Print

BHXH các địa phương: Học Bác để “Dân vận khéo”

Thứ Sáu, 06 /09/2024 08:46

Nghiên cứu bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, chúng ta càng thấm sâu những giá trị tư tưởng và những điều Bác nhắc nhở, căn dặn về công tác dân vận. Theo Bác, các bước của công tác dân vận là: Tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ; phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; khi thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích; khi thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm… Chỉ rõ những người làm công tác dân vận là tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân, Bác đã nêu 6 phẩm chất cần có, đó là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để dân tin và làm theo.

Ngày nay, trong bối cảnh có công cụ thông tin, truyền thông mạnh mẽ như mạng internet..., nhưng công tác dân vận vẫn rất cần sự sâu sát, lắng nghe, bàn bạc với dân. Theo đó, “Dân vận khéo” là phải sát dân, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của từng đối tượng, từng con người. Chính vì thế, việc triển khai công tác dân vận đối với công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, dân tộc, tôn giáo... có những điểm khác nhau, phải rất nhuyễn về cả nội dung và phương pháp.

Đặc biệt, Bác cũng nhấn mạnh, “Dân vận khéo” không thể chỉ là một chiều từ trên xuống, mà là hai chiều. Phải lắng nghe, phản hồi, đối thoại, khuyến khích sự đóng góp ý kiến, sáng kiến của dân. “Dân vận khéo” phải chia sẻ được nỗi niềm, bức xúc của dân, động viên sức dân, góp thành lực lượng toàn dân thực hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh...

Thời gian qua, BHXH nhiều địa phương đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt, chú trọng giúp người dân dễ dàng tiếp cận chính sách theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Điển hình như, từ năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh Trà Vinh đã xây dựng và duy trì mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền CBVC tích cực tham gia và thực hiện tốt cải cách TTHC về BHXH, BHYT”, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tạo động lực cho tất cả CBVC thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo đó, chất lượng cải cách TTHC được nâng dần qua các năm; các quy trình bảo đảm đơn giản, công khai, đúng luật, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch, nên đã tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, 100% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn; giao dịch điện tử được triển khai trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của đơn vị. Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối 100% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến tuyến Trung ương trên phạm vi toàn quốc…

Điểm nhấn trong thực hiện mô hình dân vận khéo của BHXH tỉnh Trà Vinh là vai trò nêu gương của đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt trong đơn vị, từ đó tác động trực tiếp đến đội ngũ CBVC làm nhiệm vụ chuyên môn. Trên cơ sở đó, từng CBVC luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng đơn vị hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình dân vận khéo, bà Nguyễn Thị Đan Thương- Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh cho biết, việc triển khai mô hình này đã được toàn thể cán bộ, đảng viên đồng thuận và tích cực tham gia, nên đạt được hiệu quả cao. Đáng chú ý, trong quá trình giải quyết TTHC, mọi người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm phục vụ người dân. “Công tác dân vận theo phong cách Hồ Chí Minh là trọng dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Đây cũng là kim chỉ nam để đội ngũ CBVC của BHXH tỉnh Trà Vinh quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mô hình này cũng đã được nhân rộng đến BHXH các huyện, thị xã, mang lại hiệu quả thiết thực”- bà Thương chia sẻ.

Trong khi đó, mô hình “Tổ dân phố điển hình phát triển BHXH tự nguyện” của BHXH quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) cũng được Quận ủy Thanh Khê ghi nhận và tặng Giấy khen về thành tích thực hiện mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2023. Theo ông Lê Lành- Phó Giám đốc BHXH quận Thanh Khê, năm 2023, BHXH quận triển khai có hiệu quả mô hình này và đạt kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, mô hình được triển khai từ ngày 3/4/2023, chỉ sau một thời gian ngắn đã thành lập được 28 Tổ dân phố điển hình.

Hiện nay, những Tổ dân phố điển hình này đã và đang phát triển người tham gia BHXH tự nguyện một cách rất hiệu quả. Điển hình như: Phường Vĩnh Trung và phường An Khê đang dẫn đầu với hàng trăm người tham gia BHXH tự nguyện… Nhờ làm tốt công tác tham mưu cho Quận ủy, UBND và BCĐ quận, đến nay quận Thanh Khê đã nhân rộng thêm 13 Tổ dân phố điển hình, qua đó vận động thêm 132 người tham gia BHXH tự nguyện (hầu hết các Tổ dân phố điển hình đều đạt và vượt so với tỷ lệ bình quân chung của thành phố).

Thông qua mô hình này, BHXH quận Thanh Khê và Ban điều hành các Tổ dân phố đã tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện. Qua đó, lan tỏa và giúp mọi người dân hiểu và tích cực đăng ký tham gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân. Đáng chú ý, hiệu quả của mô hình này rất rõ nét như: Đầu năm 2020, toàn quận chỉ có 524 người tham gia BHXH tự nguyện, đến cuối năm 2022 chỉ phát triển thêm được 36 người tham gia. Tuy nhiên, sau khi mô hình Tổ dân phố điển hình phát triển BHXH tự nguyện ra đời, chỉ sau 3 tháng đã có 1.092 người tham gia (tăng 195,3%). Đến đầu tháng 11/2023, toàn quận Thanh Khê đã tăng lên 3.956 người tham gia, đạt trên 101% kế hoạch được giao. Và, tính đến hết tháng 7/2024, toàn quận có 4.210 người tham gia, đạt 81,32% kế hoạch năm.

“Sự thành công trong phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của quận Thanh Khê phải kể đến sự tận tụy của các cấp lãnh đạo từ quận xuống tổ dân phố, đã không quản ngày đêm đem chính sách BHXH, BHYT đến với người dân thông qua công tác dân vận”- ông Lành chia sẻ. Cũng theo ông Lành, trong thời gian tới, BHXH quận Thanh Khê sẽ tiếp tục phát huy và vận dụng hiệu quả tư tưởng về công tác dân vận của Bác vào thực tế đơn vị, qua đó quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bài: Lê Văn

Đồ họa: Hiểu Thanh