BHXH tỉnh Quảng Bình: Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số
Tháng 4/2023, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai thí điểm mô hình đón tiếp người bệnh đăng ký KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc thông qua việc quét dấu vân tay.
Cơ sở cho quyết định này là BHXH tỉnh Quảng Bình đã có hạ tầng CNTT đồng bộ cũng như nhiều sáng tạo trong hoạt động. BHXH tỉnh cũng thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ tích hợp thành công thông tin thẻ BHYT vào CSDL quốc gia về Dân cư.
Hoạt động ứng dụng số trong KCB BHYT đã được người dân Quảng Bình quen thuộc từ năm 2021, khi Quảng Bình là 1 trong 10 tỉnh được BHXH Việt Nam thực hiện thí điểm việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT. Tại thời điểm này, để tạo điều kiện tối đa cho người dân đến KCB, BHXH tỉnh Quảng Bình cũng đã phối hợp với các nhà mạng, tạo lập hệ thống mạng không dây để truy cập internet tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Ngay thời điểm triển khai thí điểm mô hình đón tiếp người bệnh đăng ký KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, 2 BV thực hiện thí điểm (BVĐK khu vực Bắc Quảng Bình và BVĐK TP.Đồng Hới) đã chứng minh tiện ích lớn. Đó là việc giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ cho người dân khi làm thủ tục đăng ký KCB BHYT.
Trung bình một buổi cơ sở y tế có thể tiết kiệm được tổng thời gian tiếp đón từ khoảng 1-1,5 giờ, đặc biệt là khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT, dùng thẻ BHYT đi KCB BHYT, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý KCB BHYT...
Theo thống kê của BHXH tỉnh Quảng Bình, tính từ 1/4/2023 đến ngày 30/6/2024, Quảng Bình đã tiếp đón 169.286 lượt bệnh nhân KCB BHYT bằng CCCD gắn chip kết hợp xác thực sinh trắc...
Một trong những thành tựu của Ngành trong thời gian vừa qua là tạo lập hệ CSDL người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bao phủ gần như toàn bộ dân số, đồng thời liên tục được cập nhật, làm mới. Ngay trong tháng 7/2024, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Danh mục CSDL của ngành BHXH Việt Nam do các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam xây dựng, phát triển (Quyết định số 929/QĐ-BHXH) . Các CSDL này nhằm mục đích phục vụ riêng cho từng lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của đơn vị; phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo BHXH Việt Nam; phục vụ dữ liệu phân tích vĩ mô, đánh giá tác động chính sách trong các lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam và kết nối, cập nhật dữ liệu với CSDL quốc gia về Bảo hiểm...
Thực tế cho thấy, việc khai thác hệ “tài nguyên” là CSDL có sẵn để nâng cao hoạt động nghiệp vụ đã được BHXH tỉnh Quảng Bình sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả.
Theo đó, khi người dân đến thực hiện giao dịch tại bộ phận “Một cửa” BHXH huyện sẽ sử dụng CCCD tại cây máy tiếp đón, thực hiện xác thực sinh trắc dấu vân tay. Hệ thống sẽ tự động kết nối đến CSDL quốc gia về Dân cư để xác thực danh tính. Sau khi xác thực thành công, hệ thống sẽ tự động in phiếu thứ tự cho người dân vào giải quyết TTHC.
Theo ông Nguyễn Quang Thuận- Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh, việc áp dụng mô hình đã mang lại lợi ích cho cả người dân và cơ quan BHXH. Trong ngày, mỗi số định danh cá nhân chỉ lấy được một số thứ tự, tránh tình trạng lấy “số ảo” cũng như đảm bảo công bằng cho mọi người dân đến làm TTHC. Không xuất hiện trường hợp “chen ngang” khi đến làm việc, gây tâm lý ức chế cho những người đến trước.
Đặc biệt, nếu như trước đây cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan BHXH sẽ phải tự kiểm tra xem CCCD thật hay giả; tự kiểm tra người xuất trình CCCD và thông tin trên CCCD có phải là một hay không, thì việc ứng dụng công nghệ sinh trắc đã giảm “áp lực” này đi rất nhiều. Nhờ có xác thực vân tay đúng người, cán bộ BHXH cũng thuận lợi hơn để xác thực, đối chiếu CCCD với người vào giải quyết TTHC, giảm thiểu thời gian, các loại giấy tờ. Nếu sinh trắc thành công, cơ quan BHXH sẽ lưu lại thông tin để đảm bảo trong quá trình xử lý hồ sơ và tra cứu hồ sơ sau này, tiếp nhận hồ sơ theo quy định.
Có thể thấy, việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng quyền lợi BHXH, BHYT và trả kết quả sau khi có “hàng rào” xác thực sinh trắc và CCCD sẽ hỗ trợ khâu giải quyết các quyền lợi liên quan đúng người, đúng việc (nhất là các hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH, đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần có số tiền chi trả tương đối lớn); nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT. Sau 2 tháng thí điểm, đã có khoảng gần 800 lượt người dân ứng dụng công nghệ xác thực vào giải quyết TTHC...
Theo BHXH tỉnh Quảng Bình, trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng, các ứng dụng công nghệ số là công cụ hữu hiệu giúp ngành BHXH Việt Nam nâng cao chất lượng phục vụ, kịp thời ngăn chặn các vi phạm trong thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Hiện BHXH tỉnh đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện kho CSDL quốc gia về Bảo hiểm; sẵn sàng liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ban, ngành liên quan để phục vụ yêu cầu quản lý chung và phục vụ tốt người dân, DN.
Bài: Ngọc Thảo
Đồ họa: Thanh An