An tâm học tập, thắp sáng ước mơ
Nhận thức được vai trò quan trọng của chính sách BHYT đối với HSSV, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân luôn quan tâm đến công tác này trong từng năm học.
Việc triển khai BHYT cho SV nhà trường được thực hiện bài bản thông qua hoạt động của Phòng Công tác chính trị và Quản lý SV cùng sự phối hợp của Trạm y tế. Phòng giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên trách phụ trách công tác thông báo về kế hoạch nộp phí tham gia BHYT và trả thẻ BHYT cho SV, đồng thời giải đáp thắc mắc cho các em SV các vấn đề liên quan đến chính sách BHYT.
Chủ trương cài đặt ứng dụng “VssID-BHXH số” cũng được quán triệt đến các em SV và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, bởi việc cài đặt ứng dụng này giúp các em có thể tự giám sát quyền lợi tham gia BHYT của bản thân và theo dõi những thông tin liên quan đến BHXH, BHYT.
Để các em SV dễ cập nhật, theo dõi, mọi kế hoạch triển khai BHYT hàng năm cũng như các thông báo liên quan đều được đăng tải công khai trên website của nhà trường và được đội ngũ trợ lý, cố vấn học tập của các Khoa/Viện thông báo về các lớp SV. Các cố vấn học tập cũng có trách nhiệm động viên, nhắc nhở và đôn đốc SV các lớp đăng ký tham gia BHYT và nộp phí BHYT đúng hạn để đảm bảo quyền lợi.
Những nội dung mà các em SV quan tâm thường tập trung vào quyền lợi KCB, quy định về chuyển tuyến, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu hoặc quy trình, thủ tục khi đi KCB.
Xác định việc thực hiện BHYT có vai trò quan trọng, góp phần giáo dục toàn diện, tăng cường ý thức tự chăm sóc sức khỏe, ý thức cộng đồng chia sẻ rủi ro của SV, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chính sách BHYT lồng ghép trong tuần sinh hoạt công dân đầu khoá học, đầu năm học hoặc trong các buổi sinh hoạt lớp. Những hoạt động này được tổ chức bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, nên đã thu hút đông đảo SV tham gia. Nhiều em có mặt tham dự các buổi sinh hoạt, toạ đàm bởi có thể đã tham gia BHYT nhiều năm từ khi còn là HS phổ thông, nhưng chưa có dịp tìm hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm cũng như ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của chính sách này.
Thực tiễn công tác BHYT tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho thấy, mặc dù theo quy định của Luật BHYT năm 2014 thì HSSV là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT, tuy nhiên một bộ phận SV vẫn lơ là, chủ quan, cho rằng tuổi trẻ dồi dào sức khoẻ, không có bệnh nên không cần tham gia BHYT.
Trước tình hình trên, nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về BHYT thông qua các kênh: Mạng xã hội, website của nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội SV và đội ngũ trợ lý, cố vấn học tập của các Khoa/Viện.
Bên cạnh đó, công tác y tế học đường và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho SV cũng được nhà trường chú trọng. Những trường hợp SV không may gặp tai nạn, bị thương đã được thăm khám, sơ cứu ban đầu tại Trạm y tế. Trong trường hợp cần thiết phải chuyển tuyến, cán bộ y tế cũng có hướng dẫn chi tiết và hoàn tất thủ tục nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em. Sự tận tâm của cán bộ Trạm y tế cũng là yếu tố để các em tin tưởng và yên tâm tham gia BHYT.
Thiết nghĩ, để công tác BHYT tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói riêng, công tác BHYT trong khối trường ĐH, CĐ nói chung phát triển bền vững, tiến tới mục tiêu BHYT cho 100% HSSV, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng HSSV từ NSNN nhằm khuyến khích HSSV tham gia BHYT. Thực tế cho thấy, một số SV của trường có hoàn cảnh khó khăn, SV phải đi làm thuê, làm thêm để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, nên chưa có điều kiện tham gia BHYT. Ngoài ra, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng hằng năm, theo đó, mức phí BHYT HSSV cũng tăng hằng năm, nên việc nâng mức hỗ trợ là yếu tố quan trọng để thu hút các em tham gia BHYT.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho HSSV và phụ huynh về chính sách, pháp luật BHYT, về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT… Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền tập trung vào những tháng đầu năm học mới và coi đây là những tháng cao điểm truyền thông về BHYT HSSV, hướng tới nhóm đối tượng SV từ năm thứ hai trở đi vì tỷ lệ tham gia của nhóm đối tượng này thường sẽ thấp hơn. Nhà trường cũng cần phối hợp với các bên liên quan như: Đoàn Thanh niên, Hội SV tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT một cách mềm dẻo, sinh động, thiết thực và gần gũi với tuổi trẻ, minh chứng giá trị của tấm thẻ BHYT qua các trường hợp HSSV được hưởng chi phí KCB BHYT lớn.
Ba là, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT theo hướng gia tăng quyền lợi, linh hoạt trong tham gia BHYT. Đơn cử, nếu HSSV tham gia BHYT theo hộ gia đình thì mức giảm phí đối với người thứ ba, người thứ tư tham gia tương ứng là 40%, 50% lớn hơn so với mức hỗ trợ 30% từ NSNN cho đối tượng HSSV. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng KCB để phụ huynh và HSSV yên tâm và tin tưởng tham gia BHYT.
Bốn là, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình, các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT. Nhà trường có thể xây dựng các quỹ hỗ trợ HSSV nghèo vượt khó, tặng thẻ BHYT cho các em để các em được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trong quá trình học tập.
Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHYT HSSV tại địa phương.
Sáu là, cơ quan BHXH các cấp tiếp tục CCHC, ứng dụng CNTT trong công tác tiếp nhận hồ sơ tham gia BHYT và phát hành thẻ BHYT kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Bài: Ths. Nguyễn Xuân Tiệp
Đồ họa: Thanh An