TP.Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm đồng bộ CSDL quốc gia về Bảo hiểm và CSDL quốc gia về Dân cư
Tính đến cuối tháng 6, BHXH Thành phố đã thực hiện đồng bộ dữ liệu của 7.749.466/8.123.357 người tham gia có trong CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về Dân cư, đạt 95,4%. Kết quả này đã góp phần giúp ngành BHXH Việt Nam triển khai tích hợp dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC quốc gia. Người tham gia BHYT kê khai đầy đủ thông tin số định danh cá nhân của tất cả các thành viên trong hộ gia đình là có thể “gọi” xác thực từ CSDL quốc gia về Dân cư để làm căn cứ tính giảm trừ mức đóng…
Đối với việc triển khai sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT, số lượng CCCD đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để KCB BHYT là 7.440.073 thẻ; số lượng cơ sở KCB đã sử dụng CCCD trong KCB đạt 100%, có 10.906.435 lượt người sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi KCB. Việc làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả người bệnh và các cơ sở KCB; góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn... Giải pháp này cũng mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ sở y tế trong quản lý người bệnh; giúp minh bạch thông tin, tránh gian lận, trục lợi trong KCB.
Ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, tiến tới mục tiêu cập nhật 100% số định danh cá nhân (ĐDCN)/CCCD của người tham gia trong CSDL vào năm 2024, BHXH TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo về việc rà soát, xử lý dữ liệu của người tham gia, cập nhật số ĐDCN/CCCD; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về Dân cư; hướng dẫn cập nhật hoàn thiện thông tin của người tham gia đối với trường hợp số ĐDCN/CCCD đã cập nhật vào phần mềm, nhưng chưa xác thực đúng với CSDL quốc gia về Dân cư.
Với phương châm chủ đạo là “dữ liệu dễ đồng bộ trước, dữ liệu khó đồng bộ sau”, BHXH TP.HCM đã tập trung vào các nhóm đối tượng: BHXH bắt buộc; BHYT hộ gia đình; người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng; HSSV. Đối với nhóm BHXH bắt buộc, đôn đốc các đơn vị quản lý đối tượng theo phân cấp, rà soát cung cấp số ĐDCN/CCCD. Đối với nhóm HSSV, Tổ giúp việc Đề án 06 tại BHXH TP.HCM phối hợp với Sở GD- ĐT để cập nhật vào CSDL BHXH; tham mưu với Tổ giúp việc Đề án 06 của UBND TP.HCM phối hợp với các trường ĐH để cung cấp danh sách SV đang học tại trường. Đồng thời, BHXH TP.Thủ Đức và BHXH quận, huyện chủ động phối hợp với Phòng GD, các trường Tiểu học, THCS và THPT... để rà soát và cập nhật vào CSDL BHXH.
Đối với nhóm BHYT hộ gia đình, BHXH TP.Thủ Đức và BHXH quận huyện phối hợp chặt chẽ với Công an quận huyện, các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn rà soát, đối chiếu và cập nhật vào CSDL. Đối với nhóm người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng, thực hiện theo Quy trình số 2286/C06-TCKT ngày 22/03/2024 của Bộ Công an và BHXH Việt Nam về phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về Dân cư. BHXH quận, huyện cử cán bộ tham gia Tổ công tác đến nhà theo địa chỉ người hưởng, sử dụng Phiếu khảo sát để xác minh kết hợp làm sạch dữ liệu người hưởng, xác nhận lại việc đăng ký nhận tiền qua tài khoản, xác thực người hưởng và tình trạng người hưởng.
Theo BHXH TP.HCM, khó khăn lớn hiện nay là việc chia sẻ để “làm sạch” dữ liệu với các sở, ngành trên địa bàn còn đang khó khăn do vướng các quy định về bảo mật, an toàn thông tin. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, khi lập hồ sơ đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên Cổng DVC, một số người dân chọn đăng ký nơi KCB ban đầu vào cơ sở y tế không có trên danh mục nhận KCB BHYT. Thông tin lập tờ khai trên Cổng DVC không có chỗ thể hiện thông tin trả kết quả (thẻ BHYT đã in) nên rất khó xác định địa chỉ để trả kết quả, vì rất nhiều người giám hộ lập tờ khai có địa chỉ ở tỉnh khác. Đối với những trường hợp này, cơ quan BHXH phải trả kết quả về phường, xã nơi đăng ký khai sinh.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu cập nhật, bổ sung số ĐDCN/CCCD và xác thực đúng với CSDL quốc gia về Dân cư cũng như kịp tiến độ chung của Đề án 06, BHXH TP.HCM đã tiếp tục chỉ đạo, phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, bổ sung điều chỉnh kịp thời các giải pháp thực hiện đối với từng nhóm.
Cụ thể, đối với BHXH, BHYT bắt buộc và BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện sẽ đôn đốc đơn vị SDLĐ, tổ chức dịch vụ thu lập danh sách đối với các trường hợp có chưa có ĐDCN/CCCD gửi đến cơ quan BHXH thông qua hình thức giao dịch điện tử hoặc dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tiếp tại cơ quan BHXH. Tiếp nhận hồ sơ do đơn vị, tổ chức dịch vụ thu gửi đến, cập nhật số ĐDCN/CCCD vào CSDL theo đúng quy định.
Với đối tượng HSSV, đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học cung cấp số ĐDCN/CCCD của HSSV chưa có số ĐDCN/CCCD cho cơ quan BHXH.
Với đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, tiếp tục thực hiện theo Quy trình số 2286/C06-TCKT ngày 22/03/2024 của Bộ Công an và BHXH Việt Nam về phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về Dân cư để cập nhật vào CSDL theo đúng quy định.
Với trẻ em dưới 6 tuổi chưa có ĐDCN, đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM chỉ đạo các Phòng Tư pháp quận/huyện cung cấp số ĐDCN cho cơ quan BHXH.
Với các đối tượng bảo trợ xã hội theo các Quyết định của Sở LĐ-TB&XH như người tâm thần, người lang thang, cơ nhỡ, thực hiện theo kế hoạch số 1878/KH-BCĐ ngày 20/4/2023 của BCĐ Đề án 06 tại TP.HCM về việc phối hợp thực hiện thu thập dữ liệu dân cư, cấp ĐDCN, giải quyết lưu trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, BHXH TP.HCM cũng kiến nghị BCĐ Đề án 06 Thành phố chỉ đạo UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở Tư pháp, Sở LĐ-TB&XH, Công an Thành phố chia sẻ dữ liệu các đối tượng đang quản lý đã có ĐDCN/CCCD cho BHXH Thành phố để cập nhật, hoàn chỉnh dữ liệu người tham gia. Đồng thời, kiến nghị BCĐ đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu thập dữ liệu dân cư, cấp ĐDCN, giải quyết lưu trú và cấp CCCD cho các nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn Thành phố.
Bài: Trà Giang
Đồ họa: Hiểu Thanh