Print

Bền bỉ lan tỏa chính sách BHXH, BHYT

Thứ Hai, 16 /09/2024 23:16

Vì lý do khách quan, từ tháng 6/2024, chị Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1986, đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) buộc phải nghỉ việc ở một DN. Đã có gần 18 năm đóng BHXH bắt buộc, chị Trang đứng trước 2 lựa chọn, đó là rút BHXH một lần hoặc tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Dù vậy, không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ, gần như ngay lập tức, chị Trang quyết định tham gia BHXH tự nguyện ngay.

“Tôi tham gia BHXH từ cuối năm 2006. Sau khi nghỉ làm, chuyển hướng sang kinh doanh tự do, tô tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Trước đó, tôi đã được mời đến dự hội nghị tuyên truyền do cơ quan BHXH tổ chức, rồi được cán bộ phụ nữ vận động, thông tin chi tiết về mức đóng, quyền lợi hưởng… Việc đăng ký tham gia cũng rất thuận lợi; cán bộ chia sẻ, hỗ trợ làm thủ tục rất nhiệt tình”- chị Trang chia sẻ về quyết định đóng tiếp BHXH tự nguyện của mình. Cán bộ phụ nữ mà chị Trang nhắc đến chính là chị Nguyễn Thị Hằng- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Xuân La.

Trao đổi nhanh với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hằng- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Xuân La cho biết, bản thân chị đã tham gia BHXH tự nguyện từ lâu, đồng thời còn vận động những người trong gia đình cùng tham gia. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi phối hợp cùng cơ quan BHXH tổ chức truyền thông tại hầu hết các tổ dân phố, tập trung tại những địa bàn có nhiều hộ kinh doanh tự do, lao động phi chính thức. Sau mỗi buổi truyền thông lồng ghép sinh hoạt tổ dân phố, số người tham gia BHXH tự nguyện ở phường tăng rõ rệt. Đến tháng 6/2024 đã đạt 420 người tham gia; tháng 7 có thêm 25 người; tháng 8 thêm được 43 người”-, chị Hằng thông tin.

Cũng theo chị Hằng, những năm gần đây, số cuộc tuyên truyền được tổ chức ngày càng nhiều, nên người dân có cơ hội tiếp cận, nắm bắt chính sách BHXH, BHYT một cách chính thống. Chỉ tính riêng trong năm 2024, phường Xuân La đã phối hợp tổ chức hội nghị truyền thông tại 15/20 tổ dân phố. Ngoài ra, còn tập trung tuyên truyền tại một số tòa chung cư trên địa bàn. “Như cá nhân tôi cũng cố gắng lựa chọn các em trẻ tuổi, có công việc, thu nhập ổn chút để vận động BHXH tự nguyện. Cứ kiên trì thuyết phục rồi cũng đạt hiệu quả”- chị Hằng chia sẻ thêm.

Lãnh đạo BHXH quận Tây Hồ cho biết, mô hình tuyên truyền, vận động BHXH tự nguyện tại phường Xuân La đang được nhân rộng ra tại các phường khác trên địa bàn quận. Theo đó, tiếp tục phát huy hiệu quả truyền thông nhóm nhỏ tại các tổ dân cư, chợ dân sinh- là nhóm có thu nhập tương đối ổn định. Tương tự như phường Xuân La, các phường khác cũng đang dần phát huy hiệu quả tuyên truyền. Tính đến hết tháng 8, toàn quận Tây Hồ đã có hơn 2.130 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 87,87% kế hoạch năm 2024), tăng 253 người so với cùng kỳ năm 2023; trong khi số tham mới cũng tăng khá tích cực (đạt gần 560 người).

Cuối tháng 8 vừa qua, BHXH TP.Hải Phòng đã chỉ đạo triển khai tập huấn, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tới toàn bộ thành viên các BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các phường thuộc quận Hồng Bàng. Hơn 80 đại biểu đã được lãnh đạo BHXH TP.Hải Phòng truyền đạt các kiến thức cơ bản về BHXH, BHYT. “Từ những nền tảng, kiến thức có được từ buổi tập huấn, chúng tôi hy vọng rằng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT sẽ phát huy hiệu quả tham mưu, triển khai tốt BHXH, BHYT ngay từ cơ sở, nhất là việc thực hiện các mục tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”- ông Mạc Thanh Giang- Phó Giám đốc BHXH TP.Hải Phòng nhấn mạnh tại buổi tập huấn.

Cũng cần nhấn mạnh, tại TP.Hải Phòng, từ đầu năm 2024, BHXH các địa phương đã chủ trì ký kết phối hợp 3 bên (BHXH quận/huyện, UBND xã/phường và tổ chức dịch vụ thu). Qua đó, thiết lập được quy trình có tính liên hoàn thực hiện các khâu rà soát, tổng hợp dữ liệu nhóm tiềm năng, nhất là việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. “Ngoài BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT của 15 quận, huyện, Hải Phòng cũng đã phát huy mạnh mẽ hiệu quả BCĐ tại 217 xã, phường, thị trấn. Trong đó, nêu cao vai trò của các Tổ trưởng/Bí thư Chi bộ Tổ dân phố/thôn”- ông Bùi Minh Đức- Giám đốc BHXH TP.Hải Phòng nhấn mạnh khi nói về kết quả hoạt động của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp trên địa bàn. Hiệu quả thấy rõ, khi vào thời điểm hết tháng 8, trên địa bàn có 35.955 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 71,71% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 234 người (0,65%) so với tháng trước và tăng 9.730 người so với cùng kỳ năm 2023 (3,71%).

Trở lại với câu chuyện tại phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội). Để đội ngũ cán bộ ở địa bàn phường này có thể “thông thạo” về BHXH, BHYT không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Thực tế là, cơ quan BHXH đã phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với lãnh đạo phường cũng như trực tiếp là các cán bộ đầu mối đoàn thể- được giao trách nhiệm tuyên truyền hoặc đóng vai trò là đại lý thu. Đây chính là những người “quen mặt”, có uy tín với đa số người dân tại các khu dân cư. Bởi, hơn ai hết, chính họ là những người nắm rõ nhất ai, gia đình nào thuộc diện tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

“Bản thân tôi cũng đã tham gia cũng như phối hợp với cơ quan BHXH nhiều năm rồi, nên việc tuyên truyền hay vận động người dân trên địa bàn không khó khăn gì cả. Quá trình thì cố gắng lựa chọn các nhóm có điều kiện thu nhập tốt, vậy là vận động sẽ hiệu quả”- chị Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Xuân La nhấn mạnh.

Rõ ràng, để có được nhiều người như chị Hằng, cơ quan BHXH cần chủ động triển khai các giải pháp để từng bước hình thành nên đội ngũ cán bộ “chân rết” ở các địa bàn dân cư. Việc xây dựng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã, phường với sự tham gia của Tổ trưởng/Bí thư Chi bộ Tổ dân phố/thôn là bước đầu; còn việc ký kết Quy chế phối hợp 3 bên, nhất là triển khai tập huấn, trang bị kiến thức như BHXH TP.Hải Phòng đã và đang làm là rất đáng ghi nhận. Đây sẽ là “gốc” để lan tỏa chính sách BHXH, BHYT bền vững tới từng địa bàn dân cư và sâu hơn là tới từng hộ gia đình, từng người dân.

Thực hiện: Minh Đức

Trình bày: Hà Hùng