Bịt kẽ hở “ủy quyền”
Mới đây, Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội, cho biết trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung điều khoản nghiêm cấm hành vi mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức.
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 18 Luật BHXH, thì NLĐ có quyền “ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ tham gia và hưởng các chế độ BHXH và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để trục lợi, nên cần phải có các chế tài xử lý hành vi lợi dụng ủy quyền này.
Cần bịt kẽ hở tránh việc ủy quyền nhận BHXH một lần
Thời gian qua, tại TP.HCM và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai phổ biến tình trạng cầm sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền, sau đó đề nghị giải quyết BHXH một lần. Do đó, cơ quan chức năng ở các địa phương đã kiến nghị cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ. Theo BHXH TP.HCM, hiện nay tình trạng mua bán sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền vẫn xảy ra với nhiều cách thức; đặc biệt một số trường hợp sử dụng cách thức tinh vi như: Một số đối tượng ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…) mua sổ BHXH, rồi sử dụng CMND của NLĐ mở nhiều tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng này lợi dụng thời gian giãn cách xã hội để nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần qua Bưu điện tại TP.HCM nhằm trục lợi.
Theo quy định của Luật BHXH 2014, sổ BHXH là một loại giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH của NLĐ, làm cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định. Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn cũng quy định rõ, sổ BHXH chỉ có giá trị khi NLĐ đến cơ quan BHXH xác định đúng nhân thân, đúng CSDL tham gia BHXH thì mới được giải quyết các chế độ. Đồng thời, theo Bộ luật Dân sự 2015, sổ BHXH không phải một loại tài sản nên không có giá trị mua bán, cầm cố, trao đổi hay thế chấp; do đó, giao dịch dân sự liên quan đến việc mua bán, cầm cố loại giấy tờ này là không hợp pháp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy “bên mua” và “bên bán” sổ BHXH thường không trực tiếp xác lập giao dịch mua bán hay cầm cố sổ BHXH, mà lập hợp đồng ủy quyền rút BHXH. Theo đó, người chủ sở hữu sổ BHXH sẽ lập văn bản ủy quyền cho người khác làm thủ tục hưởng BHXH một lần- coi như đã bán cho người mua và nhận về một khoản tiền nhất định.
Khoản 6, Điều 18 Luật BHXH quy định “NLĐ có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH”. Theo quy định hiện hành, việc ủy quyền lĩnh thay BHXH là hợp pháp, nên các bên đã lợi dụng điều này để thực hiện việc mua bán, cầm cố sổ BHXH. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan BHXH căn cứ trên giấy tờ và rất khó để xác định trường hợp nào là ủy quyền thật và trường hợp nào là ủy quyền trá hình. Chính vì lợi dụng kẽ hở trong ủy quyền, nên việc mua bán sổ BHXH vẫn ngang nhiên tồn tại.
Theo các chuyên gia pháp luật, hiện nay chưa có quy định một người có thể nhận bao nhiêu ủy quyền, cũng như thời gian ủy quyền kéo dài bao lâu. Chính vì vậy, tại một số địa phương có tình trạng một người nhận ủy quyền của hàng chục, hàng trăm NLĐ để nhận BHXH một lần- thực chất là hoạt động mua bán sổ BHXH ở hình thức núp bóng ủy quyền. Trong trường hợp một người nhận ủy quyền từ nhiều người và nộp cho một cơ quan BHXH, cán bộ BHXH có thể phát hiện dấu hiệu bất thường, từ đó xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Song, các “đầu nậu” thu gom sổ BHXH thường “chẻ nhỏ” nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần ở nhiều cơ quan BHXH khác nhau, nên cơ quan BHXH rất khó phát hiện việc núp bóng ủy quyền.
Dự kiến thời gian tới, các ngành chức năng sẽ đề xuất quy định cụ thể trường hợp nào được phép ủy quyền hưởng, chứ không đại trà như hiện nay. Đồng thời, để tránh hình thức núp bóng ủy quyền, các chuyên gia kiến nghị cần tránh tình trạng một người được ủy quyền nhận thay (nhận BHXH một lần) nhiều lần; cần quy định cụ thể số lần được ủy quyền và rút ngắn thời hạn ủy quyền tối đa là 3 tháng đối với trường hợp ủy quyền nhận thay trợ cấp BHXH một lần.
Trà Giang