Print

BHYT- Yếu tố cấu thành văn hóa học đường

Thứ Ba, 14 /06/2022 14:35

Văn hóa học đường, nói gọn là làm đẹp trường, đẹp lớp bằng chính lời ăn tiếng nói, hành động cử chỉ và suy nghĩ tích cực của từng học trò, từng giáo viên trong suốt quá trình dạy và học. Và, thực hiện tốt BHYT học đường cũng chính là góp phần cấu thành nên văn hóa học đường.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Theo Chỉ thị, văn hóa học đường khi được chú trọng dựng xây sẽ góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vậy, xây dựng văn hóa học đường phải bắt đầu từ những việc gì?

Theo các chuyên gia, văn là đẹp, còn hóa là trợ từ, để khi ghép lại, văn hóa mang thêm nghĩa làm đẹp. Nói cách khác, văn hóa là một danh-động từ vừa mô tả vẻ đẹp bắt nguồn từ nỗ lực vận động mà có (chứ không phải tự thân sinh ra đã đẹp), vừa mô tả quá trình nỗ lực vận động để ngày càng đẹp hơn. Vậy nên, văn hóa học đường, nói gọn là làm đẹp trường, đẹp lớp bằng chính lời ăn tiếng nói, hành động cử chỉ và suy nghĩ tích cực của từng học trò, từng giáo viên trong suốt quá trình dạy và học.

Co hẹp chữ nghĩa một chút, sẽ dễ trả lời cho câu hỏi “xây dựng văn hóa học đường phải bắt đầu từ việc gì?”. Rõ ràng, học đường sẽ đẹp hơn khi học trò lễ phép, bác ái và trung thực. Có ý kiến nói lễ phép khiến học trò thui chột cá tính. Thực ra, lễ phép giúp học trò biết kính trên nhường dưới qua lời ăn tiếng nói. Khi bày tỏ chính kiến cũng chừng mực trong lời nói, chứ nào có buộc học trò không kiên quyết bảo lưu suy nghĩ của mình. Còn bác ái giúp học trò yêu thương bạn bè, không “thấy học giỏi hơn thì ghét, thấy học dở hơn thì khinh”. Riêng trung thực sẽ giúp học trò chấp nhận bản thân, tự rèn năng lực, tự đứng trên đôi chân của mình để phát triển...

Theo các chuyên gia, lễ phép, bác ái và trung thực là những viên gạch đầu tiên của “công trình xây dựng cơ bản” văn hóa học đường, giúp học trò nên người tử tế, lương thiện sau này, giúp học đường thêm lấp lánh vẻ đẹp nhân văn. Song, sẽ rất thiếu sót nếu đề cập câu chuyện dựng xây văn hóa học đường, mà không nhắc tới yếu tố kỷ luật với các quy định của nhà trường. Giúp học trò tuân thủ kỷ luật nhà trường từ những việc nhỏ nhất (đi học đúng giờ, trang phục đồng bộ...), cho đến những việc lớn hơn (không chửi thề nói tục, không đánh nhau...) chính là giúp các em có tinh thần thượng tôn pháp luật khi trưởng thành.

Còn nhớ, hồi năm 2019, thầy Huỳnh Tấn Châu- Hiệu trưởng Trường Lương Văn Chánh (Phú Yên) nói rằng, tham gia BHYT học đường ngoài lợi ích bản thân, còn bác ái với cộng đồng. Phía nhà trường giúp học trò tham gia BHYT học đường, cũng đồng nghĩa với việc giúp các em tuân thủ quy định pháp luật từ ghế nhà trường, trong quá trình lập thân các em sẽ chung tay kiến tạo một xã hội thượng tôn pháp luật. Thầy Châu nói vậy, vì BHYT học đường là bắt buộc thực hiện theo luật định. Như lời thầy Châu, thực hiện tốt BHYT học đường cũng chính là góp phần cấu thành nên văn hóa học đường; do vậy rất cần cả trò lẫn thầy đều phải chung sức thực hiện.

Thanh Giang