Print

Chuẩn mực mới trong kinh doanh

Thứ Ba, 20 /12/2022 14:51

Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Việc này nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, bởi đây chính là “chìa khóacân bằng tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững.

Bà Ramla Khalidi- Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam nhận xét: “Việc có kế hoạch hành động quốc gia không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ quyền con người và phát triển bền vững, mà còn là bằng chứng sống động cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng, thậm chí đi trước cuộc chơi, trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trên thị trường toàn cầu; đồng thời chứng minh cho thế giới về việc hướng tới một tương lai bền vững, công bằng và toàn diện hơn”.

Hiện nay, trách nhiệm xã hội của DN (CSR) được hiểu là mang tính khuyến khích; còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của DN đối với các chủ thể liên quan, như: NLĐ, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi DN không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật, mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn thông qua phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra vi phạm. Đây là trách nhiệm chính của DN; song Nhà nước và xã hội cũng cần có trách nhiệm thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Chương trình hành động quốc gia đang được xây dựng sẽ tập trung vào 3 định hướng lớn, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai. Cụ thể: Tập trung vào nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, các DN và xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật liên quan.

Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng nhấn mạnh: “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của DN và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho DN cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến DN”. Còn theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, việc Việt Nam sẽ thông qua Kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2023, sẽ tạo nên một phần của kỷ nguyên mới về cách thức kinh doanh tại Việt Nam- đó là tập trung vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm như một chuẩn mực mới.

Mộc Miên