Print

Cán mốc 2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện

Thứ Tư, 27 /11/2024 09:29

Tháng 10/2024 trở thành dấu mốc đáng nhớ với ông Đào Văn Lưu (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Từ thời điểm này, ông chính thức thành người có lương hưu khi đã ở tuổi 62. “Gọi là hưu thôi, chứ thực tình tôi vẫn cố gắng làm việc đều đều hàng tháng. Chỉ có điều, khi đã có lương hưu rồi, thì cuộc sống sẽ thấy nhẹ nhõm, dễ chịu hơn”- ông Lưu chia sẻ.

Vốn xuất thân làm nông nghiệp, nên ông Lưu có thời gian dài gắn bó với ruộng đồng, sau đó làm công nhân cho một nhà máy sản xuất giấy. Song, do DN trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ, nên mãi đến năm 2005, ông Lưu mới được đóng BHXH khi đã 42 tuổi. Nhưng rồi, như một quy luật tất yếu, trước sự thay đổi của công nghệ, những NLĐ cao tuổi như ông không thể trụ lại quá lâu với công việc. Vì vậy, năm 2018, ông xin nghỉ việc khi mới đóng BHXH được 13 năm 4 tháng. Thời điểm đó, cũng như nhiều người khác, ông đã tìm đến cơ quan BHXH với ý định rút BHXH một lần.

Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ BHXH huyện Tiên Du đã cố gắng thuyết phục ông Lưu từ bỏ ý định rút BHXH một lần, thay vào đó nên đóng tiếp BHXH tự nguyện. “Cứ nghe người ta nói ra nói vào, còn mình thì không nắm được nhiều về quy định chính sách, nên định bụng sẽ rút một lần cho gọn việc. Cũng may được cơ quan BHXH tư vấn, tôi đã hiểu rõ lợi ích của việc có lương hưu, nên quyết định chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện”- ông Lưu nhớ lại.

Thêm vài năm tham gia BHXH tự nguyện, số tiền ông Lưu bỏ ra đóng theo quý cũng không nhiều. Kết quả là, đến giờ ông Lưu đã có lương hưu- điều mà chính ông cũng khó ngờ tới với bao năm làm ruộng hay làm công nhân như trước đây. “Tôi vẫn đi làm thêm đều đều hàng tháng, nên vẫn có đồng ra đồng vào; con cái cũng đã lớn và tự lo cuộc sống riêng hết cả. Giờ có lương hưu thì cuộc sống cảm giác thoải mái hơn, không còn quá nặng nề chuyện cơm áo ạo tiền”- ông Lưu tâm sự.

Tháng 10/2024 là một dấu mốc lớn trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, cả nước đã có 2,08 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 4,5% lực lượng lao động phi chính thức, nông dân trong độ tuổi- một con số thực sự không dễ gì để đạt được. Để hình dung, cần nhìn lại quá trình thực hiện BHXH tự nguyện từ năm 2008 đến nay.

Cụ thể, trong năm đầu tiên triển khai, cả nước chỉ có khoảng 6.110 người tham gia; các năm tiếp theo, tốc độ phát triển cũng không đáng kể. Từ năm 2018, khi có chính sách hỗ trợ đóng từ NSSN theo Luật BHXH 2014, việc thực hiện BHXH tự nguyện có sự chuyển biến tích cực hơn. Dù vậy, đến hết năm 2018- cũng là thời điểm ghi dấu 10 năm thực hiện BHXH tự nguyện, cả nước cũng chỉ có 277.190 người tham gia (chiếm 0,57%).

Bước sang năm 2019, khi ngành BHXH Việt Nam có sự đổi mới mạnh mẽ (tối ưu hoá các phương thức tuyên truyền, vận động, xây dựng nguồn dữ liệu tiềm năng, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương…), số người tham gia BHXH tự nguyện mới có bước đột phá. Theo đó, đến cuối năm 2019, đã ghi nhận 558.000 người tham gia, gấp 2 lần so với năm trước đó; đặc biệt, số tăng mới trong năm này (280.919 người) bằng cả 10 năm trước cộng lại. Tốc độ phát triển được toàn ngành BHXH tiếp tục phát huy, khi đến năm 2020 đạt 1,12 triệu người tham gia.

Dù vậy, các yếu tố thách thức vẫn hiện hữu, tạo ra những trở ngại. Dịch COVID-19 đã tác động và làm ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện; bên cạnh đó là vấn đề điều chỉnh tăng mức đóng do thay đổi chuẩn nghèo (làm căn cứ tính đóng BHXH tự nguyện). Tuy nhiên, toàn Ngành đã quyết tâm tiếp tục đổi mới, vượt qua các thách thức để duy trì đà phát triển. Do vậy, đến hết năm 2023, cả nước đã có trên 1,91 triệu người tham gia và đến tháng 10/2024 đã cán mốc trên 2 triệu người tham gia.

Trở lại câu chuyện lương hưu của ông Đào Văn Lưu, với hơn 13 năm đóng BHXH- tức là đã ở khá gần “điều kiện đủ” để được hưởng lương hưu, nhưng ông Lưu đã từng có ý định rút BHXH một lần, muốn nhận về ngay số tiền “một cục” thay vì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện hằng tháng. Việc này khiến những cán bộ BHXH huyện Tiên Du không khỏi trăn trở lo lắng, nên phải quyết tâm thuyết phục ông từ bỏ ý định nhận “một cục” và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để lo cho tương lai.

Cũng từ câu chuyện của ông Lưu đã cho thấy phần nào khó khăn, vất vả trong việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Cũng cần nói thêm, ông Lưu chỉ phải đóng BHXH tự nguyện thêm khoảng 7 năm. Còn với nhiều người khác, nếu chỉ thuần tuý tham gia BHXH tự nguyện (thời gian cần đóng khoảng 15-20 năm, thì khó khăn trong việc thuyết phục, vận động rõ ràng còn lớn hơn nhiều. Đặc biệt, không chỉ thuyết phục, vận động người dân đăng ký tham gia, mà điều quan trọng hơn là phải “giữ chân”, giúp người dân duy trì đóng trong suốt 15-20 năm, cho đến khi đủ tuổi và đủ số năm đóng để hưởng lương hưu.

Dù vậy, ngày càng nhiều người đã hiểu và quyết định từ bỏ ý định rút BHXH một lần, thay vào đó tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Do đó, đến thời điểm này, con số hơn 2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện thực sự rất đáng ghi nhận. Cũng cần nhìn nhận sâu hơn vào số người được hưởng lương hưu từ chính sách này. Theo đó, cứ thêm một người được hưởng lương hưu như ông Lưu- tức là thêm một minh chứng cho thấy hiệu quả từ những nỗ lực tuyên truyền, vận động của cơ quan BHXH các địa phương, góp phần đem lại lợi ích bền vững cho cả quãng đời về già của những người như ông Lưu.

Luật BHXH 2024 đã được thông qua với nhiều điểm mới tích cực, trong đó các quy định về BHXH tự nguyện đã được sửa đổi để chính sách này hấp dẫn hơn. Đây cũng là tiền đề để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm đã có, tiếp tục hướng tới dấu mốc mới, nỗ lực tuyên truyền, vận động để gia tăng nhanh số người tham gia, cũng như để ngày càng có nhiều người hơn được hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện.

Thực hiện: Minh Đức

Trình bày: Hà Hùng