hợp tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả về phát triển bền vững số người tham gia BHXH, BHYT. Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng mô hình, tiêu chuẩn khóm, ấp về độ bao phủ BHYT.

Bên cạnh đó, phối hợp nâng cao chất lượng KCB và tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải tiến quy trình thanh toán BHYT để tạo thuận lợi cho người dân trong thụ hưởng chính sách BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ; ứng dụng CNTT, kết nối CSDL để thực hiện DVC trực tuyến trong giao dịch với cơ quan BHXH; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT và kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT.

Ngoài ra, tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ nhóm người yếu thế tham gia BHYT hoặc huy động nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ cho các nhóm như: Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; đồng bào DTTS đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn đã được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng; HSSV mới được hỗ trợ 30%; hộ nông-lâm-ngư nghiệp gặp khó khăn… Đồng thời, kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí tặng thẻ BHYT hoặc hỗ trợ một phần chi phí KCB cho người bệnh BHYT có chi phí điều trị lớn.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Phạm Thọ

Trình bày: Hà Hùng