Print

Hương vị tình thân

Thứ Sáu, 29 /04/2022 08:37

Với những giá trị an sinh thiết thực, BHXH tự nguyện giờ đây đã trở thành một món quà vô cùng ý nghĩa của những người thân trong gia đình trao tặng cho nhau.

Là con gái lớn lại đi lấy chồng xa mãi tận Cẩm Giàng (Hải Dương), chị Lê Thị Thao (sinh năm 1989) ít có dịp về thăm bố mẹ mình ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Vợ chồng chị Thao có công việc và thu nhập ổn định; mẹ chị hơn 50 tuổi vẫn đi làm và tham gia BHXH bắt buộc tại một công ty gần nhà, chỉ còn bố ở nhà lo việc đồng áng. Dẫu biết cuộc sống của bố mẹ và hai đứa em ở quê không phải quá vất vả, song chị Thao vẫn canh cánh nỗi lo…

Bác Lê Văn Lâm cùng món quà BHXH tự nguyện do con gái tặng

Một lần tình cờ nghe Đài Truyền thanh xã nói về BHXH tự nguyện, chị Thao chợt nảy ra ý định tham gia BHXH tự nguyện cho bố. Nghĩ vậy, chị lập tức lên mạng tra tìm số điện thoại của BHXH huyện Hiệp Hòa để gọi hỏi. Sau khi được tư vấn và làm một vài thủ tục nhanh gọn, mấy ngày sau, BHXH huyện đã chuyển sổ BHXH tự nguyện đến tận nhà cho bố chị- ông Lê Văn Lâm (sinh năm 1968, địa chỉ tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa). “Thay vì biếu bố mẹ quà bánh, thì em nghĩ tặng bố mẹ một sổ lương hưu khi về già sẽ hợp lý hơn. Không phải lúc nào mình cũng ở gần ông bà để quan tâm được…”- chị Thao nói về quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho bố mình.

Theo chị Thao, chị đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cả mẹ chồng nên phải tìm hiểu cẩn thận. Đặc biệt, với những thủ tục nhanh chóng, thuận tiện đã khiến chị rất hài lòng. “Em không phải về Hiệp Hòa, các anh chị ở BHXH huyện tư vấn nhiệt tình lắm, chỉ trao đổi qua điện thoại và sổ BHXH tự nguyện được chuyển về tận tay bố em ở quê”- chị Thao chia sẻ.

Trò chuyện với chị Thao, chúng tôi được biết thu nhập của gia đình chị cũng ở mức trung bình khá. Hiện chị là kế toán tại một DN, lương của chồng chị tầm hơn 10 triệu; trừ chi phí sinh hoạt và nuôi hai con nhỏ, nên khoản tích lũy cũng không đáng là bao. Song, vợ chồng chị vẫn quyết định đóng BHXH tự nguyện 5 năm cho bố với số tiền hơn 7 triệu đồng. Số tiền này không phải quá lớn, nhưng nó được báo hiếu bố mẹ bằng sổ BHXH tự nguyện, nên càng thêm ý nghĩa.

Bác Lê Văn Lâm là một người nông dân thuần túy, nên cũng khá ngại ngần, kiệm lời khi chia sẻ với phóng viên về món quà này. Trước đây, bác Lâm không biết nhiều về BHXH tự nguyện, mà chỉ biết rằng cả nhà (vợ và các con) đều đã được đóng BHXH bắt buộc, có thẻ BHYT. “Chỉ quanh quẩn ở nhà làm ruộng, thu nhập tạm đủ tiêu, nên cũng tôi cũng chẳng lo xa được gì”- bác Lâm chia sẻ. Khi biết con gái tham gia BHXH tự nguyện cho mình, bác Lâm mới tìm hiểu kỹ và biết được đây là chính sách an sinh của Nhà nước. “Tham gia rồi sau này sẽ có lương hưu, cũng rất tốt”- bác Lâm chất phác chia sẻ thêm.

“Hôm được nhận sổ BHXH tự nguyện, ông khá bất ngờ. Không nói ra, nhưng chắc ông vui lắm; giá trị không nhiều nhưng vui vì được con cái quan tâm”- chị Thao nói về món quà dành tặng cho người cha của mình. Quả thực, với lương hưu và thẻ BHYT có được từ việc tham gia BHXH tự nguyện, món quà này đã khiến cô con gái của bác Lâm yên tâm hơn về cuộc sống khi về già của cha mẹ mình.

Câu chuyện của chị Thao một lần nữa cho thấy, khi BHXH tự nguyện xuất phát từ tình thương yêu trong mỗi gia đình, chắc chắn những giá trị nhân văn sẽ được lan tỏa nhiều hơn. Những so sánh mang nặng tính đo đếm vật chất hay những băn khoăn thiệt hơn về đóng-hưởng sẽ không còn là vấn đề quá lớn khi BHXH tự nguyện được trao đi như những món quà đậm hương vị tình thân.

Minh Đức