Quỹ BHYT nhìn từ câu chuyện “Em bé Làng Nủ”
Chiều 1/11, sự kiện “Em bé Làng Nủ”- bé Hoàng Thảo Ngọc, nạn nhân cuối cùng vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ đã hồi sinh kỳ diệu và được xuất viện sau 50 ngày điều trị tại BV Bạch Mai đã làm nức lòng cộng đồng. Điều đặc biệt hơn, bên cạnh sự tận tình của các y bác sĩ, còn có sự đồng hành của tấm thẻ BHYT, khi chỉ trong 50 ngày, quỹ BHYT đã chi trả chi phí điều trị cho em số tiền lên tới gần 600 triệu đồng.
Trước đó một ngày, tại diễn đàn Quốc hội, khi tranh luận về Dự án Luật BHYT (sửa đổi), một vị ĐBQH nêu dẫn chứng con ông đi học phổ thông, được gia đình mua bảo hiểm của công ty nước ngoài, nhưng cũng phải đóng BHYT. Vị ĐBQH này dẫn ra những bức xúc của cử tri liên quan các “dịch vụ y tế” và đề nghị ngành BHXH phải “công khai, minh bạch hoạt động BHYT”; đồng thời tạo điều kiện cơ hội cho nhiều thành phần kinh tế khác được “tham gia vào thị trường BHYT” này.
Bé Thảo Ngọc hồi sinh kỳ diệu một phần nhờ tính cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT
Đáng nói, vị ĐBQH còn đưa ra nhận định: “Bảo hiểm nào cũng là bảo hiểm, về dịch vụ y tế rõ ràng các công ty bảo hiểm thực hiện, chăm sóc cho khách hàng tốt hơn. Cho nên, giờ phải quy định song song cho mua một trong hai loại bảo hiểm”. Thậm chí, theo vị ĐBQH “nếu bắt buộc mua như hiện nay có gì đó độc quyền ở đây. Nếu bỏ được việc này sẽ là khâu đột phá nâng cao chất lượng bảo hiểm”.
Quay trở lại với câu chuyện về “Em bé Làng Nủ”, thời điểm nhập viện, bé Thảo Ngọc không có bất cứ giấy tờ gì để có thể tra cứu thông tin về BHYT, do nhà cửa, đồ đạc trong nhà đã bị cơn lũ dữ cuốn trôi hết. Song, các cơ quan BHXH đã nhanh chóng phối hợp triển khai những thủ tục cần thiết để thanh toán chi phí KCB BHYT cho bệnh nhi. “Nếu không có BHYT, thì gia đình không biết xoay sở ra sao. Hôm nay là một ngày vô cùng hạnh phúc với tôi, xin gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ BV Bạch Mai, các mạnh thường quân và quỹ BHYT đã đồng hành cùng con suốt thời gian khó khăn vừa qua”- chị Dịp, mẹ của bé Thảo Ngọc chia sẻ.
Song, để có được sự hồi sinh kỳ diệu, trước hết phải nói đến bản chất nhân văn, chia sẻ cộng đồng của chính sách. Theo đó, con số gần 600 triệu đồng chi trả cho “Em bé Làng Nủ” tương đương giá trị của 461 tấm thẻ BHYT- đồng nghĩa 461 người cùng chung tay đóng góp vào quỹ (trong một năm) để hỗ trợ bé Thảo Ngọc hồi sinh. Hơn nữa, từ trước tới nay, quỹ BHYT hoạt động không vì lợi nhuận- đây là điểm nhân văn mà không có tổ chức bảo hiểm thương mại nào thực hiện. Không những thế, nhiều năm qua, ngành BHXH Việt Nam cũng luôn công khai thông tin về tình hình quản lý và chi trả chi phí KCB BHYT.
Bởi vậy, việc cho rằng có “sự độc quyền” trong BHYT, hay sự so sánh giữa BHYT với các loại bảo hiểm thương mại đều là sự khập khễnh, không phản ánh được tính nhân văn, cộng đồng chia sẻ của chính sách này- điều vốn được xã hội đánh giá cao trong nhiều năm qua. Đáng nói, với những trường hợp bệnh mãn tính, bệnh nặng, sẽ khó có thể được bảo hiểm thương mại chi trả lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng như với BHYT. Đấy là chưa kể nhiều gia đình sẽ không có đủ khả năng tài chính để tham gia bảo hiểm thương mại cho con em mình.
PV