Print

“Liệu pháp” giảm sức ép việc làm

Thứ Ba, 21 /06/2022 09:09

Việc tạo công ăn việc làm, đào tạo và đào tạo lại nghề cho NLĐ đang tạo ra áp lực rất lớn cho các cấp, các ngành. Theo dự báo của ILO, tới năm 2026, sẽ có khoảng 40% NLĐ sẽ không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại, bởi sẽ được thay thế bằng công nghệ mới 30% NLĐ buộc phải chuyển nghề.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị trước về việc đào tạo chuyển đổi nghề cho 5-10 năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bởi, hiện tỷ lệ NLĐ được đào tạo ở nước ta tuy đạt 70%, nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề. Nếu so sánh trong khu vực ASEAN, chúng ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ đào tạo nghề nghiệp thấp. Vì vậy, chúng ta đã xác định đào tạo nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của quốc gia để phát triển nhanh.

Nhấn mạnh Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Dung cho rằng, trước hết chúng ta cần phải tiến hành đào tạo nhanh, phân luồng học sinh cấp 2-3, những học sinh không có nhu cầu và không có điều kiện để học lên cao nhanh và ngay thì sẽ cho các em rẽ ngang, vừa học nghề, vừa học văn hóa (9+). “Hiện nay, 23 tỉnh, thành phố đang tiến hành mô hình này đều đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, mới có văn bản đề nghị các địa phương dừng lại. Ở đây, trên tinh thần các địa phương bám vào luật pháp, bám vào các quy định đặc biệt là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học để tiến hành”- Bộ trưởng Dung nói.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta sẽ tiến hành đào tạo mới lực lượng lao động. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Việc làm theo tinh thần xác định những ngành nghề nào, những lĩnh vực nào bắt buộc các DN phải sử dụng NLĐ có chuyên môn, nếu không có chuyên môn thì phải phối hợp với Nhà nước hoặc với cá nhân để đào tạo trước khi vào làm việc. Hoặc, có những lực lượng lao động phải quy định vào làm việc bao lâu phải đào tạo lại.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú trọng đào tạo chất lượng cao. Theo đó, chương trình 2.000 tỷ để xây dựng 3 trung tâm đào tạo thực hành quốc gia để đào tạo những ngành nghề, lĩnh vực mà các trường nghề chưa làm được, hoặc những ngành nghề lĩnh vực có tính chất dẫn dắt như ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đào tạo theo chương trình 34 bộ giáo trình chúng ta nhập từ Đức, Australia, Malaysia để thí điểm ở 45 trường chất lượng cao. Như vậy, đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo đại trà, đào tạo chất lượng cao sẽ song hành trong chương trình 2025.

Liên quan vấn đề này, tại Chương trình gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ vừa diễn ra, người đứng đầu Chính phủ- Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, muốn phát triển sản xuất kinh doanh và bảo đảm công ăn việc làm cho NLĐ, thì việc đào tạo nâng cao tay nghề là đòi hỏi khách quan cần phải làm. Đáng chú ý, ngoài sự nỗ lực của NLĐ, cần phải có quản lý nhà nước, phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan; phải dành nguồn lực cho vấn đề này. “Khi có tay nghề cao sẽ có thu nhập cao, có thu nhập cao thì đời sống tinh thần vật chất của công nhân được cải thiện, từ đó mới có hạnh phúc và ấm no”- Thủ tướng chia sẻ.

PV