Print

Hạnh phúc của người nhận lương hưu

Thứ Năm, 21 /11/2024 12:22

Ở xã Lý Văn Lâm (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), vào những dịp chi trả lương hưu, dù chưa tới 6 giờ sáng, nhưng nhiều cụ ông, cụ bà đã có mặt tại điểm chi trả. Sổ lương được chồng cao lên bàn, ai nấy nói cười râm ran. Khi cầm số tiền lương hưu trong tay, trong đầu họ đã dự tính chi cho việc gì, bỏ vào khoản nào. Hàng ngày, khi mỗi tờ lịch được lột xuống là ngày nhận lương thêm gần. Lương hưu cùng tờ lịch như hình với bóng, như sự chờ đợi qua từng chữ số.

Tôi bắt đầu nhận lương hưu từ năm 1999. Tháng đầu tiên, lương hưu của tôi chỉ hơn 500.000 đồng. Trải qua hơn 25 năm, tôi cũng không nhớ đã bao lần được điều chỉnh lương hưu, đến lần điều chỉnh gần đây (ngày 1/7/2024), thì mức lương tôi được nhận là 10 triệu đồng/tháng. Thật là một con đường cùng chiều, khi sức lực còn khá, có điều kiện lao động kiếm thêm thu nhập thì lương thấp, đến khi già yếu bệnh tật thì có mức lương khá hơn.

Điều này chứng tỏ chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ngày càng tiếp cận đến đời sống thật của con người, chứng tỏ nguồn lực tài chính của Nhà nước đã khá hơn, mặt bằng lương đã được điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người hưởng lương. Từ bản thân tôi, tính ra đến nay đã có 312 lần nhận lương hưu. Dù ít dù nhiều, tôi đều có cảm giác rất vui, thậm chí có cảm giác được nhận nhiều hơn so với phần mình đóng góp. Nhẩm tính, nếu lấy bình quân là 3 triệu đồng/tháng, thì qua 312 lần nhận lương hưu, tôi cũng có ngót 1 tỷ đồng.

Về mặt đạo lý, mỗi lần nhận lương hưu, tôi như được trở về những năm tháng đánh giặc cam go, sống chết cận kề, mà thời gian không thể xóa mờ trong tâm não của mình; như trở về với tư thế đĩnh đạc của người chiến thắng có mặt ngay dinh lũy Sài Gòn vào chiều 30/4/1975. Thấy như quá hạnh phúc dù chỉ được phân phối bộ vỏ ruột xe đạp thời bao cấp, trong khi bốn đồng đội của tôi đã ngã xuống trong một chuyến qua sông năm nào; thấy như mình đã được góp bàn tay nhỏ bé vào công cuộc khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Nhóm bạn già chúng tôi hay hàn huyên cùng nhau. Nhiều lần ngồi uống cà phê, ông Nguyễn Văn Chín (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, trước đây là công nhân Xí nghiệp Chế biến thủy sản Phú Cường) tâm sự với tôi trong sự hối tiếc muộn mằn. Năm 2010, gia đình gặp sự cố, nên ông Chín đã rút BHXH một lần được hơn 100 triệu đồng để lo công việc. Vì vậy, nay ông Chín không có lương hưu như những bạn già khác, trụ đỡ cũng không còn, trong khi tuổi ngày càng cao, nên khó khăn càng thêm chất chồng.

Một lần đứng ở hành lang trụ sở BHXH tỉnh Cà Mau, tôi nói vui với chị Thái Thị Kim Thủy- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau: “Mấy ông già sống dai quá, nhận lương hưu dài dài, Thủy có sốt ruột không?”. Chị Thủy vội đáp kèm theo nụ cười nhân hậu: “Không, không. Các bác sống thọ cũng là đích đến của an sinh xã hội, mang tính nhân văn, cộng đồng chia sẻ. Người tham gia BHXH sau chính là góp vào quỹ lương cho người tham gia trước, người chưa tới tuổi hưu chăm lo cho người tới trước…”.

Qua tìm hiểu các quy định của chính sách, tôi được biết rằng, không dừng lại ở đối tượng BHXH bắt buộc, những năm gần đây, chính sách BHXH toàn dân đã được triển khai rộng khắp, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, không chỉ người làm ở khu vực nhà nước, mà người dân bình thường, lao động tự do cũng có thể tham gia BHXH bằng chính sách BHXH tự nguyện.

Ở nơi tôi sống (ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm) có bà Nguyễn Thị Hai và bà Trần Thị Út là nội trợ, nhưng đã tham gia BHXH tự nguyện được hơn 5 năm. Hay như anh Trần Văn An ở phường 1 có chừng nửa thời gian đóng BHXH bắt buộc, sau khi chuyển sang làm lao động tự do, anh không rút BHXH một lần, mà quyết định đóng tiếp BHXH tự nguyện, nên đến nay đã được chốt sổ và chỉ chờ vài năm cho đủ điều kiện sẽ được nhận lương hưu.

Nói lương hưu là trụ đỡ, là cốt lõi của chính sách BHXH, song để an sinh xã hội thực sự vững như “kiềng ba chân”, cũng cần thêm 2 trụ cột khác là BHYT và chính sách bảo trợ xã hội. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn người dân Cà Mau đã có BHYT và đã coi việc có BHYT là nếp sống văn hóa “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Ở địa phương chúng tôi có cháu là sinh viên năm thứ 4 không may bị tai nạn giao thông ở chân, phải trải qua mấy lần phẫu thuật với chi phí gần 100 triệu đồng, nhưng nhờ có BHYT mà người nhà nhẹ gánh lo. Hay như trường hợp bà Bùi Thị Dung (75 tuổi, ấp Tân Điền, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi), do tuổi cao bệnh nặng, nên nhập cấp cứu ở BVĐK tỉnh Cà Mau, cũng nhờ có BHYT, nên gia đình chỉ phải lo chi phí ăn uống, thăm nuôi bên ngoài.

Lương hưu, chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, hay chế độ tử tuất… đã làm cho nhiều người vững tin vào cuộc sống của mình. Người tham gia BHXH, BHYT dù bằng hình thức bắt buộc hay tự nguyện cũng chính là tham gia vào lưới an sinh để “không ai bị bỏ lại phía sau”. BHXH, BHYT là chính sách an sinh xã hội lâu dài, nên cần phải huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nói: “Phát triển kinh tế, xã hội phải đi cùng với an toàn, an sinh xã hội, để cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn, bền vững hơn”.

Theo BHXH tỉnh Cà Mau, đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh có 90.985 người tham gia BHXH, trong đó có 30.460 người tham gia BHXH tự nguyện. Cùng thời điểm đó, có đến 8.864 người nhận lương hưu, trong đó có 5.823 người nhận lương hưu qua thẻ ATM, với tổng số tiền lên đến 68,86 tỷ đồng. Với đa phần người nhận lương hưu như chúng tôi, đây là nguồn thu nhập rất quan trọng. Thậm chí, có người đã vay mượn trước, chờ nhận lương hưu để hoàn trả, có người phải trích trả lãi qua ngân hàng, cho nên mỗi lần nhận lương, ai nấy đều phấn khởi, lộ rõ niềm vui.

Thực hiện: Nguyễn Thái Thuận

Trình bày: Hà Hùng